Tiếp tục đầu tư theo hình thức BT có thể gặp rủi ro về pháp lý
Trước khi thông báo dừng thực hiện Dự án Xây dựng Trung tâm Thể dục thể thao Phan Đình Phùng (Dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng) theo hình thức BT để chuyển sang đầu tư công, Tổ Công tác giải quyết vướng mắc Dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng gồm nhiều sở, ngành của TP.HCM đã có nhiều cuộc họp để phân tích, đánh giá các phương án giải quyết tốt nhất để sớm khởi công và hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Theo Báo cáo của Tổ Công tác, phương án tiếp tục đầu tư theo hợp đồng BT, dù kết quả lựa chọn nhà đầu tư đã được phê duyệt, ngân sách Thành phố không phải chi ra để thực hiện Dự án, nhưng thực hiện theo hợp đồng BT gặp rất nhiều vướng mắc, tiềm ẩn rủi ro về pháp lý.
Vướng mắc khó giải quyết nhất chính là việc thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư, vì hiện nay chưa xác định được giá trị, quỹ đất thanh toán. Trong trường hợp tiếp tục thực hiện Dự án BT, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Ban Chỉ đạo 167 để thực hiện sắp xếp lại, xử lý tài sản công đối với khu đất số 257 - đường Trần Hưng Đạo và số 3-3Bis - Phan Văn Đạt (quận 1), phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về chấp thuận quỹ đất thanh toán theo quy định tại Nghị định số 35/2021/NĐ-CP.
Trước ý kiến của Tổ Công tác về những rủi ro về pháp lý, tháng 4/2024, liên danh Tổng công ty cổ phần Đền bù giải tỏa và Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt có văn bản gửi Tổ Công tác. Trong văn bản này, nhà đầu tư cho hay, trong suốt quá trình tham gia đầu tư và thực hiện các thủ tục pháp lý đến nay gần 14 năm, liên danh đã rất tâm huyết theo đuổi Dự án và đầu tư rất nhiều chi phí, nguồn lực. Việc tiến độ kéo dài xuất phát từ những nguyên nhân khách quan là sự thay đổi, điều chỉnh và ban hành mới quy định về thanh toán dự án BT của hình thức đầu tư đối tác công - tư (PPP).
Từ đó, nhà đầu tư kiến nghị UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương tiếp tục thực hiện Dự án theo hợp đồng BT như đã thống nhất.
Chuyển sang đầu tư công, Dự án sẽ sớm được triển khai
Dù nhà đầu tư vẫn tha thiết muốn tiếp tục thực hiện Dự án theo hình thức BT, song Tổ Công tác đánh giá, việc đầu tư theo hình thức này sẽ kéo dài thêm thời gian, vì thủ tục pháp lý phức tạp, nhiều rủi ro.
Theo phân tích của Tổ Công tác trong báo cáo gửi UBND TP.HCM, nếu chấm dứt Dự án theo hình thức BT để chuyển sang đầu tư công, thì Thành phố sẽ chủ động trong việc thực hiện các thủ tục đầu tư và triển khai Dự án, không phải xin ý kiến các cơ quan Trung ương. Căn cứ quy định của Luật Đầu tư công, Dự án thuộc thẩm quyền xem xét, quyết định của TP.HCM. Như vậy, Dự án sẽ sớm được khởi công và hoàn thành đưa vào sử dụng, khai thác hiệu quả quỹ đất.
Trong Thông báo số 426/TB-VP của Văn phòng UBND TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi giao Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn Sở Văn hóa và Thể thao thực hiện thủ tục, phấn đấu hoàn thành thủ tục đầu tư, khởi công Dự án trước ngày 30/4/2025.
Dù phương án chuyển sang đầu tư công có nhiều thuận lợi, nhưng Tổ Công tác cũng chỉ ra hạn chế của phương án này là có thể dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện của nhà đầu tư.
Một khó khăn nữa khi chuyển sang đầu tư công là việc thương thảo, hoàn trả chi phí mà nhà đầu tư đã bỏ ra thực hiện Dự án lại không thuộc đối tượng chi của ngân sách nhà nước. Theo Báo cáo số 12/CV-LD ngày 9/5/2019, tổng chi phí mà nhà đầu tư đã bỏ ra thực hiện Dự án tính đến thời điểm đó là 33,9 tỷ đồng.
Vì vậy, để tránh việc liên danh nhà đầu tư khiếu nại, khiếu kiện kết quả giải quyết của TP.HCM, Tổ Công tác kiến nghị UBND TP.HCM làm việc với nhà đầu tư để lắng nghe ý kiến và xem xét các kiến nghị của nhà đầu tư.
Trong diễn biến mới nhất, ngày 6/5/2024, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM có văn bản gửi liên danh nhà đầu tư đề nghị rà soát và báo cáo tổng chi phí đã thực hiện Dự án, đồng thời, đính kèm chứng từ, hồ sơ pháp lý có liên quan gửi về Sở.
Sau khi TP.HCM ra quyết định dừng thực hiện Dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng theo hình thức BT, ngày 8/5/2024, trả lời phóng viên Báo Đầu tư, đại diện liên danh nhà đầu tư chỉ nói ngắn gọn với giọng khá buồn: “Chúng tôi không có ý kiến gì!”.
Nhưng khi Dự án chưa kịp khởi công, thì hình thức đầu tư BT bị “khai tử”, theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (Luật PPP), có hiệu lực từ đầu năm 2021. Từ đó đến nay, Dự án bị tắc không thể triển khai.