Chuyển đổi số - Kinh tế số
Chuyển đổi số và tăng trưởng xanh cùng Ericsson
Bích Thủy thực hiện - 22/03/2023 08:11
Ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson tại Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar trao đổi về tầm quan trọng của công nghệ 5G, cũng như quan hệ đối tác trong việc hỗ trợ Việt Nam đạt được tầm nhìn này.
Ericsson cam kết luôn đồng hành với Việt Nam trong hành trình phát triển bền vững

Ông cho biết, 5G và chuyển đổi số sẽ tác động thế nào đến các ngành như sản xuất, logistics, nông nghiệp và thương mại điện tử trong những năm tới?

Là một hạ tầng số quốc gia quan trọng, 5G có tiềm năng ảnh hưởng đáng kể tới xã hội, các ngành công nghiệp, nền kinh tế cũng như mang lại lợi ích cho môi trường. Trước đây, những nền kinh tế đang phát triển phụ thuộc vào các yếu tố đầu vào truyền thống để thúc đẩy tăng trưởng, chẳng hạn như lao động chi phí thấp và tài nguyên thiên nhiên. Trong tương lai, nền kinh tế mới sẽ ngày càng phụ thuộc vào các yếu tố đầu vào bền vững hơn như khoa học, công nghệ và sáng tạo. Theo đó, dữ liệu sẽ trở thành loại “nhiên liệu” mới tạo ra nhiều động lực phát triển kinh tế - xã hội toàn diện và bền vững, đảm bảo sự thịnh vượng trên phạm vi rộng hơn.

Nhìn lại quá khứ, mạng di động 2G đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam vào năm 1993, khi Ericsson bắt đầu hoạt động tại Việt Nam. Cùng với các nhà mạng, chúng tôi đã giúp kết nối mọi người từ mọi miền đất nước, bất kể ở thành thị, nông thôn hay các vùng quê và miền núi xa xôi, khiến dễ dàng liên lạc và mở rộng hoạt động kinh tế - xã hội.

Với 3G, xã hội và doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng giá trị của mạng Internet không dây, tạo ra làn sóng đầu tiên của nền kinh tế số và hoạt động thương mại điện tử. Ngày nay, thông qua mạng băng rộng di động tốc độ cao 4G cũng như 5G, Việt Nam đang bắt đầu tận hưởng những lợi ích của việc kết nối không dây giữa các ngành và doanh nghiệp, giúp tăng hiệu quả và năng suất.

Thông qua 5G, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ trong hàng ngàn nhà máy tại Việt Nam, cho phép rô-bốt, công nghệ bản sao số (digital twin technology), phương tiện điều khiển tự động, theo dõi hàng tồn kho từ xa và bảo trì dự đoán (predictive maintenance) giúp nâng cao hiệu quả đáng kể và tăng cường an toàn cho các cơ sở sản xuất. Cùng với việc giúp tăng tốc độ tăng trưởng năng suất lao động của quốc gia lên mức 7,5%/năm theo Chiến lược quốc gia về chuyển đổi số của Chính phủ, nó cũng sẽ kích thích đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào công nghệ cao và thu hút thêm đầu tư sản xuất thông minh vào Việt Nam trong những năm tới. Điều này cực kỳ quan trọng, đặc biệt là khi chúng ta kỳ vọng gần 70% tập đoàn đa quốc gia trên thế giới sẽ đặt các trung tâm sản xuất của họ ở châu Á - Thái Bình Dương trong thập kỷ này.

Cùng với đó, chúng ta thấy nông nghiệp, khai thác mỏ, hậu cần, năng lượng, giao thông, y tế và giáo dục đều được hưởng lợi từ các tính năng của băng thông rộng di động tốc độ cao, an toàn và đáng tin cậy trong những năm tới, giúp cải thiện năng suất và tăng hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, đồng thời cung cấp một nền tảng cho đổi mới sáng tạo. 5G thực sự là một nền tảng sáng tạo, giúp tạo ra các trường hợp sử dụng, công ty và ngành công nghiệp IoT mới, từ đó sẽ tạo ra các công việc mới trong tương lai.

Ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson tại Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar 

Chiến lược quốc gia của Việt Nam về chuyển đổi số, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 với tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số và nền kinh tế số trong việc thúc đẩy làn sóng phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Làm thế nào để công nghệ nói chung và 5G nói riêng có thể hỗ trợ tầm nhìn của quốc gia, bao gồm cả việc đạt được mục tiêu phát thải carbon net zero?

