Dự án nhà tang lễ thành tổ hợp chung cư và sân bóng
Ngày 18/10/2002, UBND TP. Hà Nội đã ban hành quyết định thu hồi 9.584 m2 đất tại ô đất ký hiệu E1.2 và giao cho Công ty TNHH Dịch vụ xuyên Thái Bình Dương (nay là CTCP Địa ốc Dầu khí Viễn thông) thuê trong thời hạn 30 năm để xây dựng Trung tâm tang lễ.
Đến ngày 24/11/2009, dự án này lại được UBND Thành phố chấp thuận chủ trương xây dựng Tổ hợp Nam Đàn Plaza, với chức năng làm văn phòng cao cấp, trung tâm thương mại, khách sạn, kết hợp căn hộ để ở.
Thế nhưng, Dự án đã không được triển khai theo kế hoạch, vì vào thời điểm này, cổ đông lớn của dự án là ông Lê Hòa Bình bị cơ quan cảnh sát điều tra bắt tạm giam vì hành vi bán khống đất nền Dự án Thanh Hà Cienco 5 (quận Hà Đông).
Đến đầu năm 2012, Tổ hợp Nam Đàn Plaza bất ngờ được khởi công với tên gọi PVT Diamond Tower. Theo thiết kế, tổ hợp này gồm 2 tòa tháp cao 40 và 44 tầng, với 3 tầng hầm và dự kiến sẽ hoàn thành vào quý II/2015.
Lô đất E1.2 trên đường Phạm Hùng từ dự án nhà tang lễ được chuyển đổi sang tổ hợp chung cư, nay thành sân bóng, gara
Thế nhưng, sau thông báo khởi công, Dự án không hề được triển khai. Trái lại, chủ đầu tư liên tục “gia cố” xây dựng thêm nhà xưởng, gara ô tô và sân bóng đá cho thuê.
Tại văn bản báo cáo hiện trạng dự án bỏ hoang của Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội ngày 18/6/2012, cơ quan này đã kiến nghị UBND Thành phố thu hồi hoặc gia hạn quyết định giao chủ đầu tư thực hiện dự án này; đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư phải chấm dứt việc sử dụng sai mục đích. Vậy nhưng, sau đó, khu đất vẫn tiếp tục được chủ đầu tư khai thác triệt để hơn, quảng cáo rầm rộ hơn cho các dịch vụ gia tăng, thay vì triển khai Dự án theo yêu cầu của Thành phố.
Về việc Dự án PVT Diamond Tower không tiếp tục được triển khai, ĐTCK đã nhiều lần liên hệ với CTCP Địa ốc Dầu khí Viễn thông để tìm hiểu nguyên nhân, song đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía chủ đầu tư.
Chuyển đổi công năng rồi… bỏ hoang
Tại báo cáo hiện trạng các dự án bỏ hoang hoặc sử dụng đất sai mục đích, UBND Thành phố cũng điểm danh hàng loạt dự án sau khi được giao đất đã lắt léo xin chuyển đổi chức năng dự án rồi “đắp chiếu”.
Điển hình là Dự án thí điểm Nhà cho thuê tại ô đất ký hiệu 3.10NO, diện tích trên 11.000 m2 trên đường Lê Văn Lương của Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội. Vào năm 2008, sau khi được chuyển đổi mục đích sử dụng từ nhà chung cư thành văn phòng cho thuê, Dự án đã “được giữ nguyên hiện trạng”.
Đến nay, sau 5 năm được chuyển đổi công năng, khu đất này vẫn là bãi đất trống được quây tôn.
Trong khi đó, một số chủ đầu tư sau khi được giao đất, thay vì triển khai thi công thì lại tiến hành chuyển nhượng lại và “ông chủ” mới không có khả năng triển khai khiến dự án bị bỏ hoang.
Cụ thể, trường hợp ô đất ký hiệu CC3A, B, C rộng 5.878 m2 tại Khu đô thị Mỹ Đình II được giao cho Tập đoàn Đầu tư phát triển nhà và đô thị (nay là Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị - HUD) thực hiện.
Ô đất này đã được HUD chuyển nhượng cho 3 đơn vị là CTCP Xây dựng Thăng Long 9, CTCP Cơ khí xây dựng Tân Quang và CTCP Đầu tư phát triển hạ tầng thương mại tổng hợp từ năm 2003. Tuy nhiên, cả 3 đơn vị trên đều sử dụng đất sai mục đích nên UBND Thành phố đã có kiến nghị thu hồi ô đất này.
Cũng tại Khu đô thị Mỹ Đình II, HUD còn bị kiến nghị thu hồi ô đất ký hiệu CC1, rộng trên 7.000 m2 do Dự án chưa được sử dụng sau nhiều năm có quyết định giao đất.
Theo khảo sát của ĐTCK, phần lớn trong số hàng chục ô đất của các DN bị bỏ hoang hoặc sử dụng sai mục đích được Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội rà soát và kiến nghị xử lý trong năm 2012 và sau đó Văn phòng Thủ tướng Chính phủ cũng có yêu cầu xử lý, đến nay vẫn nguyên trạng.
Trong số đó, có Dự án Công viên hồ điều hòa Nhân Chính (UBND TP. Hà Nội đã có quyết định thu hồi từ CTCP Tập đoàn Megastar để giao cho Tập đoàn Ocean Group) hiện vẫn là một khu đất trống khổng lồ, với diện tích lên tới 132.356 m2.
Nguyên Minh (ĐTCK)