Sáng ngày 26/7, Báo Điện tử VOV – Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp cùng các cơ quan liên quan tổ chức Hội thảo "Chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhà nước: Cơ hội và thách thức" tại Hà Nội. Chương trình có sự đồng hành Tổng Công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí - CTCP (PVFCCo); Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTRANS); Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (HABECO).
Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Hải Quang - Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết, chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu, là vấn đề được quan tâm hàng đầu của tất cả các quốc gia trên toàn thế giới và Việt nam cũng không là ngoại lệ.
Việt Nam xác định xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số là một trong những ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn 2016-2020 để tạo ra nền móng vững chắc cho việc chuyển đổi số toàn diện trong giai đoạn 2021-2030.
Để xây dựng chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số thì không thể không có các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành và sản xuất kinh doanh, mà trong đó doanh nghiệp nhà nước phải là đầu tầu, dẫn dắt các doanh nghiệp tư nhân và dẫn dắt cả nền kinh tế.
Ông Nguyễn Thanh Tuyên - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông |
Theo ông Nguyễn Thanh Tuyên - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), các doanh nghiệp công nghệ số thường có tiềm năng tăng trưởng vượt trội do tính chất đột phá và sự đổi mới liên tục trong lĩnh vực công nghệ. Khả năng mở rộng và sức mạnh của công nghệ số làm cho các doanh nghiệp này trở thành những nhân tố chính thúc đẩy sự thay đổi và phát triển trong nền kinh tế.
Doanh nghiệp công nghệ số có khả năng thu thập, lưu trữ và phân tích lượng lớn dữ liệu từ các nguồn khác nhau. Khi kết hợp với trí tuệ nhân tạo và học máy, họ có thể rút ra những thông tin quan trọng từ dữ liệu này, giúp tối ưu hóa hoạt động kinh doanh và đưa ra các quyết định thông minh hơn.
Đồng thời, các doanh nghiệp công nghệ số thường cung cấp những sản phẩm và dịch vụ tiên tiến, hiệu quả hơn, giúp nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Chính việc tạo ra giá trị cho khách hàng là yếu tố quan trọng khiến cho chuyển đổi số trở nên hấp dẫn và cần thiết.
"Các doanh nghiệp công nghệ số thường đem đến những mô hình kinh doanh mới, linh hoạt và hiệu quả hơn so với các mô hình truyền thống. Họ giúp đẩy mạnh quy trình tự động hóa, tiết kiệm thời gian và chi phí, từ đó giúp doanh nghiệp dễ dàng thích ứng với thị trường thay đổi liên tục", ông Tuyên chia sẻ.
Cũng tại hội thảo, theo ông Đoàn Hữu Hậu - Giám đốc tư vấn chuyển đổi số của FPT Digital, các doanh nghiệp Nhà nước có lợi thế về bề dày lịch sử, mức độ hiện diện trên thị trường cao, cũng như có định vị ngành nghề ổn định và sự tích luỹ lâu dài để phục vụ cho tiến trình chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhà nước vẫn còn gặp nhiều thách thức trong tiến trình chuyển đổi số của mình. Cụ thể, các doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn, được đầu tư khá lâu, các nghiệp vụ và quy trình đã ổn định lâu dài nên khó khăn trong chuyển đổi mô hình, vận hành ứng dụng công nghệ mới. Ngoài ra, quy trình đầu tư, đặc biệt là công nghệ gặp nhiều khó khăn về mặt thủ tục, hiệu quả đầu tư.
Ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số - Hội Truyền thông số Việt Nam |
Đồng quan điểm, ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số - Hội Truyền thông số Việt Nam cho biết biết theo nghiên cứu của DTSI, để chuyển đổi số, các doanh nghiệp cần chuyển đổi cách thức tổ chức, thông qua việc áp dụng hiệu quả các công nghệ, phương thức quản trị mới và những nguồn lực mới để hoạt động hiệu quả hơn; Chuyển đổi bản chất của hoạt động kinh doanh; Chuyển đổi lợi thế cạnh tranh sang lợi thế cạnh tranh động bằng việc nâng cao năng lực đổi mới, sáng tạo, không ngừng, nhanh chóng và hiệu quả; Chuyển đổi cách nghĩ, cách làm, cách hành động từ truyền thống công nghiệp sang kỷ nguyên số; Chuyển đổi cách vận hành từ quản trị công việc sang quản trị dòng thông tin; Chuyển đổi cách do lường hiệu quả công việc từ các chỉ số rời rạc, sang kết quả tổng thể của doanh nghiệp trên cơ sở phối hợp hiệu quả tất cả các hoạt động của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, để thực hiện chuyển đổi số với các nội dung trên, doanh nghiệp nhà nước (có vốn nhà nước) vẫn đang gặp không ít thách thức: “Trước hết phải thấy rằng doanh nghiệp nhà nước có những quy định tổ chức rất khác với các doanh nghiệp có hình thức sở hữu khác. Doanh nghiệp nhà nước, có những hành lang pháp lý, những quy định, quy chế và cách thức kiểm soát rất chặt chẽ. Đây là yếu tố tạo nên những rào cản trong việc chuyển đổi cách thức tổ chức để chuyển đổi số, bởi không thể muốn chuyển đổi như thế nào cũng được và muốn chuyển đổi là chuyển đổi được ngay, sự chuyển đổi cũng chịu rất nhiều ràng buộc, không dễ để chuyển đổi thành công.
Bởi sự chuyển đổi mô hình tổ chức khó khăn nên chính quá trình này tạo ra nhiều điểm khó khăn trong việc xây dựng lộ trình chuyển đổi số, đặc biệt trong việc xây dựng các mô hình kinh doanh mới hoặc triển khai những hệ sinh thái về mô hình kinh doanh. Điều đó đặt ra những thách thức lớn cho việc chuyển đổi cách nghĩ, cách làm, cách hành động để thích ứng hiệu quả với kỷ nguyên số với một đặc trưng quan trọng là sự chuyển đổi không ngừng và linh hoạt”, ông Lê Trường Giang nhận định.