Năm ngoái, đại diện Citigroup cho biết tập đoàn này sẽ rút khỏi mảng bán lẻ ở 13 quốc gia bên ngoài Mỹ nhằm cải thiện lợi nhuận. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo thỏa thuận, Ngân hàng UOB sẽ mua lại các danh mục cho vay tín chấp và có bảo đảm, các đơn vị quản lý tài sản và tiền gửi cá nhân của Citigroup - những cấu phần tạo nên mảng bán lẻ của họ ở 4 thị trường: Indonesia, Malaysia, Thái Lan, và Việt Nam.
Theo đài CNBC, UOB sẽ thanh toán cho Citigroup giá trị tài sản ròng của các đơn vị được mua lại, cộng với một khoản khác trị giá 690 triệu USD. Phía UOB cho biết, mảng bản lẻ của Citigroup có tổng giá trị ròng khoảng 4 tỷ đô la Singapore (tương đương 2,97 tỷ USD) và tệp khách hàng khoảng 2,4 triệu người, tính đến ngày 30/6/2021.
Giao dịch mua lại trên dự kiến sẽ được thanh toán từ nguồn vốn dư của ngân hàng UOB, do đó ước tính kéo giảm 70 điểm cơ bản mức vốn cấp 1 của ngân hàng này xuống còn 12,8%. Tuy vậy, phía UOB vẫn cho rằng tác động của thương vụ mua lại đến vốn cấp 1 không quá nghiêm trọng và sẽ vẫn nằm trong ngưỡng quy định.
"Ngân hàng UOB tin tưởng vào tiềm năng lâu dài của thị trường Đông Nam Á và chúng tôi đã có làm việc có nguyên tắc, chọn lọc và kiên nhẫn tìm kiếm các cơ hội phù hợp để phát triển", ông Wee Ee Cheong, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành UOB cho biết.
Khoảng 5.000 nhân viên giao dịch ngân hàng và nhân viên hỗ trợ của Citigroup tại Indonesia, Malaysia, Thái Lan, và Việt Nam dự kiến sẽ được chuyển giao cho UOB khi thỏa thuận kết thúc.
Giám đốc điều hành UOB cho biết thêm: "Thương vụ mua lại, cùng với nhượng quyền thương mại trong khu vực của UOB, sẽ hợp lực mạnh mẽ giúp mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh của UOB và nâng cao vị thế của một ngân hàng hàng đầu khu vực".
Cổ phiếu UOB đã tăng thêm 1,23% trong phiên giao dịch chiều nay 14/1 sau thông tin về thương vụ mua lại.
Còn Citigroup cho biết họ sẽ vẫn giữ quyền kiểm soát các doanh nghiệp của mình tại thị trường Indonesia, Malaysia, Thái Lan, và Việt Nam.
Trước đó, Giám đốc điều hành Citigroup Jane Fraser đánh tiếng rằng tập đoàn này sẽ rút khỏi mảng bán lẻ ở 13 quốc gia bên ngoài Mỹ để cải thiện lợi nhuận. Nhiều thị trường trong số đó là ở châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia.
"Việc bán mảng bán lẻ tại 4 thị trường trên, cùng với các giao dịch đã thông báo trước đây của chúng tôi, cho thấy chúng tôi nhận thấy tính cấp bách phải thực hiện chiến lược làm mới mình", Giám đốc tài chính Citigroup Mark Mason nói.
Citigroup dự kiến thương vụ trên sẽ được hoàn tất trong khoảng thời gian từ giữa năm 2022 đến đầu năm 2024, tùy thuộc vào tiến độ và kết quả của các quyết định phê duyệt.
Năm ngoái, Citigroup cho biết họ đã đồng ý bán lại mảng bán lẻ ở Philippines và Australia, đồng thời giảm bớt hoạt động mảng này ở thị trường Hàn Quốc.