5G có tốc độ cao, an toàn và đáng tin cậy khác biệt, cùng với độ trễ siêu thấp để tăng cường tự động hóa trong tất cả các ngành, bao gồm sản xuất, nông nghiệp, năng lượng, hậu cần, vận tải, khai thác mỏ, y tế, tài chính, ngân hàng, giáo dục và nhiều ngành khác. Bởi vậy, 5G là công nghệ và mạng di động lý tưởng mà Chính phủ đã rất chú trọng trong Chiến lược chuyển đổi số và công nghiệp 4.0, tầm nhìn đến năm 2030.

Chính phủ đã đưa ra một chiến lược và tầm nhìn rất rõ ràng mà Ericsson hoàn toàn ủng hộ và hỗ trợ thông qua các kế hoạch và năng lực 4G hiện tại cũng như 5G trong tương lai của chúng tôi tại Việt Nam. Là một phần hoạt động hướng tới kỷ niệm 30 năm hoạt động tại Việt Nam vào năm 2023, Ericsson tái khẳng định cam kết hợp tác chiến lược với Việt Nam nhằm khai phóng toàn bộ tiềm năng và giá trị của 5G đối với xã hội, doanh nghiệp, công nghiệp, nền kinh tế và môi trường.

Cùng với việc tiêu thụ ít năng lượng hơn 4G, công nghệ 5G sẽ cho phép các ngành công nghiệp thúc đẩy chuyển đổi số và giảm yêu cầu năng lượng cũng như lượng carbon thải ra. Chúng tôi kỳ vọng rằng, ngành CNTT-TT, được hỗ trợ bởi các khả năng của 5G, sẽ góp phần đáng kể vào việc giữ cho việc nóng lên toàn cầu ở mức dưới 1,5 độ C vào năm 2050 so với mức thời kỳ tiền công nghiệp. Tại Ericsson, chúng tôi đặt mục tiêu đạt được mức phát thải carbon net zero vào năm 2040 trên toàn bộ chuỗi cung ứng của mình và trong môi trường sản xuất của chúng tôi vào năm 2030.

Chúng tôi hoan nghênh Chính phủ Việt Nam với tham vọng đạt được phát thải carbon net zero vào năm 2050, với 75% năng lượng dự kiến đến từ các nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2045. Ericsson cam kết hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu này thông qua quan hệ đối tác của chúng tôi với các nhà mạng của Việt Nam, cũng như thông qua sự hợp tác chiến lược của chúng tôi với EVN, nhà cung cấp năng lượng lớn nhất tại Việt Nam. 5G sẽ giúp hỗ trợ tích hợp liền mạch các nguồn năng lượng tái tạo, chẳng hạn như gió, thủy điện và mặt trời vào lưới điện hiện tại.

 

Chiến lược của Ericsson phù hợp với các chiến lược phát triển bền vững và chuyển đổi số trong tương lai của Việt Nam như thế nào? Ericsson định vị thị trường Việt Nam ra sao trong chiến lược khu vực của mình?

Ericsson tin tưởng rằng, việc thương mại hóa 5G sẽ mang lại lợi ích gấp ba lần cho Việt Nam về xã hội, kinh tế và môi trường. Ericsson hoàn toàn tin tưởng vào tầm nhìn và các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ Việt Nam nhằm thúc đẩy một quỹ đạo tăng trưởng kinh tế - xã hội bền vững vì sự thịnh vượng cho tất cả người dân Việt Nam.

Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ mục tiêu của Chính phủ trong việc trở thành một trung tâm AI trong khu vực ASEAN, cũng như lọt vào top 40 quốc gia về Chỉ số sáng tạo toàn cầu, top 30 về Chỉ số an ninh mạng toàn cầu của Liên minh Viễn thông quốc tế và top 50 về Chỉ số phát triển chính phủ điện tử của Liên hợp quốc đến năm 2030. Cùng với việc xây dựng các mạng băng thông rộng di động hiệu suất cao trên toàn quốc, chúng tôi đang hỗ trợ Chính phủ đạt được những mục tiêu này nhờ tham gia các hợp tác công nghiệp/giáo dục với Đại học RMIT thông qua việc thành lập Phòng thí nghiệm AI tại cơ sở TP.HCM của họ trong quý II/2023. Chúng tôi cũng đang xây dựng một trung tâm năng lực khu vực “Nhà máy đám mây - Cloud Factory” tại Việt Nam. Tại đây, các kỹ sư Việt Nam sẽ làm việc trên toàn khu vực, giúp phát triển hơn nữa năng lực và khả năng CNTT của Việt Nam.

Chúng tôi cũng tiếp tục hợp tác với nhiều trường Đại học tại Việt Nam với chuỗi dự án Tech Talk và chương trình thực tập để nâng cao hơn nữa các kỹ năng số, giúp phát triển chất lượng nguồn nhân lực tại Việt Nam hướng đến các vị trí công việc cần thiết trong tương lai.

