Công suất lắp đặt năng lượng tái tạo lên tới 1.000 tỷ kW
Theo dự kiến của Statista, sản lượng điện của Việt Nam năm 2024 đạt 282,40 tỷ kWh, với tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR) đạt 2,99% (2024 - 2029), trong đó, sản lượng năng lượng tái tạo có tốc độ tăng trưởng CAGR là 3,39%.
Cùng với xu hướng thế giới, Việt Nam đang có một sự chuyển dịch lớn diễn ra trong cơ cấu sản lượng điện. Sản lượng từ điện tái tạo đã và đang gia tăng tỷ trọng nhanh chóng. Theo Quy hoạch Điện VIII được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023, đến năm 2030, cơ cấu nguồn điện nghiêng mạnh sang các nguồn năng lượng tái tạo với tỷ lệ 27%, trong đó điện gió trên bờ chiếm 14,5% tổng công suất các nhà máy điện, điện gió ngoài khơi là 4%, điện mặt trời là 8,5%.
Ông Peter Lundberg, Giám đốc Hiệp hội Năng lượng Đô thị châu Á - Thái Bình Dương tại lễ khai mạc Electric & Power Vietnam 2024 sáng 4/9. |
Phát biểu tại khai mạc Triển lãm về Công nghệ, Thiết bị và Giải pháp Điều phối và Truyền tải Điện tại Việt Nam (Electric & Power Vietnam 2024), ông Peter Lundberg, Giám đốc Hiệp hội Năng lượng Đô thị châu Á - Thái Bình Dương (APUEA) nhận định, Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức giải quyết giảm phát thải carbon, bởi hiện tại, phần lớn năng lượng của Việt Nam đến từ than đá - nguồn tài nguyên đóng góp đáng kể vào lượng khí thải carbon.
Dẫn chứng dự báo từ Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IEA), ông Peter Lundberg cho biết thêm, Việt Nam ước tính có tiềm năng năng lượng tái tạo là 1,2 terawatt, tương đương 1.000 tỷ kW.
"Để ứng phó với những thách thức này, Việt Nam đã đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng về khí hậu, cam kết đạt được mức phát thải khí nhà kính ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây là trọng trách lớn lao song cần thiết, khi tiềm năng năng lượng tái tạo tại Việt Nam là rất lớn", ông Peter Lundberg nói.
Mới đây nhất, Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2024/NĐ-CP quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn. Cơ chế này mang đến nhiều kỳ vọng cho doanh nghiệp điện tái tạo. DPPA hứa hẹn tạo cơ hội cho việc đầu tư phát triển nguồn điện năng xanh, giúp doanh nghiệp sớm có được chứng chỉ năng lượng tái tạo, giảm phát thải carbon để tăng sức cạnh tranh hàng hóa khi xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Xu hướng năng lượng bền vững
Bà Nguyễn Vân Nga, Trưởng đại diện Văn phòng Bộ Công Thương tại miền Nam cho biết, Electric & Power Vietnam 2024 với hơn 350 đơn vị trưng bày và thương hiệu đến từ hơn quốc gia có công nghệ tiên tiến và giải pháp đột phá từ nhiều nơi trên thế giới quy tụ dịp này là chìa khóa giúp ngành điện Việt Nam tiến gần hơn đến mục tiêu học hỏi, hợp tác phát triển bền vững.
Electric & Power Vietnam 2024 kết hợp cùng Triển lãm Quốc tế lần thứ 16 về Công nghệ HVAC, Hệ thống làm lạnh và Tòa nhà thông minh tại Việt Nam (HVACR Vietnam 2024) sẽ diễn ra từ ngày 4 - 6/9/2024 tại TP.HCM. Ảnh: Gia Hân |
“Đây là thời điểm quan trọng để cùng nhau tìm kiếm những giải pháp thông minh, vừa đáp ứng nhu cầu hiện tại, vừa bảo vệ môi trường cho các thế hệ tương lai. Bộ Công thương luôn đánh giá cao và ủng hộ mạnh mẽ những hoạt động thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp năng lượng, điện và HVAC”, đại diện Bộ Công thương khẳng định.
Còn theo TS. Nguyễn Xuân Tiên, Tổng thư ký Hội Khoa học Kỹ thuật Lạnh và Điều hoà Việt Nam, riêng ngành lạnh tiêu hao một lượng điện năng rất lớn, hiện nay, tiêu hao 16 - 20% tổng lượng điện tiêu hao chung trên thế giới và đến năm 2030 có thể lên đến 30%. Trong các cơ quan, khách sạn, lượng điện tiêu hao cho điều hòa cũng chiếm từ 40-60%. Trong máy lạnh và máy điều hòa bắt buộc phải sử dụng môi chất lạnh, thí dụ như R22, R32, R410A, NH3….
“Môi chất lạnh là một mối quan tâm lớn trên thế giới vì nó phá hủy tầng ô zôn, gây nên hiệu ứng nhà kính và làm trái đất nóng lên. Không phải ngẫu nhiên mà ở nước ta trong luật bảo vệ môi trường có những điều luật riêng về bảo vệ tầng ô zôn cũng như giảm phát thải khí nhà kính. Những vẫn đề nói trên, đã đặt ra cho các nhà khoa học trên thế giới cũng như các hãng sản xuất máy lạnh và điều hòa một nhiệm vụ hết sức lớn là vừa đáp ứng được nhu cầu của xã hội, vừa phải tiết kiệm năng lượng và chống phát thải khí nhà kính, bảo vệ sự nóng lên của trái đất”, TS. Tiên chỉ rõ.
Ông Peter Lundberg cho lời khuyên, tương lai ngành điện nói riêng và Việt Nam nói chung quá trình chuyển đổi năng lượng không chỉ là về năng lượng tái tạo, mà còn là việc sử dụng năng lượng thông minh hơn.
IEA cũng chỉ ra rằng, hiệu quả năng lượng cũng quan trọng đối với quá trình chuyển đổi này như sự phát triển của năng lượng tái tạo. Bằng cách áp dụng các công nghệ và thực hành tiết kiệm năng lượng, chúng ta có thể giảm nhu cầu năng lượng chung, giảm chi phí và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch
“Hãy tưởng tượng những khả năng nếu chúng ta có thể khai thác được một phần nhỏ tiềm năng công suất hiện tại. Ví dụ, chỉ cần khai thác 10% nguồn năng lượng quang điện mặt trời có thể đáp ứng toàn bộ công suất sản xuất điện quốc gia là 80 gigawatt. Đây không chỉ là những con số chúng đại diện cho tương lai của năng lượng tại Việt Nam,một tương lai mà các nguồn năng lượng sạch, tái tạo cung cấp năng lượng cho các hộ gia đình, ngành công nghiệp và thành phố”, đại diện APUEA dẫn chứng.