Cuối tháng 9/2019, CII có tỷ lệ sở hữu tại Năm Bảy Bảy là 64,22%. |
Lương duyên với Năm Bảy Bảy
Cuối tháng 9/2019, CII tiếp tục mua tích lũy thêm cổ phiếu Năm Bảy Bảy và tăng tỷ lệ sở hữu tại công ty này từ 63,48% lên 64,22%. Mục đích của việc gia tăng sở hữu này được ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CII nêu trong văn bản công bố thông tin là để cơ cấu lại danh mục đầu tư.
Như vậy, tỷ lệ sở hữu của CII tại Năm Bảy Bảy đã tăng thêm 2,4% so với tỷ lệ 61,82% tại ngày 30/6/2019 và tăng thêm 13,77% so với tỷ lệ 50,45% tại thời điểm chính thức trở thành công ty mẹ hồi tháng 4/2019.
Trước đó, CII chính thức đạt tỷ lệ kiểm soát công ty 50,45% vào thời điểm tháng 4/2019. Trên cơ sở đó, Năm Bảy Bảy trở thành công ty con của CII từ thời điểm này. Tuy nhiên, tỷ lệ cổ phần của CII tại Năm Bảy Bảy được nâng lên thời điểm đó không phải do CII mua thêm cổ phiếu Năm Bảy Bảy, mà do Năm Bảy Bảy thực hiện giao dịch mua cổ phiếu quỹ và CII bỗng “vô tình” trở thành công ty mẹ của Năm Bảy Bảy.
Năm Bảy Bảy là một trong những công ty con có ảnh hưởng đến khoản lợi nhuận khủng nửa đầu năm 2019 của CII do được hạch toán thuế thu nhập hoãn lại phát sinh từ các khoản chênh lệch tạm thời do đánh giá lại giá trị hợp lý của tài sản thuần (các công ty còn lại là VRG, BOT RM).
Về lịch sử, Năm Bảy Bảy xuất thân từ Tổng công ty Xây dựng Công trình giao thông 5 tại tỉnh Bình Thuận. Công ty đã mở rộng quy mô hoạt động trên nhiều địa phương khác như: Bạc Liêu, Bình Thuận, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Quảng Ninh... thông qua hoạt động của 4 chi nhánh cùng 4 công ty thành viên.
Ngành nghề sản xuất - kinh doanh chính của Năm Bảy Bảy là phát triển, kinh doanh bất động sản (ngành mũi nhọn); xây dựng hạ tầng giao thông; xây dựng công trình thuỷ điện, nhiệt điện; sản xuất, truyền tải, phân phối và kinh doanh điện; khai khoáng; kinh doanh du lịch sinh thái...
Ngoài việc CII dần tăng sở hữu tại Năm Bảy Bảy thời gian qua, thì bản thân Năm Bảy Bảy có những hoạt động tài chính riêng. HĐQT công ty này đã thông qua việc thoái toàn bộ vốn tại Công ty TNHH Sài Gòn Riverfront (tên cũ là Công ty TNHH một thành viên Trường Thuận Phát). Đây là sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán bán niên 2019 và dự kiến kế hoạch thoái vốn sẽ hoàn thành trước ngày 31/3/2020.
“Treo” khoản nợ tiềm tàng
Một nội dung khác cũng liên quan đến Năm Bảy Bảy là hiện tại, doanh nghiệp này cũng phải “treo” một nghĩa vụ tài chính tiềm ẩn chưa xác định được giá trị cụ thể liên quan đến trách nhiệm trong một vụ hỏa hoạn tại công ty con của Năm Bảy Bảy (tức công ty cháu của CII). Đó là trách nhiệm liên quan đến vụ cháy chung cư Carina Plaza do Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Dịch vụ Sản xuất Hùng Thanh là chủ đầu tư. Hùng Thanh là công ty con do Năm Bảy Bảy nắm 95% vốn.
Sau sự cố này, Hùng Thanh (với sự hỗ trợ tài chính từ Năm Bảy Bảy) đã chi trả tiền đền bù thiệt hại số tiền hơn 94 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây mới chỉ là số tiền tạm tính và khi CII đạt được kiểm soát đối với Năm Bảy Bảy, thì chưa có kết luận chính xác của cơ quan chức năng về thiệt hại thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư, nên cả Năm Bảy Bảy lẫn CII đều chưa thể xác định được giá trị hợp lý của khoản công nợ tiềm tàng liên quan đến vụ việc này làm cơ sở điều chỉnh giá trị hợp lý tài sản thuần khi hợp nhất Năm Bảy Bảy.
Năm Bảy Bảy đã bỏ các ngành nghề bị hạn chế “room”
Vừa qua, Đại hội đồng cổ đông bất thường của Năm Bảy Bảy đã họp và thông qua việc loại bỏ một số ngành nghề bị hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (room). Cụ thể, Công ty giảm ngành sản xuất vật liệu xây dựng từ đất sét, giảm ngành đại lý du lịch, giảm ngành điều hành tua du lịch.
Ngoài ra, Công ty cũng thông qua việc chi trả cổ tức năm 2019 bằng tiền mặt với tỷ lệ dự kiến tới 50%. Trước đó, theo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019 hợp nhất, Năm Bảy Bảy đạt doanh thu thuần 125 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế lên tới 232 tỷ đồng.