Dự kiến, vào tháng 8/2017, CMC sẽ thành lập công ty con tại Nhật Bản (CMC Japan) và xác định đây sẽ là một thị trường nền tảng cho CMC tại hải ngoại. |
Mục tiêu doanh thu gần 5.000 tỷ đồng
Mới đây, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 của CMC đã thông qua kế hoạch kinh doanh cho năm tài chính 2017 (từ ngày 1/4/2017 đến 31/3/2018), với doanh thu thuần dự kiến đạt 4.895 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2016; lợi nhuận trước thuế hợp nhất dự kiến đạt 207,7 tỷ đồng, tăng trưởng 11%.
Trong từng lĩnh vực cụ thể, CMC đều đặt ra các mục tiêu khá tham vọng. Lĩnh vực tích hợp duy trì top 2 công ty tích hợp hệ thống hàng đầu Việt Nam, hướng tới cung cấp dịch vụ toàn cầu. Lĩnh vực phần mềm duy trì top 5 công ty phần mềm hàng đầu Việt Nam, cung cấp dịch vụ toàn cầu. Lĩnh vực viễn thông duy trì top 4 doanh nghiệp hạ tầng viễn thông hàng đầu Việt Nam. Lĩnh vực phân phối, lắp ráp đặt mục tiêu giảm tỷ trọng phân phối và chuyển dịch sang lĩnh vực dịch vụ công nghệ thông tin, duy trì là công ty dịch vụ về bảo hành, bảo trì và sửa chữa điện tử hàng đầu Việt Nam.
Một trong những định hướng đáng chú ý của CMC trong giai đoạn tới là sẽ tung quân ra thị trường hải ngoại. Theo ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc CMC, CMC đã có mặt ở Nhật Bản từ 10 năm nay, nhưng Công ty chưa thực sự có chiến lược đầu tư mạnh bạo. Tuy nhiên, khoảng tháng 8/2017, CMC sẽ thành lập công ty con tại Nhật Bản (CMC Japan) và xác định đây sẽ là một thị trường nền tảng cho CMC tại hải ngoại.
Chiến lược của CMC ở thị trường nước ngoài là sẽ xây dựng chuỗi các sản phẩm dịch vụ mà công ty này đã phát triển thành công tại thị trường trong nước nhằm tạo ra dư địa, tăng doanh thu cho Công ty. Theo ông Chính, đó là cách Công ty tìm dư địa mới để duy trì tăng trưởng trong bối cảnh thị trường trong nước đang bão hòa dần và bị cạnh tranh khốc liệt.
Bài toán vốn
Mặc dù đặt ra những mục tiêu khá tham vọng, nhưng theo lãnh đạo CMC, nếu nhu cầu đầu tư trong năm 2017 dưới 300 tỷ đồng, Công ty vẫn có thể cân đối được bằng các nguồn vốn hiện tại và vay tín dụng. Do đó, CMC có thể chưa cần thực hiện việc huy động vốn bằng phát hành cổ phiếu hoặc trái phiếu doanh nghiệp, ít nhất là trong năm nay. Tuy nhiên, theo ông Chính, về chiến lược dài hạn, CMC vẫn quan tâm việc tiếp xúc, tìm kiếm các nhà đầu tư và ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược.
Về tình hình tài chính hiện tại của CMC, đến cuối năm tài chính 2016 (kết thúc ngày 31/3/2017), tiền và các khoản tương đương tiền đạt 125 tỷ đồng, tăng khá mạnh so với mức gần 87,7 tỷ đồng thời điểm đầu năm. Hoạt động kinh doanh của công ty này trong năm qua đã tạo sự tích lũy nguồn tiền khá tốt, với lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh dương 271 tỷ đồng (năm trước dương 188,7 tỷ đồng). Vốn chủ sở hữu của Công ty đã tăng từ mức 1.097 tỷ đồng lên 1.169 tỷ đồng, trong đó CMC đã tích lũy được 224 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối.
Các chỉ số tài chính cơ bản của CMC (vòng quay hàng tồn kho, phải thu, tổng tài sản…) vẫn giữ ổn định trong 2 năm qua, không có biến động lớn. Tuy nhiên, tình hình vay nợ cũng có phần nhúc nhích tăng trong năm qua, từ mức 1.098 tỷ đồng lên mức 1.246 tỷ đồng. Theo ông Lê Thanh Sơn, Giám đốc tài chính của Công ty, nợ phải trả tăng trong năm do nhu cầu của Công ty vay thêm vốn để phục vụ các hoạt động kinh doanh.
Vay nợ tăng cũng khiến chỉ số khả năng thanh toán có phần giảm thấp hơn năm trước. Cụ thể, khả năng thanh toán nhanh giảm từ 1,18 lần năm 2015 xuống 1 lần năm 2016, khả năng thanh toán ngắn hạn giảm từ 1,39 lần xuống 1,18 lần. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, đây vẫn là mức an toàn, hơn nữa việc duy trì tỷ lệ này quá cao cũng không cần thiết, vì như vậy sẽ không khai thác tối đa được nguồn lực tài chính.