Công ty TNHH Saitex International tại KCN Amata (Đồng Nai) |
Dự án hỗ trợ chuyển đổi
Dự án Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình Khu công nghiệp sinh thái toàn cầu do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) tài trợ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) triển khai, đã phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái tại các khu công nghiệp Đình Vũ - Deep C (Hải Phòng), Hiệp Phước (TP.HCM) và Amata (Đồng Nai).
Mục tiêu của Dự án là hỗ trợ chuyển đổi các khu công nghiệp được lựa chọn thành khu công nghiệp sinh thái thông qua tăng cường năng lực trong các cơ chế chính sách và quy định liên quan, xác định và triển khai thực hiện các giải pháp khu công nghiệp sinh thái.
Tính đến hết tháng 10/2023, dự án đã hỗ trợ 68 doanh nghiệp tại 3 khu công nghiệp thông qua các hoạt động đào tạo, đánh giá, xác định và thực hiện khoảng 300 (trên tổng số hơn 600) giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn và 62 giải pháp cộng sinh công nghiệp dẫn đến giúp tiết kiệm 23 triệu kWh điện/năm, 384.000 m3 nước/năm, tiết kiệm 3,1 triệu USD/năm và giảm 24.000 tấn CO2 tương đương/năm, góp phần tối ưu hóa hiệu quả sử dụng tài nguyên tại các khu công nghiệp và khu đô thị hướng tới thực hiện kinh tế tuần hoàn.
Hàng năm, các khu công nghiệp tham gia Dự án được rà soát đánh giá dựa trên Khung quốc tế về khu công nghiệp sinh thái để theo dõi tiến độ chuyển đổi, từ đó xác định được những vấn đề còn tồn tại. Đây là cơ sở để tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho ban quản lý khu công nghiệp và các doanh nghiệp trong khu công nghiệp hướng tới chuyển đổi thành công sang mô hình khu công nghiệp sinh thái.
Tại Khu công nghiệp Đình Vũ - Deep C, Dự án xác định được 137 giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP) tại 19 công ty, đem lại tiềm năng giảm 13,2 GWh/năm điện, 74.696 m3/năm nước và tiết kiệm 41 tỷ đồng/năm.
Tại Khu công nghiệp Hiệp Phước, Dự án đã hỗ trợ 30 doanh nghiệp với 300 giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP), sản xuất an toàn và bền vững hơn trong quá trình sản xuất, với tiềm năng tiết kiệm khoảng 93 tỷ đồng.
Việc ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Khu công nghiệp Đình Vũ - DEEP C và Công an quận Hải An tại Hải Phòng là ví dụ điển hình về mối quan hệ cộng sinh công nghiệp đô thị giữa khu công nghiệp và khu đô thị. Theo thỏa thuận, đội phòng cháy chữa cháy chuyên nghiệp gồm 3 xe chữa cháy chuyên dụng và 19 lính cứu hỏa của Khu công nghiệp Đình Vũ - Deep C luôn sẵn sàng hỗ trợ nhiệm vụ khi được huy động khẩn cấp từ Trung tâm Phòng cháy chữa cháy Thành phố. Hoạt động này cũng giúp nâng cao năng lực cứu hộ, cứu hỏa tại địa phương nhằm giảm thiểu nguy cơ thiệt hại tài sản cho cộng đồng khi xảy ra sự cố cháy nổ trên địa bàn.
Đoàn công tác của Chính phủ Thụy Sỹ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư thăm và làm việc tại Khu công nghiệp Hiệp Phước (TP.HCM) |
Những điển hình cần nhân rộng
Công ty TNHH Vật liệu nam châm Shin-Etsu Việt Nam là một ví dụ điển hình về sử dụng tuần hoàn nguyên vật liệu nâng cao hiệu quả cho Công ty theo định hướng phát triển bền vững và thịnh vượng. Công ty đầu tư dây chuyền sản xuất nam châm đất hiếm khép kín từ khâu nguyên liệu đến thành phẩm tại Khu công nghiệp Đình Vũ - Deep C (Hải Phòng). Hầu hết các sản phẩm lỗi/hỏng được tuần hoàn và tái sử dụng trong quá trình sản xuất, nhằm sử dụng tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu phát thải luôn là phương châm hàng đầu trong tôn chỉ sản xuất của Công ty.
