Roberto Ortega (bìa phải) chờ tiêm vaccine Pfizer tại Trung tâm dịch vụ y tế AltaMed, Los Angeles vào ngày 17/8/2021. Ảnh: AFP |
Tại cuộc họp của Ban cố vấn Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) vào ngày 30/8, TS. Sara Oliver khuyến nghị Ban cố vấn nên hạn chế phê duyệt ban đầu đối với kế hoạch tiêm nhắc lại cho các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và nhân viên y tế.
TS. Sara Oliver dẫn một số nghiên cứu cho thấy các vaccine Covid-19 được ủy quyền vẫn còn hiệu quả và giúp ngăn chặn tình trạng bệnh diễn biến nặng và nhập viện trên người mắc, nhưng có thể kém hiệu quả hơn trong việc phòng chống hoặc các triệu chứng bệnh nhẹ.
Ủy ban tư vấn thực hành tiêm chủng của CDC sẽ họp để đánh giá việc tiêm nhắc lại cho những người Mỹ đủ điều kiện. Ủy ban này cũng dự kiến sẽ bỏ phiếu thông qua đối với quyết định chấp thuận cuối cùng của Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) đối với vaccine Pfizer.
Tham khảo một số nghiên cứu riêng biệt, bà Oliver cho biết kể từ khi biến thể nguy hiểm Delta xuất hiện, hiệu quả của vaccine chỉ dao động trong khoảng từ 39% đến 84%.
Trong đó, một nghiên cứu tập trung vào các đối tượng đã được tiêm phòng như nhân viên y tế và lực lượng ứng cứu cho thấy hiệu quả tổng thể của vaccine đã giảm xuống còn khoảng 65% trong tháng 7, từ mức khoảng 90% trong tháng 2. Trong khi đó, dữ liệu của Israel cho thấy hiệu quả của vaccine Pfizer tiêm tại quốc gia này đã giảm xuống còn 39%.
Các nhà khoa học cho biết hiệu quả của vaccine sẽ giảm dần theo thời gian và biến thể Delta là một chủng mạnh hơn nên có thể xuyên qua lớp bảo vệ của vaccine.
Theo nội dung trình bày của TS. Oliver, “điều quan trọng là phải theo dõi xu hướng hiệu quả kháng virus của các vaccine dựa trên mức độ nghiêm trọng của bệnh theo thời gian.
Nữ chuyên gia này lưu ý, không hiếm trường hợp vaccine cần được tiêm bổ sung, đơn cử như các vaccine phòng viêm gan B và HPV cũng cần đến liều thứ 3 sau 6 tháng.
"Các loại vaccine cần nhiều hơn 1 liều không nhất thiết phải tiêm thêm mỗi năm", bà Oliver nhấn mạnh.
Theo đề xuất của CDC Mỹ, khi vaccine sẵn có để tiêm nhắc lại, người cú trú trong viện dưỡng lão, nhân viên chăm sóc sức khỏe và người cao tuổi sẽ là những nhóm đầu tiên được ưu tiên tiêm.
Trung tâm này cho rằng tiêm vaccine Covid-19 cho những người chưa được chủng ngừa mới là “ưu tiên hàng đầu”, còn việc tiêm nhắc lại sẽ không ngăn cản virus lây lan sang người chưa được tiêm phòng.
Đại diện CDC Mỹ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo nguồn cung vaccine trên toàn cầu. "Sự lây lan không kiểm soát trên toàn cầu có thể dẫn đến các biến thể mới đe dọa nỗ lực kiểm soát đại dịch ở khắp nơi", bà Oliver nói.
Cuộc họp của Ban cố vấn CDC Mỹ diễn ra 2 ngày sau khi Tổng thống Joe Biden cho biết các cơ quan chức năng đang xem xét kế hoạch tiêm nhắc lại vaccine Covid-19, 5 tháng sau khi người Mỹ hoàn tất đợt chủng ngừa chính.
Các nhà khoa học đã chỉ trích gay gắt việc chính quyền Tổng thống Biden hối thúc phân phối rộng rãi vaccine để tiêm bổ sung, bởi họ cho rằng dữ liệu do các quan chức y tế liên bang cung cấp chưa đủ thuyết phục để ra quyết định tiêm mũi thứ 3 cho hầu hết dân số Mỹ ngay lúc này.
Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Biden cho biết, việc tiêm vaccine mũi thứ 3 sẽ không được triển khai nếu không có sự phê chuẩn của Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm và sự bỏ phiếu thông qua từ Ủy ban tư vấn thực hành tiêm chủng của CDC.