Chuyển đổi số - Kinh tế số
Chuyển đổi số: Rào cản lớn nhất là tư duy và thể chế
Hữu Tuấn - 16/01/2022 15:12
Nếu không đổi mới thể chế chính sách, thay đổi tư duy thì chuyển đổi số “như tên lửa nổ to, khói lớn, nhưng không phóng vụt lên trời được”.
Ảnh minh họa

Đừng để “con cá vàng mang vây cá mập”

Chuyển đổi số đã được khởi xướng từ năm 2019, nhưng theo số liệu mà ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Thông tin và Truyền thông) cung cấp tại Hội thảo “Chuyển đổi số và xu hướng M&A trong lĩnh vực công nghệ năm 2022”, thì dù Bộ Thông tin và  Truyền thông đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ với mục tiêu mỗi năm tối thiểu thúc đẩy 30.000 doanh nghiệp tiếp cận các nền tảng kỹ thuật số, nhưng trong năm 2021, mới chỉ có 16.000 doanh nghiệp tiếp cận được, một con số quá nhỏ so với 800.000 doanh nghiệp Việt Nam.

Chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi cách sống, cách làm việc dựa trên công nghệ số, không phải chỉ là ứng dụng công nghệ thông tin. Chính vì vậy, vai trò của người đứng đầu, lãnh đạo doanh nghiệp rất quan trọng.

Ông Đường cho rằng, chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi cách sống, cách làm việc dựa trên công nghệ số, không phải chỉ là ứng dụng công nghệ thông tin. Chính vì vậy, vai trò của người đứng đầu, lãnh đạo doanh nghiệp rất quan trọng trong quá trình định hướng, quyết định, là người chịu trách nhiệm với chuyển đổi số của một cơ quan, doanh nghiệp.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, mục tiêu 30.000 doanh nghiệp chuyển đổi số mỗi năm so với 800.000 doanh nghiệp đã ít, con số đạt được là 16.000 doanh nghiệp lại càng hạn chế. Trong đó, 1.000 doanh nghiệp lớn công nghệ số còn quá xa vời, do đó, Việt Nam vẫn là nước trung bình về chuyển đổi số trong khối ASEAN.

“Để chuyển đổi số tốt, cần mấy yếu tố. Một là tư duy nhận thức là vai trò của người đứng đầu. Hai là cuộc cách mạng về thể chế. Ba là nguồn nhân lực. Bốn là hạ tầng. Năm là tinh thần doanh nghiệp sáng tạo. Hiện nay, chỉ 30-40% doanh nghiệp chuyển đổi số thành công. Do vậy, để thành công, quá trình chuyển đổi số phải gắn với chiến lược kinh doanh thực, tiếp đến là phải nghĩ lớn, nhưng làm từng bước nhỏ và phải có ý nghĩa lan tỏa, kết nối đối tác với khách hàng và sản phẩm. Cuối cùng là vai trò người đứng đầu. Những doanh nghiệp tốt thường có những giám đốc công nghệ - CTO”, ông Thành nhận định.

Theo GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp vừa và nhỏ rất muốn chuyển đổi số, nhưng không thể làm được vì không có điều kiện để chuyển đổi, khác với doanh nghiệp lớn có điều kiện thực hiện chuyển đổi số. Như vậy, 92% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ là câu chuyện của Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm, giúp đỡ họ tự chuyển đổi số, chứ không phải đưa khuyến nghị để họ tự làm được.

Các bộ, ngành quyết liệt vào cuộc

Bên cạnh việc tự thân doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, nhận thức, hành động quyết liệt, thì vai trò của các bộ, ngành trong thúc đẩy chuyển đổi số là vô cùng quan trọng. Bởi doanh nghiệp hiện đang bị ảnh hưởng lớn của Covid-19. Bản thân họ, quá trình chuyển đổi số đang gặp phải nhiều rào cản như: thiếu thông tin; mất nhiều thời gian để đào tạo, hướng dẫn; thiếu nguồn lực hỗ trợ kinh tế

“Chuyển đổi số vẫn là một quá trình không hề dễ dàng với các doanh nghiệp khi gặp những thách thức như khả năng tiếp cận các thông tin, tài liệu, chuyên gia hỗ trợ; khả năng kết nối với các giải pháp trên thị trường; khả năng tiếp cận các nguồn vốn; môi trường kinh tế số tại Việt Nam còn khiêm tốn; các chỉ số về thanh toán điện tử, tỷ lệ giao dịch kỹ thuật số tại Việt Nam còn thấp… Đặc biệt, Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi số quốc gia, nhiều quy định liên quan đến chuyển đổi số đang được xây dựng, hình thành (tiêu chuẩn công nghệ, giao dịch thương mại điện tử, chứng thực số, thuế, hải quan…”,  bà Bùi Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhìn nhận.

Bà Thủy cho biết, năm 2021, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phê duyệt Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025. Trong đó, 100% doanh nghiệp tiếp cận thông tin từ chương trình và nâng cao kiến thức về chuyển đổi số, 100.000 doanh nghiệp được nhận các hỗ trợ từ chương trình (sử dụng công cụ tự đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, hỗ trợ đào tạo, tư vấn, kết nối giải pháp)…

Trong năm 2022, chương trình sẽ triển khai 3 gói hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số: Start Digital dành cho doanh nghiệp quy mô nhỏ, mới bắt đầu chuyển đổi số - hỗ trợ lựa chọn các giải pháp chuyển đổi số đơn giản và phù hợp nhất để bắt đầu thực hiện; Gói Grow Digital (dành cho doanh nghiệp đang tăng trưởng - hỗ trợ tăng tốc phát triển dựa trên việc ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số;  Go Digital - Go Global (dành cho các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu thông qua các nền tảng số - hỗ trợ doanh nghiệp làm chủ quy trình, công nghệ số, phát triển thương hiệu và sản phẩm trên thị trường quốc tế).

Còn Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng dự thảo Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghiệp, công nghệ số, dự kiến trình Quốc hội kế hoạch năm 2023.

“Luật sẽ định nghĩa lại thế nào là công nghiệp công nghệ số và các hoạt động liên quan công nghệ số. Ngoài ra, Luật sẽ liên quan đến quản lý, các điều kiện thúc đẩy phát triển, Luật sẽ định nghĩa tài sản số, tài sản ảo. Những giao dịch hiện giờ như tiền số có giao dịch lớn, nếu không công nhận tài sản thì không thể đánh thuế, giải quyết được”, ông  Nguyễn Thanh Tuyên, Phó vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết.

Tin liên quan
Tin khác