Chuyển đổi số - Kinh tế số
Chuyển đổi số của Quảng Ninh thực sự đi vào đời sống
Quỳnh Nga - 29/10/2023 17:04
Xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của chuyển đổi số, ngay từ năm 2012, tỉnh Quảng Ninh đã “đi trước, đón đầu” trong khai thác cơ hội số, triển khai ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin ở nhiều lĩnh vực đời sống, kinh tế.
Quảng Ninh vận hành Trung tâm điều hành thành phố thông minh Ảnh: Minh Hà

Đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số

Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cho biết, tỉnh đã xây dựng Đề án và ban hành Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số toàn diện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, triển khai xây dựng với 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, kinh tế số được xác định là đột phá, cần được tập trung chỉ đạo hoàn thành với mục tiêu đặt ra đến năm 2025, kinh tế số phải đạt 20% GRDP và đến năm 2030, kinh tế số phải đạt 30% GRDP của tỉnh, là một trong những chỉ tiêu quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch mô hình phát triển từ “nâu” sang “xanh”.

Mới đây, Quảng Ninh ký kết hợp tác với FPT, Viettel và VNPT để triển khai chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, hai bên sẽ hợp tác đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh; phát triển nền tảng số, ứng dụng số trên các công nghệ mới; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, phát huy khả năng, thế mạnh, nguồn lực của hai bên gắn với chuyển đổi số toàn diện.

Thời gian qua, với cách làm chủ động, quyết liệt, sáng tạo, được triển khai từ tỉnh đến cơ sở và người dân, chuyển đổi số tại Quảng Ninh đã gặt hái được những thành công ấn tượng. Trên bảng xếp hạng chuyển đổi số (DTI) năm 2022, ở nhóm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Quảng Ninh đã vươn lên vị trí thứ 3, tăng 4 hạng so với năm 2021. Với giá trị DTI đạt 0,7024 điểm (tăng 0,2052 điểm so với năm 2021) chỉ xếp sau Đà Nẵng và TP.HCM.

“Năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số xác định là năm dữ liệu số quốc gia và đề ra 9 chỉ tiêu quan trọng. Đến thời điểm này, Quảng Ninh đã đạt được 6/9 chỉ tiêu. Các chỉ tiêu còn lại đang tập trung triển khai và dự kiến hoàn thành trong năm 2023”, ông Nguyễn Trung Tiến, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ninh cho biết.

Bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ

Quảng Ninh một trong những địa phương đi đầu trong việc gửi - nhận văn bản điện tử có sử dụng chữ ký số liên thông 4 cấp và là địa phương sớm tích hợp Cổng dịch vụ công của tỉnh lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Việc xây dựng và vận hành chính quyền điện tử đã tạo ra một nền hành chính hiện đại với các thủ tục được giải quyết bằng quy trình điện tử, hồ sơ điện tử, dịch vụ công trực tuyến đến mức độ 3, mức độ 4.

Nhờ đó, lãnh đạo tỉnh có thể nắm bắt quy trình, tiến độ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp từ cấp xã trở lên, thậm chí cả tên của công chức được giao xử lý thủ tục đó; đồng thời công khai, minh bạch tất cả những thông tin, văn bản của chính quyền các cấp lên Cổng thông tin điện tử. Người dân, doanh nghiệp ngồi ở nhà cũng có thể thực hiện được các thủ tục hành chính và theo dõi tiến độ giải quyết hồ sơ. Rõ ràng “chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực đã có tác động tích cực đến người dân và doanh nghiệp”, ông Tiến khẳng định.

Tiên Yên là một huyện miền núi, đang dần thu hẹp khoảng cách vùng miền, mang lại nhiều tiện ích cho người dân nhờ chuyển đổi số. Lãnh đạo huyện Tiên Yên cho biết: “Đến nay, đã có 129/129 doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể khi thành lập mới đăng ký, sử dụng hóa đơn điện tử. Huyện đã phổ cập chữ ký số đến 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn. 100% sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn huyện đã được truy xuất nguồn gốc trên hệ thống (https://qn.check.net.vn) và được giới thiệu, quảng bá thông qua ứng dụng trực tuyến, sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn”.

Việc áp dụng thực hiện các chỉ tiêu số hóa hồ sơ trong lĩnh vực y tế cũng giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn với dịch vụ y tế. Trong ngành y tế, trên 99% người dân đã có hồ sơ sức khỏe điện tử. TS-BS. Trần Anh Cường, Giám đốc Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí chia sẻ: “Bệnh viện chúng tôi đang triển khai tiếp đón người bệnh khi đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân có gắn chip hoặc qua ứng dụng VSSID, VNEID. Từ khi áp dụng hình thức này, đã đem lại nhiều tiện ích cho người dân: không chỉ tiết kiệm được thời gian làm thủ tục đăng ký, mà trong trường hợp thẻ bảo hiểm y tế của người dân bị mất, hỏng cũng không bị ảnh hưởng tới việc khám chữa bệnh”.

Có thể thấy, chuyển đổi số đã và đang gắn liền với mọi mặt của đời sống xã hội, từng bước tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Quảng Ninh.

Tin liên quan
Tin khác