Quốc tế
Chuyên gia dự báo sắp có đợt cắt giảm lãi suất trên toàn cầu
Lê Quân - 02/03/2020 17:12
Dự báo trên của Bill Nelson, chuyên gia kinh tế hàng đầu về vận động hành lang chính sách tiền tệ tại Mỹ phần nào giải tỏa “cơn khát” của các nhà đầu tư đang mong ngóng ngân hàng trung ương của các nước ra tay cứu thị trường chứng khoán.
Trụ sở Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tại Washington, D.C. Ảnh: AFP

Sau nhiều lần bị vùi dập bởi những cú rơi ngoạn mục của các thị trường chứng khoán, giới đầu tư đang đặt cược vào động thái sắp tới của những ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, trong đó có Cục dự trữ liên bang Mỹ, với hy vọng các ngân hàng này sẽ sớm ra tay chống “bão” Covid-19.

Đối lập với những dự báo chung chung về ứng phó chính sách tiền tệ của các nước thời Covid-19, Bill Nelson, Phó Chủ tịch điều hành kiêm chuyên gia kinh tế trưởng của Viện Chính sách Ngân hàng (BPI), một chuyên gia nghiên cứu các phản ứng của Fed đối với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008, đã đưa ra những dự đoán rất cụ thể về màn giải cứu sắp tới của các ngân hàng trung ương.

Trong bài blog mới đây, chuyên gia này dự báo các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới sẽ có màn phối hợp cắt giảm lãi suất như Fed và 5 ngân hàng trung ương khác từng “ra đòn” lúc đỉnh điểm cuộc khủng hoảng tài chính vào tháng 10/2008.

Theo ông Nelson, trong số các ngân hàng trung ương ra tay cắt giảm lãi suất sắp tới sẽ bao gồm Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, Cơ quan Quản lý Tiền tệ Hong Kong (Trung Quốc) và 2 ngân hàng khác mà nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19.

Nelson dự báo động thái cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương có thể diễn ra vào ngày 4/3 với lý giải quá khứ đều ghi nhận các ngân hàng trung ương phối hợp cắt giảm lãi suất một cách trùng hợp vào thứ 4 của tháng 12/2007, tháng 10/2008 và tháng 11/2011.

Việc cắt giảm lãi suất lần này sẽ được tiến hành trước lúc thị trường chứng khoán Mỹ mở cửa, khoảng 7h hoặc 8h sáng (múi giờ miền Đông Bắc Mỹ - ET) với biên độ cắt giảm sẽ rất lớn, ít nhất là nửa điểm phần trăm.

Tại Mỹ, hiện lãi suất cho vay được Fed ấn định dao động từ 1,50-1,75%. Đối với hợp đồng tương lai lãi suất, chuyên gia Nelson dự báo sẽ giảm 0,25 điểm phần trăm sau cuộc họp của Fed vào ngày 17-18/3 sắp tới.

“Cách duy nhất để có được phản ứng tích cực từ thị trường là giải cứu (hạ lãi suất) nhiều hơn kỳ vọng”, ông Nelson nêu quan điểm.

Theo chuyên gia này, sẽ không ngạc nhiên khi xuất hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát - điều mà Fed và các ngân hàng trung ương khác từng có kinh nghiệm “chiến đấu” trong gần thập kỷ qua.

Vị chuyên gia khuyến cáo Fed cần cam kết không tăng lãi suất hoặc thực hiện các biện pháp thắt chặt tiền tệ khác cho đến khi các biện pháp kiềm chế lạm phát được ưu tiên triển khai khi mà tỷ lệ lạm phát vượt ngưỡng 2% trong 6 tháng đầu năm.

Đối lập với lo ngại của giới chuyên gia và nhà đầu tư rằng các ngân hàng trung ương đang “cạn” công cụ điều chỉnh, ông Nelson khẳng định, trong bối cảnh hiện nay Fed có thể nới lỏng hàng loạt các yêu cầu và quy định luân chuyển tín dụng cho các ngân hàng thương mại Mỹ.

Về việc cắt giảm lãi suất, chuyên gia này cảnh báo, nếu thị trường vẫn giữ được “bình tĩnh” trong 2 ngày 2-3/3, nhiều khả năng các ngân hàng trung ương sẽ không ra tay hạ lãi suất.

Tin liên quan
Tin khác