Từ “nịnh” bảo vệ…
Người xưa thường nói: “Làm nhà, cưới vợ, tậu trâu/Trong ba việc ấy thật là khó thay”. Đây là những việc lớn trong đời của một người đàn ông.
Bây giờ, có việc đã không còn khó, ví như tậu trâu, nhưng còn việc làm nhà thì vẫn khó, thậm chí ngày càng khó hơn xưa, từ chuyện giấy phép, đến chi phí, chỗ để vật liệu, an toàn lao động…, mất rất nhiều thời gian và công sức của gia chủ.
Nếu so sánh với nhà mặt đất, thiết kế và thi công hoàn thiện căn hộ chung cư nói chung đỡ vất vả hơn, nhất là về vấn đề an toàn lao động trong thi công. Tuy vậy, việc hoàn thiện căn hộ chung cư cũng có những khó khăn riêng.
Thực tế, việc thiết kế và thi công ban đầu của căn hộ chung cư thường ở dạng lưng chừng. Rất ít chung cư thiết kế và hoàn thiện tốt để cư dân chỉ việc… xách đồ đến ở. Kể cả chung cư cao cấp “xịn” đến mấy, thì nhu cầu sử dụng thực tế của khách hàng đôi khi khác với thiết kế của chủ đầu tư, cả về gu thẩm mỹ cũng vậy, nên khó tránh được chuyện cải tạo, sửa đổi.
Mặc dù là làm hoàn thiện, nghe chừng có vẻ đơn giản, chỉ là thêm thắt, chỉnh sửa, nhưng thực tế cũng triển khai tất cả các hạng mục liên quan đến chuyên ngành xây dựng như nề (xây, trát, ốp, lát), điện, nước, điều hoà, sơn, bả, trần thạch cao, đá, sắt, sàn gỗ, đồ gỗ nội thất…
Để xây được một căn nhà phải mất rất nhiều thời gian và công sức của gia chủ. |
Tuần tự, quy trình công việc vẫn phải tuân thủ, nhưng các hạng mục khối lượng không lớn, nhiều khi đợi chờ nhau rất mất thời gian. Căn hộ chỉ có một sàn thi công, nên việc thi công có thể không kết hợp, dồn nhiều đội vào cùng làm một thời điểm, bởi có thể ảnh hưởng lẫn nhau, nên thời gian hoàn thiện thường kéo dài.
Vấn đề vận chuyển nguyên vật liệu, thiết bị cũng là một khó khăn. Bởi trong giai đoạn chủ đầu tư bàn giao căn hộ cho khách, thì có nhiều chủ nhà cũng tiến hành hoàn thiện căn hộ của mình. Tuy nhiên, do dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện, nên có khi thang máy chưa hoạt động hoặc hoạt động không ổn định, ảnh hưởng rất lớn đến việc vận chuyển nguyên vật liệu.
Kể cả khi có thang máy vận hành, thì rất nhiều trường hợp cũng không đi được thang máy, bởi nhiều loại vật liệu có kích thước quá khổ như đá, kính, đồ gỗ nội thất. Bên cạnh đó, việc ban quản lý toà nhà, bảo vệ toà nhà nhiều nơi không có thiện chí, gây khó khăn cho chủ nhà và các đơn vị thi công cũng khá phổ biến. Vì vậy, để dễ dàng trong việc hoàn thiện căn hộ, nhiều chủ nhà phải nịnh nọt các bảo vệ, thậm chí phải có lót tay.
… đến “hầu” thợ nề
Không chỉ nịnh nọt và lót tay bảo vệ, để có thể hoàn thiện căn hộ như ý và đúng tiến độ, chủ nhà còn phải lo cả chuyện thợ xây, thợ nề dù đã khoán trắng cho nhà thầu.
1 - 2 năm trở lại đây, nhu cầu sửa chữa hoàn thiện nhà tăng quá nhiều khiến cho giá xây dựng tăng nhanh. Vài năm trước, công thợ chỉ khoảng trên dưới 150.000 đồng/ngày/người, thì hiện đã lên đến 200.000 - 230.000 đồng nhưng vẫn thiếu thợ. Vì vậy, không ít phụ hồ vừa biết cầm bay, cầm thước nghiễm nhiên “nhảy lên” làm thợ xây.