Theo ông, hợp tác công - tư có vai trò quan trọng như thế nào để hỗ trợ Việt Nam trong hành trình này?

Mỗi quốc gia và thị trường đều có cách thức và lộ trình riêng. Việt Nam được đánh giá rất cao, là một trong những điểm đến đầu tư năng động và hấp dẫn nhất trên thế giới nhờ nền kinh tế số đang phát triển nhanh chóng và chiến lược tập trung vào chuyển đổi số trên toàn quốc. Ericsson hoàn toàn ủng hộ và cam kết hỗ trợ Việt Nam đạt được tầm nhìn quan trọng này. Hoạt động tại Việt Nam trong 30 năm qua, từ năm 1993, chúng tôi vẫn luôn vận hành như một công ty sáng tạo hàng đầu kể từ năm 1876, khi chúng tôi được thành lập bởi Lars Magnus Ericsson tại Stockholm (Thụy Điển).

Chúng tôi tự hào là đối tác chiến lược dài hạn, đáng tin cậy, có giá trị của Việt Nam và luôn chia sẻ những hiểu biết, chuyên môn và kinh nghiệm toàn cầu của chúng tôi với Việt Nam. Tương lai của ngành CNTT-TT là chuyển đổi số trên tất cả các ngành và chúng tôi cam kết hợp tác với Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy chuyển đổi số nhanh chóng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế thông qua năng lực 4G và 5G của chúng tôi, cũng như 6G trong tương lai. Chúng tôi cũng thấu hiểu và đánh giá cao tầm quan trọng của chuyển đổi số được hỗ trợ bởi 5G như một hạ tầng số quốc gia quan trọng, là nhân tố chính giúp nâng cao năng suất lao động và hiệu quả trong tất cả các ngành, đặc biệt là sản xuất/chế tạo, hậu cần, nông nghiệp, năng lượng và nhiều ngành khác.

Ericsson cam kết đồng hành cùng Việt Nam và chúng tôi mong đợi những thập kỷ tới cũng như những cơ hội mà nó sẽ mang lại khi Việt Nam nỗ lực trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao, một quốc gia công nghiệp phát triển toàn diện.

Với cương vị là lãnh đạo một “gã khổng lồ” công nghệ như Ericsson, hẳn ông chịu rất nhiều áp lực và thách thức, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt. Những áp lực và thách thức chính của ông bây giờ là gì? Làm thế nào ông có thể ứng phó và vượt qua? Bí quyết thành công của ông là gì?

Ericsson đã giúp triển khai hơn 140 mạng 5G thương mại trên toàn cầu với các khách hàng và là đơn vị cung cấp hạ tầng 5G hàng đầu toàn cầu theo báo cáo của Gartner Magic Quadrant trong 3 năm liên tiếp vừa qua. Là đối tác chiến lược lâu dài và đáng tin cậy của Việt Nam kể từ năm 1993, Ericsson sẽ tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm 5G toàn cầu của mình với các khách hàng tại Việt Nam, giúp đảm bảo triển khai dung lượng và phủ sóng thành công với chú trọng vào hiệu suất mạng ổn định, khả năng mở rộng, tính đơn giản và bảo mật.

Chìa khóa cho sự thành công bền vững của Ericsson chính là sự dẫn đầu về công nghệ của chúng tôi với tư cách là một công ty toàn cầu kể từ năm 1876, hoạt động trên 185 quốc gia với hơn 100.000 nhân viên hiện nay. Chúng tôi đầu tư khoảng 16% doanh thu hàng năm cho R&D, với hơn 26.000 nhân viên R&D trên khắp thế giới. Dẫn đầu về công nghệ, cùng với hoạt động xuất sắc, quy mô và kỹ năng toàn cầu là những trụ cột chính cho thành công của chúng tôi. Ericsson cũng có những giá trị cốt lõi mạnh mẽ gắn kết tất cả mọi người trong mọi hoạt động của chúng tôi trên toàn thế giới, và đó là sự tôn trọng, tính chuyên nghiệp, kiên trì và chính trực. Văn hóa doanh nghiệp, văn hóa con người của chúng tôi cũng như năng lực và khả năng của chúng tôi đã gắn kết Ericsson và giúp chúng tôi ra các quyết định quan trọng cũng như con đường phía trước.

Ericsson tự hào về mục tiêu xây dựng thế giới trở nên tốt đẹp hơn thông qua sự dẫn đầu về công nghệ và con người của chúng tôi, đồng thời Ericsson tự hào cam kết với Việt Nam với tư cách là một đối tác chiến lược lâu dài có chung tầm nhìn vì sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững và thịnh vượng của Việt Nam.

Tin liên quan
Tin khác