Đó là “hiến kế” của ông Nguyễn Ngọc Bích, Giám đốc đổi mới sáng tạo của dự án Du lịch Thuỵ Sĩ vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Rustic Hospitality Group, để ngành kinh tế xanh Việt Nam phục hồi và phát triển ổn định, bền vững.
Ông Nguyễn Ngọc Bích, Giám đốc đổi mới sáng tạo của dự án Du lịch Thuỵ Sĩ vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Rustic Hospitality Group. |
Thưa ông, trong bối cảnh hiện nay, ông đánh giá như thế nào về vai trò của du lịch đối với nền kinh tế Việt Nam?
Đối với các quốc gia phát triển, du lịch không chỉ đóng góp quan trọng vào nền kinh tế, mà còn là sự hỗ trợ đắc lực cho nền kinh tế trong những thời điểm khó khăn. Còn với các quốc gia đang phát triển, du lịch ngày càng trở thành công cụ hữu hiệu để nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng dân cư, góp phần xóa đói giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa, và các khu vực gặp nhiều khó khăn.
Đối với Việt Nam, sau đại dịch Covid-19, giai đoạn này ngành du lịch có vai trò cực kỳ quan trọng, khi là ngành kinh tế tổng hợp, liên ngành, liên vùng, đặc biệt là thị trường bất động sản.
Hiện nay, các dự án bất động sản nghỉ dưỡng ở Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng, Hội An,… đang bị ảnh hưởng rất lớn. Do lượng du khách đến các địa phương này sụt giảm nghiêm trọng so với thời điểm trước Covid-19, nên đã ảnh hưởng tới toàn bộ doanh thu của các nhà cung ứng dịch vụ du lịch. Các khách sạn đang rất khó khăn trong việc thanh lý tài sản để trả nợ ngân hàng.
Không chỉ bất động sản nghỉ dưỡng, các hoạt động kinh doanh Iên quan đến vận tải, thực phẩm, nhà hàng,… cũng ảnh hưởng rất lớn, nhất là việc tạo sinh kế, việc làm, an sinh xã hội.
Mặt khác, tôi nhận thấy nguồn thu thuế của Nhà nước có khoảng 50% - 60% đến từ các nguồn thuế liên quan đến kinh danh bất động sản, vì thế, du lịch ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu thuế của Nhà nước.
Theo ông Nguyễn Ngọc Bích, đối với Việt Nam, sau đại dịch Covid-19, giai đoạn này ngành du lịch có vai trò cực kỳ quan trọng, khi là ngành kinh tế tổng hợp, liên ngành, liên vùng, đặc biệt là liên thông với thị trường bất động sản. |
Nói về đóng góp trực tiếp, ngành du lịch chiếm 13-14% GDP, nhưng tình hình hiện hai thị trường khách quốc tế lớn của Việt Nam là Trung Quốc và Nga đều vào rất nhỏ giọt, thị trường châu Âu cũng ảnh hưởng rất lớn do chiến tranh. Khách Ấn Độ và Hàn Quốc dù tăng nhưng không thể bù đắp được sự thiếu hụt của các thị trường lớn như Nga và Trung Quốc. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đối với nền kinh tế.
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, đóng góp lớn cho việc phát triển bền vững cho nền kinh tế vì tác động đến thu nhập, GDP đầu người… Do đó, không nên chỉ nhìn vào doanh thu thuế trực tiếp từ ngành du lịch, mà cần nhìn cả vào những đóng góp gián tiếp của du lịch qua các ngành, lĩnh vực khác cho nền kinh tế thì mới thấy được vai trò to lớn của ngành kinh tế xanh.
Còn đối với các địa phương, theo ông, du lịch có ý nghĩa như thế nào đối với việc thay đổi diện mạo các tỉnh, thành phố, nhất là việc tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo cho người dân ở các địa phương? Ông có thể dẫn chứng một vài ví dụ điển hình?
Chúng ta thấy rất rõ, những điểm đến như Đà Nẵng, Quảng Ninh, Sa Pa, Phú Quốc, Nha Trang… những năm trước Covid-19 đã có sự thay đổi nhanh, mạnh về du lịch. Kéo theo đó là thay đổi cả hạ tầng cơ sở vật chất điện, đường, trường, trạm,… Các dịch vụ được đẩy mạnh lên, nhiều cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng từ homestay đến tàu 5 sao, khách sạn vượt chuẩn 5 sao… đã tạo rất nhiều công ăn việc làm, và cơ hội cho người dân địa phương kinh doanh buôn bán.
Ông Nguyễn Ngọc Bích nhận định, các tỉnh có nguồn thu từ du lịch thì người dân ở đó thu nhập tốt hơn so với các tỉnh, thành ít phát triển du lịch. |
Các địa phương có ngành du lịch phát triển cũng thu được nhiều tiền thuế để tái đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Quy mô nền kinh tế ở các địa phương này cũng tăng mạnh nhờ có lực đẩy của ngành du lịch.
