Lương tối thiểu theo giờ được đánh giá là khả thi và tạo thuận lợi cho cả doanh nghiệp và người lao động |
Lý giải đề xuất này, ông Thành cho rằng, lương tối thiểu vùng tính theo tháng và tăng liên tục như hiện nay không phải là công cụ tốt và Việt Nam cần rất thận trọng khi sử dụng công cụ này. Thực tế cho thấy, việc áp dụng tăng lương tối thiểu liên tục xảy ra 2 tình trạng, đó là doanh nghiệp không tuân thủ hoặc tuân thủ nhưng sa thải người lao động.
Trong khi kỳ vọng của người làm chính sách là dùng lương tối thiểu để nâng cao mức sống người lao động, nhưng ở khía cạnh nào đó, công cụ này chỉ bảo vệ được người lao động trong khu vực có quan hệ lao động, nghĩa là khu vực lao động chính thức, còn khu vực lao động phi chính thức không được hưởng lợi.
Theo TS. Nguyễn Tiến Dũng, một thành viên của nghiên cứu “Tăng trưởng tiền lương và năng suất lao động ở Việt Nam” do VEPR và Văn phòng JICA tại Việt Nam thực hiện, hiện vẫn có khoảng 50% lao động Việt Nam không được ký kết hợp đồng. Số lao động này chủ yếu làm việc tại các hộ kinh doanh gia đình, lao động tự do, lao động làm việc tại các khu vực kinh tế nhỏ và vừa, đương nhiên không thuộc phạm vi áp dụng của mức lương tối thiểu vùng, như vậy, việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu hiện nay không đảm bảo phân phối công bằng giữa lao động của các khu vực kinh tế.
Cũng theo ông Thành, lương tối thiểu nên được tính toán theo năng suất lao động thay vì cảm tính như hiện nay là dựa trên nhu cầu sống tối thiểu, vì không ai biết đâu là ngưỡng của nhu cầu sống tối thiểu.
Ông Thành cũng đề xuất nếu phải sử dụng lương tối thiểu thì nên tính lương tối thiểu theo giờ thay vì theo tháng như hiện nay. Khuyến nghị này nếu được thực thi sẽ đem lại thuận tiện cho cả doanh nghiệp và người lao động.
Nghiên cứu này cũng chỉ ra điểm bất hợp lý trong tăng lương tối thiểu của Việt Nam là tỷ lệ lương tối thiểu trên năng suất lao động tăng nhanh, từ 25% năm 2007 đạt mức 50% năm 2015. Chỉ tính riêng năm 2017, chi phí tối thiểu các doanh nghiệp tại Việt Nam phải gánh chịu, được tính bằng tổng lương tối thiểu và đóng góp vào các khoản bảo hiểm (bao gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp) gần chạm mức chi phí tại Thái Lan và cao hơn mức chi phí tại Indonesia.
Trong giai đoạn 2004-2015, năng suất lao động của Việt Nam tăng đáng kể với mức tăng trung bình đạt 4,4%. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng bình quân của lương còn cao hơn đạt mức 5,8%. Tốc độ tăng lương trung bình vượt tốc độ tăng năng suất lao động bắt đầu xảy ra từ thời điểm năm 2009.
“Thực tế này gây nhiều hệ lụy cho nền kinh tế như không tích lũy được nhiều vốn để mở rộng sản xuất. Quá trình này cũng khiến Việt Nam mất lợi thế về sản xuất vì lương trả quá cao so với đóng góp của người lao động. Vấn đề năng suất lao động Việt Nam còn thấp ảnh hưởng một phần tới thu hút đầu tư và triển vọng kinh tế của Việt Nam nhưng không ảnh hưởng bằng việc năng suất thấp nhưng mức tăng lương cao hơn tăng năng suất. Đó là vấn đề nghiêm trọng của nền kinh tế vì nhà đầu tư trong và ngoài nước đều không muốn đầu tư vào nơi mà họ buộc phải trả lương cao hơn những gì họ nhận được”, ông Thành nhấn mạnh.
Đồng quan điểm này, TS Futoshi Yamauchi, Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Hoa Kỳ cũng khẳng định, tăng lương tối thiểu của Việt Nam hiện nay bị đánh giá tiêu cực nhiều hơn là tích cực, về góc độ kích thích đầu tư khi tăng lương 1% sẽ khiến tỷ lệ lợi nhuận/doanh thu của doanh nghiệp giảm đi 2,3%.