Tác giả: Bà Trương Hạnh Linh (MBA, MSc, CIA, ACCA, SIRM), Phó tổng giám đốc, phụ trách Dịch vụ Tư vấn Rủi ro và ESG của KPMG và ông Nguyễn Chí Hiếu (ME, MSc), Chuyên gia tư vấn ESG cấp cao/Giám đốc dự án của KPMG |
Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy các lãnh đạo doanh nghiệp có những suy nghĩ và xác định lại tầm nhìn của mình để đạt được mục tiêu thành công. Chương trình Tầm nhìn của các Nhà lãnh đạo KPMG đã chỉ ra rằng ưu tiên của những người lãnh đạo doanh nghiệp đang thay đổi, trong đó các vấn đề về Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) đang trở thành tâm điểm khi mà các bên liên quan ngày càng mong muốn các doanh nghiệp đóng một vai trò rộng lớn hơn để giải quyết các thách thức về kinh tế và xã hội
ESG là gì?
ESG là từ viết tắt tiếng Anh của các từ Môi trường, Xã hội và Quản trị (Environmental, Social and Governance - ESG) đề cập đến một khung quản trị tích hợp những rủi ro và cơ hội về môi trường - xã hội - quản trị vào chiến lược của doanh nghiệp hướng đến sự phát triển tài chính bền vững lâu dài và tạo ra các giá trị.
Dưới đây là các yếu tố ESG cơ bản mà doanh nghiệp có thể cân nhắc khi xây dựng các chiến lược đánh giá rủi ro được tích hợp với các quy trình quản lý rủi ro :
Các yếu tố “Môi trường” - Phát thải khí nhà kính (GHG) - Quản lý chất thải và vật liệu nguy hiểm - Các tác động sinh thái | Các yếu tố “Xã hội” - Về xã hội: Nhân quyền & Quan hệ cộng đồng, Quyền riêng tư khách hàng, Chất lượng và An toàn sản phẩm, Phúc lợi khách hàng - Về con người: Thủ tục, chính sách đối với người lao động; Sức khỏe & An toàn của nhân viên; Sự gắn kết, Đa dạng & Hòa nhập của nhân viên; Giới | Các yếu tố “Quản trị” - Đạo đức kinh doanh - Hành vi cạnh tranh - Quản lý môi trường pháp lý và quy định - Quản lý rủi ro sự cố nghiêm trọng |
Vì sao các vấn đề ESG quan trọng?
Theo khảo sát của KPMG, những lý do chính khiến các vấn đề ESG trở thành một trong những chủ đề hàng đầu được các chủ doanh nghiệp quan tâm và thảo luận đó là:
- Áp lực ngày càng tăng đến từ mối quan tâm của nhà đầu tư, nhân viên, khách hàng và công chúng là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp cam kết và hành động theo chiến lược đẩy mạnh các vấn đề ESG, ngay cả khi chưa có các yêu cầu quy định cụ thể nào được ban hành.
- Các nhà đầu tư mong muốn các doanh nghiệp minh bạch và chịu trách nhiệm về các chính sách ESG.
- Các vấn đề ESG của doanh nghiệp là điều các nhà đầu tư ngày càng chú trọng khi ra quyết định đầu tư. Các mục tiêu đầu tư hướng đến giải quyết các ưu tiên và mối quan tâm về ESG cũng nhờ đó mà tăng lên.
- Đại dịch Covid19 đã giúp doanh nghiệp sắp xếp lại thứ tự các ưu tiên: thiên hướng ESG trở thành một thách thức về mặt định hướng phát triển đối với hầu hết các chủ doanh nghiệp.
Làm thế nào để tích hợp các nhân tố về ESG giúp tăng cường khả năng phục hồi của doanh nghiệp?
Để tích hợp các thực hành về ESG, doanh nghiệp nên tập trung vào các trọng tâm sau: 1) Quản trị về ESG; 2) Quản lý rủi ro; 3) Các chỉ số chính đo lường hiệu quả hoạt động (KPI) và thiết lập mục tiêu; 4) Báo cáo; và 5) Đảm bảo.
Trọng tâm | Nguyên tắc áp dụng vào khuôn khổ ESG |
Quản trị ESG | - Đảm bảo Hội đồng Quản trị đưa ra các biện pháp giải quyết các vấn đề ESG trong các cuộc họp và thảo luận định kỳ. - Đa dạng hóa và đưa các chuyên gia về ESG vào thành viên Hội đồng Quản trị. - Xác định những chủ đề ESG nào là trọng yếu đối với doanh nghiệp. |
Xác định và quản lý rủi ro ESG | - Ưu tiên các vấn đề có liên quan đến Khí hậu trong nội dung chương trình nghị sự của Hội đồng Quản trị và Ban Điều hành và đảm bảo các vấn đề này được cân nhắc khi thực hiện lập kế hoạch chiến lược, quản lý rủi ro và giám sát hiệu quả hoạt động. - Xác định và Đánh giá các rủi ro về khí hậu có thể ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của doanh nghiệp và chuỗi cung ứng trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. |
Các KPI và mục tiêu | - Báo cáo các thông tin về Chỉ số thực hành (KPI) và ESG một cách thống nhất để theo dõi hiệu quả hoạt động. - Thiết lập một hệ thống quản lý dữ liệu về ESG một cách thống nhất, được xác minh và chuẩn hóa. - Đặt ra các mục tiêu phù hợp với các sáng kiến toàn cầu và cách tiếp cận S.M.A.R.T. |
Báo cáo | - Xác định rủi ro và các vấn đề có ý nghĩa tài chính trọng yếu đối với doanh nghiệp và báo cáo các vấn đề này một cách minh bạch và ngắn gọn. - Cung cấp công bố thông tin và báo cáo rõ ràng về sự liên kết giữa các thông tin về ESG tài chính và phi tài chính. - Xem xét và so sánh giữa các khuôn khổ báo cáo ESG khác nhau về tính khả thi để áp dụng vào tổ chức. |
Đảm bảo | - Đảm bảo các quy trình thu thập, kiểm toán và kiểm soát dữ liệu nội bộ chặt chẽ được áp dụng để hỗ trợ công bố thông tin. - Xem xét những công bố thông tin mà các bên liên quan mong muốn được đảm bảo. - Xem xét kiểm soát chất lượng và áp dụng nhất quán các tiêu chuẩn đảm bảo được quốc tế và/hoặc địa phương chấp nhận từ các nhà cung cấp dịch vụ đảm bảo để tăng mức độ tin cậy cho doanh nghiệp. |
Kết luận
Sự gián đoạn và những thay đổi trong môi trường kinh doanh đã tiếp tục làm gia tăng tầm quan trọng của các vấn đề ESG cũng như tạo ra các cơ hội để doanh nghiệp thực hiện các chiến lược phục hồi kinh doanh. Các vấn đề ESG trong trạng thái bình thường mới sẽ có xu hướng tiếp tục hỗ trợ duy trì đà tăng trưởng trong khi những thách thức về phát triển bền vững đang mở rộng về quy mô và độ phức tạp; do đó doanh nghiệp cần hiểu rõ mối liên hệ giữa các vấn đề ESG với hiệu quả hoạt động tài chính, củng cố lãnh đạo các vấn đề xã hội và môi trường cũng như tăng cường tính minh bạch để tăng mức độ tin cậy.