Đơn cử, tỉnh Quảng Ninh từ khi vịnh Hạ Long được UNESCO vinh danh là Di sản Thiên nhiên thế giới năm 1994, khách du lịch đến đây tăng rất nhanh, không chỉ đưa hình ảnh du lịch Việt Nam ra thế giới mà doanh thu thuế từ các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch của địa phương tăng lên rất nhiều.
Tương tự Quảng Ninh, cũng nhờ phát triển du lịch, Sa Pa (Lào Cai), Đà Nẵng, Phú Quốc,… giá bất động sản đã tăng hàng trăm lần so với 20 năm trước. Điều này không chỉ tạo công ăn việc làm mà còn thu hút đầu tư từ nước ngoài rất lớn cho các địa phương.
Các tỉnh có nguồn thu từ du lịch thì người dân ở đó thu nhập tốt hơn so với các tỉnh, thành ít phát triển du lịch. Chẳng hạn, Thái Bình hay Nam Định du lịch không phát triển, thì nền kinh tế cũng không có sự phát triển đột phá. Miền Tây Nam bộ cũng vậy, cũng du lịch chưa được phát triển mạnh, hạ tầng chưa tốt nên quy mô kinh tế của các địa phương này chưa được đẩy mạnh, không bứt lên được top đầu các tỉnh có nền kinh tế mạnh ở Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Ngọc Bích, du lịch phát triển không chỉ tạo công ăn việc làm mà còn thu hút đầu tư từ nước ngoài rất lớn cho các địa phương. |
Trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay, các quốc gia như Thái Lan, Singapore, Malaysia,… thậm chí cả Campuchia đều đầu tư rất mạnh để phục hồi du lịch. Theo ông, du lịch Việt Nam cần phải được quan tâm đầu tư như thế nào để góp phần thúc đẩy nền kinh tế?
Liên quan đến chính sách cho phục hồi và phát triển du lịch, hiện chúng ta còn có nhiều vấn đề cần quan tâm.
Giờ đây, Tổng cục Du lịch đã trở thành Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, chức năng nhiệm vụ đều ít đi, chỉ có vai trò chuyên môn, tư vấn chứ không có vai trò thực thi. Vậy thì, ai sẽ là nhạc trưởng để xây dựng chính sách, chiến lược và thực thi chính sách phát triển du lịch, chiến lược marketing du lịch…?
Chúng ta đang thiếu nhạc trưởng có đủ tầm, đủ sức gắn kết các bên liên quan để cùng nhau phát triển. Tôi đã nhiều lần đề xuất cần tạo ra một diễn đàn có các thành phần tham gia vào hoạt động du lịch cùng được hưởng lợi ích để thống nhất chương trình hành động nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch bền vững trong 5-10 năm và 20 năm nữa. Các nước như Thái Lan, Singapore, Indonesia, Philippin, ngay cả Campuchia cũng đang làm rất tốt điều này. Họ có Ban chỉ đạo về du lịch chung, các tỉnh do trực tiếp Thủ tướng chỉ đạo, các bộ, ngành phối hợp nhịp nhàng để phát triển du lịch.
Hè vừa rồi Phú Quốc có tình trạng giá dịch vụ cao nên du khách không đến, truyền thông không tốt nên có tình trạng du khách tẩy chay… Vấn đề là cần có nhạc trưởng huy động tổng hợp được các bên tham gia và liên quan đến hoạt động du lịch để thống nhất chương trình hành động, kế hoạch khôi phục lại du lịch Phú Quốc, nhưng chưa làm được.
Doanh nghiệp du lịch hiện chưa khôi phục được như trước dịch, chủ yếu cố gắng duy trì hoạt động để hướng tới tương lai 1-2 năm nữa có doanh thu, lợi nhuận. Do đó, Chính phủ cần có nguồn hỗ trợ cho doanh nghiệp vay vốn để duy trì đến khi có nguồn khách, có lợi nhuận. Nếu không có sự thúc đảy, hỗ trợ từ Nhà nước thì không thể biết vài năm tới sẽ như thế nào. Có thể chủ doanh nghiệp sẽ có tầm nhìn ngắn hạn, nhân sự không có chuyên môn ổn định, dẫn tới cung cấp dịch vụ du lịch chất lượng không ổn định, mà giá dịch vụ lại cao, chất lượng dịch vụ thấp.
Chúng ta không có quỹ hỗ trợ, không có chính sách hỗ trợ cho người làm du lịch, không có chính sách chung, tầm nhìn xa, phát triển theo kiểu mạnh ai nấy làm, không ai hỗ trợ ai thì hệ luỵ là khách không đến. Và thực tế chúng ta đang nhìn thấy điều đó qua bài học rất rõ từ Phú Quốc.
Trong khi đó, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia… đang làm rất tốt, khách quốc tế đến rất đông. Chúng ta cần suy nghĩ, cần có một nhạc trưởng, có hành động cụ thể, thời gian cụ thể để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp. Còn cứ bàn giải pháp mãi, nhưng lại không ai thực hiện, không biết bao giờ triển khai thì sẽ rất khó tiến cùng và vượt lên so với các điểm đến trong khu vực.