Ảnh minh họa |
Không chọn “ngủ đông” trong mùa dịch
Sổ bán hàng và Thuốc sỉ là 2 trong số hàng chục start-up vừa công bố hoàn tất vòng gọi vốn với giá trị hơn 10 triệu USD. Hơn 3 tháng qua, tình hình dịch bệnh tại TP.HCM diễn biến phức tạp, khiến hoạt động của cả 2 start-up này bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng họ không chọn “án binh bất động”, mà cố gắng tìm mọi cách để xoay xở.
“Dù tình hình rất khó khăn, nhưng chúng tôi thống nhất với nhau là phải duy trì hoạt động, vì đang cung cấp sản phẩm thiết yếu”, Nguyễn Hoàng, thành viên đồng sáng lập nền tảng kết nối và phân phối dược phẩm Thuốc sỉ cho biết.
Khi TP.HCM thực hiện giãn cách, Thuốc sỉ chỉ còn khoảng 40/500 nhân viên làm việc. Không những thế, kho hàng có nhân viên nhiễm Covid-19, nên phải đóng cửa vài tuần, nhưng start-up này quyết không ngừng hoạt động. Họ điều chuyển hàng hóa từ kho ở TP.HCM ra Hà Nội nhằm đảm bảo vận chuyển thuốc đến các cửa hàng.
Duy trì hoạt động trong đại dịch giúp các nhà sáng lập Thuốc sỉ nhận ra những thay đổi từ thị trường. Chắc chắn, nếu chọn “ngủ đông”, họ sẽ không có được bài học về tổ chức kinh doanh, khi mỗi ngày đều có những thay đổi trong quy định phòng, chống dịch.
Còn với Sổ bán hàng, chỉ sau khoảng 4 tháng từ ngày bắt đầu xây dựng, start-up này đã hoàn tất vòng gọi vốn 1,5 triệu USD từ Quỹ FEBE Ventures, Class 5… Thực tế, ứng dụng này được xây dựng từ kinh nghiệm sẵn có của đội ngũ công ty sở hữu Sổ bán hàng là Jamalex Finan, nhằm giải quyết bài toán trong thời dịch, giúp các tiểu thương truyền thống có thể số hóa hoạt động.
Dù dòng vốn đổ vào các công ty khởi nghiệp trong 9 tháng đầu năm nay có giảm sút do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng start-up nào thể hiện được bản lĩnh vượt bão trong một số lĩnh vực liên quan đến công nghệ đều được nhà đầu tư quan tâm.
Cơ hội không giới hạn
Ông Trần Hữu Đức, Giám đốc Quỹ VIISA đánh giá, những start-up tập trung vào các giải pháp giúp thay đổi xã hội, có kế hoạch mở rộng kinh doanh khả thi trong ngắn hạn hoàn toàn có cơ hội nhận đầu tư. Theo ông, số lượng start-up được định giá khoảng 5 triệu USD trở lên càng nhiều, thì hệ sinh thái khởi nghiệp sẽ ngày càng có nhiều doanh nghiệp đạt đến giá trị tỷ USD.
“Hiện Đông Nam Á có 15 ‘kỳ lân’ (Việt Nam ‘đóng góp’ 2 kỳ lân). 60% số kỳ lân này đều là những công ty hoạt động ở nhiều thị trường. Nghĩa là, các start-up muốn hướng đến định giá cao, thì phải có kế hoạch phát triển mở rộng thị trường”, ông Đức nhận định.
Theo Crunchbase, nửa đầu năm nay, các công ty khởi nghiệp ở châu Á đã được đầu tư 61,9 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2020. Việt Nam không nằm trong danh sách thu hút được nguồn vốn lớn, nhưng nhìn chung, các quỹ đang hoạt động mạnh trong khu vực đều đang đầu tư vào một số start-up Việt Nam và có thể hỗ trợ phát triển trong cùng hệ sinh thái.
Ví dụ, với sự dẫn dắt của KKR, Quỹ Jungle Ventures cùng một số quỹ vừa chốt thương vụ đầu tư 45 triệu USD vào KiotViet. Jungle Ventures cũng vừa thông báo kết thúc đợt huy động cho quỹ thứ tư của mình với số vốn 225 triệu USD để tiếp tục đầu tư vào các start-up ở Đông Nam Á.
“Là một trong những quỹ lâu đời nhất trong khu vực, chúng tôi chưa thấy thời điểm nào tốt như bây giờ để tham gia vào hệ sinh thái công nghệ ở Đông Nam Á”, ông Amit Anand, đối tác sáng lập Jungle Ventures nói.
Ngoài ra, ông Amit Anand cũng nhắc đến thương vụ với KiotViet và cho biết, quỹ này thường chọn đầu tư vào các công ty đang có sản phẩm phù hợp với thị trường nội địa để giúp họ mở rộng ra nước ngoài.