. |
Thúc đẩy nâng cao chất lượng dịch vụ
Theo Bộ Y tế, việc thực hiện tự chủ thời gian qua cho thấy, chất lượng dịch vụ y tế tăng lên và được đánh giá khách quan qua kết quả khảo sát chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2019, với chỉ số hài lòng của người dân về y tế công lập tăng từ 1,92/2,5 điểm năm 2017 lên 1,96/2,5 điểm năm 2018.
Việc thực hiện cơ chế tự chủ thời gian qua đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng sự hài lòng của người bệnh, giải quyết cơ bản tình trạng quá tải một số bệnh viện Trung ương và thành phố. Một số bệnh viện như Bệnh viện K, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương đã gần như không còn tình trạng giường nằm ghép. Các bệnh viện đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp để phát triển chuyên môn kỹ thuật. Nhiều bệnh viện Trung ương, bệnh viện tuyến cuối đã triển khai nhiều kỹ thuật cao, tiên tiến ngang tầm với các nước trong khu vực, góp phần cứu chữa được nhiều người bệnh hiểm nghèo.
Theo khảo sát của Tổ chức Sáng kiến Việt Nam, chỉ số hài lòng người bệnh nội trú năm 2018 đạt 80,8% (năm 2017 là 79,6%). Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Y tế sẽ xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện trong ngành, tổ chức việc triển khai thực hiện và tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra theo quy định.
Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế, rõ ràng việc tính chi phí tiền lương vào giá làm thay đổi nhận thức của cán bộ y tế vì chỉ khi bệnh viện có bệnh nhân thì mới tạo ra nguồn thu cho bệnh viện để có nguồn chi trả lương và các chi phí hoạt động của bệnh viện. Vì thế, việc thay đổi thái độ phục vụ, nâng cao chất lượng, hướng tới sự hài lòng của người bệnh thì mới có thể có nguồn lực để duy trì hoạt động và phát triển.
Ông Nguyễn Nam Liên khẳng định, hoàn toàn không có việc các bệnh viện tự chủ thì cứ tự động tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh mà phải thực hiện theo quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế. Hàng năm, sẽ có cơ quan kiểm tra giám sát, kiểm toán nhà nước thực hiện thanh, kiểm tra vấn đề tài chính của các cơ sở này.
Về tài chính, Bộ sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, nhất là tiền lương phải bảo đảm chi trả thỏa đáng cho cán bộ y tế, cho các đơn vị dự toán độc lập thuộc các bệnh viện, đơn vị sự nghiệp công đã tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc chi thường xuyên và chi đầu tư được tự chủ trong việc quyết định biên chế, đấu thầu, không phải thông qua bệnh viện hoặc đơn vị sự nghiệp cấp trên. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về thực hiện các quy trình chuyên môn, thực hiện tiêu chí chất lượng, quản lý tài chính, xử lý nghiêm các sai phạm nếu có...
Giảm áp lực ngân sách nhà nước
Bộ Y tế cho biết, thực hiện cơ chế tự chủ cùng với việc điều chỉnh giá dịch vụ theo lộ trình và đưa tiền lương vào giá dịch vụ đã góp phần tăng mức độ tự chủ về tài chính, giảm ngân sách nhà nước cấp trực tiếp cho các bệnh viện.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay, 100% đơn vị sự nghiệp y tế công lập trong cả nước đã được phân loại, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính. Trong đó, 5 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, 235 đơn vị đã tự đảm bảo chi thường xuyên, khoảng 1.200 đơn vị tự chủ một phần chi thường xuyên. Có 26/45 bệnh viện trực thuộc Bộ đã tự chủ chi thường xuyên (58% cơ sở khám chữa bệnh).
Các bệnh viện thuộc Bộ Y tế quản lý đã giảm chi khoảng 562 tỷ đồng mỗi năm so với năm 2015. Số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước cũng giảm mạnh vì chỉ riêng 26 bệnh viện tự chủ chi thường xuyên thuộc Bộ đã có hơn 30.800 người với số tiền chi khoảng 2.900 tỷ đồng mỗi năm.
Ở cấp địa phương, qua báo cáo của 55 tỉnh, thành thì ngân sách cấp cho bệnh viện năm 2018 đã giảm gần 8.900 tỷ đồng so với năm 2015 - năm trước khi tính tiền lương vào giá dịch vụ...