Shin-Etsu Việt Nam áp dụng giải pháp lắp đặt van điều khiển lưu lượng nước tại các bồn rửa tay trong nhà máy giúp giảm lưu lượng nước từ 15 xuống 6 lít/phút. Ngoài ra, Công ty áp dụng giải pháp tái sử dụng nước thải từ hệ thống lọc nước RO để cung cấp vào hệ thống rửa nam châm. Đây là một trong các giải pháp không đòi hỏi chi phí đầu tư và góp phần giảm chi phí sử dụng 5.248 m3 nước/năm cũng như chi phí xử lý nước thải, tương đương tiết kiệm 204 triệu đồng/năm.
Shin-Etsu Việt Nam đang xem xét giải pháp đầu tư hệ thống tái chế nước thải bao gồm cả nước thải sinh hoạt. Giải pháp này ước tính tiết kiệm khoảng 7.000 m3 nước/tháng, tương đương 3,6 tỷ đồng/năm.
Tại Khu công nghiệp Amata, Công ty TNHH Saitex International Đồng Nai là một trong 18 công ty đã xác định được 8 giải pháp RECP với tiềm năng tiết kiệm hàng năm là 687.661 kWh điện, 4.875 m3 nước và góp phần giảm 552,95 tấn CO2td. Nhờ giải pháp băng chuyền treo quần áo trong 3 tiếng tại khu vực nhà máy giặt - là phương pháp sấy khô bằng cách tận dụng không khí nóng tạo ra trong phòng giặt để rút ngắn thời gian trong buồng sấy, Công ty đã cắt giảm được 50% điện năng sử dụng cho máy sấy và giảm lượng khí thải CO2.
Một doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Đình Vũ - Deep C quyết định thay thế nồi hơi LPG và thực hiện dịch vụ cộng sinh công nghiệp với công ty dịch vụ năng lượng. Công ty này đầu tư cơ sở hạ tầng tại khuôn viên nhà máy và công ty dịch vụ năng lượng đầu tư, vận hành nồi hơi sử dụng nhiên liệu sinh khối (trấu, trấu viên, phụ phẩm nông nghiệp, phụ phẩm lâm nghiệp như dăm bào, mùn cưa, củi...) là nguồn nhiên liệu chính có thể thu mua tại địa phương.
Cụ thể, lò hơi được lắp đặt sẵn thiết bị phụ trợ là bộ thu hồi nhiệt khí thải để tận dụng nhiệt khí thải làm nóng nước cấp cho lò hơi. Sau đó, hơi nước thải ra sẽ được đưa qua hệ thống khử bụi trước khi thải ra môi trường để đảm bảo các thông số khí thải theo tiêu chuẩn cho phép. Các động cơ và quạt làm mát trong hệ thống được lắp động cơ biến tần (VSD) đảm bảo điều khiển được tốt hơn và tiết kiệm điện hơn. Hệ thống điều khiển bao gồm cảm biến và màn hình hiển thị các thông số vận hành quan trọng như tốc độ, áp suất, nhiệt độ... Lợi ích tài chính đem lại là hơn 50 tỷ đồng/năm, thời gian hoàn vốn khoảng 3 tháng và giảm hơn 5.000 tấn CO2tđ/năm.
Tại một công ty giấy ở Khu công nghiệp Hiệp Phước, hệ thống thiết bị hút chân không cũ có tổng công suất 2.000 kW được thay thế bằng hệ thống mới gồm 3 bơm chân không mới có lắp biến tần điều khiển với tổng công suất 1.200 kW, giúp công ty tiết kiệm khoảng 40% điện năng tiêu thụ. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, hệ thống này bị lỗi, biến tần vận hành không theo tải yêu cầu dẫn đến tăng điện năng tiêu thụ.
Dự án đã hỗ trợ công ty trên kiểm tra và lắp đặt lại các cảm biến áp suất mới để kết nối hệ thống biến tần và giám sát hoạt động hiệu quả. Điều này giúp công ty tiết kiệm được 18% điện năng tiêu thụ, tương đương giảm điện năng là 1.500 GWh/năm, tiết kiệm chi phí 2,55 tỷ đồng/năm với chi phí thực hiện là 300 triệu đồng, thời gian hoàn vốn dưới 2 tháng và góp phần giảm gần 1.200 tấn CO2tđ/năm.
Việc áp dụng thành công các giải pháp RECP của các doanh nghiệp tiên phong tại 3 khu công nghiệp, mà sau này sẽ được nhân rộng, cộng với sự nỗ lực và quyết tâm chuyển đổi từ quy hoạch, cũng như sự đồng hành của doanh nghiệp, sẽ góp phần phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và ngành công nghiệp Việt Nam.