“Với những thế mạnh, tiềm năng, lợi thế đặc thù, chúng tôi cho rằng, Vùng đồng bằng sông Hồng đang hội tụ các yếu tố cần và đủ để xây dựng trở thành Digital Hub của Việt Nam, góp phần đưa Việt Nam trở thành Digital Hub khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn công nghệ CMC đã nói như vậy tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW về phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng.
Theo khẳng định của Chủ tịch CMC, Việt Nam có nhiều tiềm năng, thế mạnh để trở thành HUB của khu vực |
Trước hết, về vị trí địa lý, Vùng đồng bằng sông Hồng là cầu nối giữa vùng Đông Bắc, Tây Bắc và Bắc Trung Bộ, thuận lợi giao lưu với các vùng khác trong cả nước và mở rộng giao lưu với các nước trong khu vực và trên thế giới.
“Nhờ có Thủ đô Hà Nội nên Đồng bằng sông Hồng luôn giữ vị trí trung tâm kinh tế, khoa học - kỹ thuật và văn hoá của cả nước. Sân bay Nội Bài, cảng Hải Phòng cũng là những cửa ngõ quan trọng, mở ra khu vực và thế giới”, ông Nguyễn Trung Chính nói.
Nhưng trong chỉ thuận lợi về vị trí địa lý, theo ông Nguyễn Trung Chính, quan trọng là chính sách của Chính phủ mở và nhất quán.
Dẫn câu chuyện của Singapore, ông Chính cho biết, việc đất nước này chuyển mình thành Digital Hub có dấu ấn và chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ. Sự trỗi dậy của Thái Lan cũng vậy, là nhờ chính sách quốc gia về nâng cao năng lực hạ tầng băng thông Internet, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 8 năm, các ưu đãi về đất đai và giá điện cho Data Center...
“Tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đang chủ trì và khởi xướng nhiều chương trình dẫn đầu ASEAN như 5G, Roaming, an toàn thông tin…, hay triển khai quyết liệt và đồng bộ Chiến lược Chuyển đổi số Quốc gia, Chính phủ điện tử, chiến lược phát triển Doanh nghiệp Công nghệ Make in Vietnam…”, ông Chính nói.
Đặc biệt, theo ông Chính, Nghị quyết 30-NQ/TW đã chỉ ra rõ nhiệm vụ quan trọng, đó là Đồng bằng sông Hồng sẽ tập trung phát triển vùng trở thành trung tâm khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số hàng đầu của cả nước. Trong đó, chú trọng nghiên cứu, phát triển công nghệ lõi, công nghệ số.
“Tôi cho rằng, đây đều là những tín hiệu tích cực và hứa hẹn cho việc tạo tiền đề chính sách mở và nhất quán của chính phủ cho việc biến Việt Nam thành Digital Hub khu vực”, ông Chính nhấn mạnh.
Các yếu tố khác được ông Chính nhắc tới là hiện tại, Việt Nam có 8 tuyến cáp quang biển, có hạ tầng kết nối Internet trong nước đủ mạnh và mở, có Data Center trung lập quy mô lớn; thu hút được sự tham gia và hiện diện của các hãng công nghệ khổng lồ…
Thông tin cũng được ông Chính chia sẻ, đó là Tập đoàn Công nghệ CMC đã và đang xúc tiến quyết liệt các chương trình hành động cho dự án Digital Hub trên khắp cả nước nói chung, và Đồng bằng sông Hồng nói riêng.
Trong đó, có việc xây dựng Data Center trung lập với kết nối cao, quy mô lớn tại Khu chế xuất Tân Thuận và Khu công nghệ cao SHTP. CMC cũng chủ trì xây dựng trạm trung chuyển Internet Tiểu vùng sông Mê Kông GMS-IX, đầu tư xây dựng tuyến cáp trục xuyên Việt CVCS…
Để đưa Vùng đồng bằng sông Hồng trở thành Digital Hub khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Chủ tịch Tập đoàn CMC đã đề xuất một số giải pháp cụ thể.
Một là, đưa Hà Nội trở thành trung tâm tri thức, trí tuệ nhân tạo của cả nước. Theo ông Chính, Hà Nội là một không gian lịch sử - văn hóa, một không gian phát triển điển hình, lại có một đội ngũ các nhà khoa học, tri thức và hệ thống giáo dục, trường - viện đa ngành, đa lĩnh vực, đông đảo nhất nước và đặc biệt tâm huyết với đời sống văn hóa và khoa học. Đặc biệt, trong khoảng hơn 20 năm trở lại đây, TP. Hà Nội thực sự mở rộng cửa mời đón các chuyên gia, các nhà khoa học tham gia giải quyết những vấn đề quan trọng của đất nước.
“Chúng ta cần có thêm những chính sách quyết liệt hơn nữa để khuyến khích nhân tài về sống và làm việc tại đây”, ông Chính nhấn mạnh.
Theo chia sẻ của ông Chính, CMS sẵn sàng đầu tư vào trung tâm công nghệ thông tin tập trung ở Đông Anh (Hà Nội).
Đề xuất thứ hai, đó là tính đến trục kết nối với Hải Phòng, Quảng Ninh, mở thêm cáp quang trên đất liền. Nhờ đó, các khách hàng doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam và các quốc gia trên thế giới trong hiện nay sẽ được trải nghiệm hệ thống hạ tầng viễn thông liền mạch, ổn định và toàn diện hơn.
Đề xuất thứ ba, phải phát triển Chính phủ số.
Đồng thời với đó, đầu tư thêm nhiều trung tâm lưu trữ dữ liệu, bởi muốn trở thành HUB thì phải đầu tư lớn.
“Với tất cả những đóng góp, nỗ lực của chúng tôi trong suốt 30 năm hình thành và phát triển, CMC xin một lần nữa khẳng định, cam kết tiếp tục đóng góp hết mình trong việc xây dựng Đồng bằng sông Hồng trở thành Digital Hub, góp phần đưa Việt Nam thành Digital Hub khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Từ đó, góp phần chuyển đổi số và xây dựng nền kinh tế số, vì một Việt Nam hùng cường”, ông Chính cam kết và đề nghị Chính phủ mạnh dạn giao cho các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ thông tin trong nước các dự án về phát triển hạ tầng công nghệ.
“Nếu được Chính phủ chấp thuận và cho phép, CMC xin sẵn sàng đầu tư vào hạ tầng số Digital HUB quy mô 1 - 3 tỷ USD”, ông Chính nói.