Với chủ nhà, cái khổ nhất khi xây nhà hay hoàn thiện căn hộ không phải là việc trông coi xây cất (đã có bản vẽ), hay chạy vật liệu, vật tư, mà là việc phải phục vụ thợ xây hàng ngày. Thường thì đã có hợp đồng với chủ thầu hoặc trả tiền công nhật cho thợ, nhưng có một “luật bất thành văn” là nhà chủ phải lo khoản ăn giữa bữa, trà nước, thuốc lá cho thợ xây.
Chính vì vậy, hàng ngày cứ khoảng 9 giờ sáng, 3 giờ chiều lại phải lo bữa cho thợ, khi thì bún, lúc thì bánh canh, phở, bánh mì. Rồi cứ hàng tuần lại đãi thợ một bữa, ngon thì bia, bèo hơn cũng vài ba lít rượu cùng mồi nhậu, nếu không nhóm thợ sẽ “mặt nặng như chì”...
Do đó, tính ra, tiền công thợ xây nhà cao hơn nhiều so với mức thỏa thuận, thường khoản này cũng ngốn của chủ nhà lên đến vài ba chục triệu đồng.
Và bài toán tài chính
Trước khi làm nhà, tôi cũng đã tính toán khá nhiều. Tôi xác định đầu tư phải hài hoà với nguồn lực hiện có, không thể dồn hết tiền vào căn nhà để rồi ở nhà đẹp mà không còn vốn lưu động, dẫn đến phải cắt giảm những nhu cầu cuộc sống hoặc rơi vào tình thế bị động. Nhà mới đi kèm với niềm vui mới, chứ không nên kéo theo nỗi lo mới.
Chính vì thế, cân đối tài chính, kiểm soát tài chính là vấn đề quan trọng khi làm nhà, dù là xây mới hay mua và cải tạo hoàn thiện căn hộ. Làm tốt công việc này, cũng đồng nghĩa sẽ góp phần giữ yên ổn, thoải mái tâm lý khi ngôi nhà hoàn thiện.
Thế nhưng, thực tế, nói thì dễ, chứ thực hiện không đơn giản. Thực tế, rất ít ai có thể tính toán dự trù chi phí chính xác khi làm nhà, mà thường số tiền bỏ ra để làm nhà, hoàn thiện căn hộ cao hơn khá nhiều so với số tiền dự trù ban đầu.
Với tâm lý “mua trâu tiếc gì cái dây buộc”, nên nhiều người khi đi lựa chọn đồ hoàn thiện căn hộ thường mua loại xịn hơn so với dự tính. Sàn gỗ hay gạch ốp lúc đầu dự tính loại khoảng 300.000 đồng/m2, nhưng khi ra cửa hàng, nhân viên tư vấn loại tốt hơn, bảo giúp căn nhà sẽ sang hơn, bền hơn, nên tặc lưỡi mua loại tốt hơn.
Hay khi mua sắm đồ nội thất, lúc đầu dự trù mua bộ sofa tầm dưới 10 triệu, cái tivi 43 in để phòng khách, tủ bếp loại vừa tiền…, nhưng tới cửa hàng thì thấy bộ sofa 15 - 20 triệu đồng nhìn đẹp, thấy cái tivi 56 in 4k mới xứng với phòng khách, với cái kệ đựng tivi, rồi thêm một cái trong phòng ngủ…
Với hàng loạt đồ nội thất như thế, mỗi thứ chỉ cần kênh lên một chút, cũng đã khiến chi phí chênh thêm cả trăm triệu đồng. Thế là, phương án tài chính ban đầu phá sản.
Vậy nên, những người có kinh nghiệm thường bảo nhau, khi hoàn thiện nhà nên “tắt điện thoại” để ít phải nghe tư vấn từ bạn bè, anh em, kẻo chỉ dăm lần tặc lưỡi là sau khi về nhà mới lại è lưng cõng nợ.