Giảm tải bệnh viện tuyến trên
Trong những năm trước khi triển khai Đề án Giảm quá tải bệnh viện (năm 2013), Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh phải đối mặt với tình trạng quá tải diễn ra liên tục nhiều năm tại các bệnh viện tuyến trung ương của thành phố. Năm 2011, Bệnh viện Bạch Mai có công suất sử dụng giường bệnh lên đến 168%; Bệnh viện K công suất sử dụng giường bệnh 249%; Bệnh viện Chợ Rẫy công suất sử dụng giường bệnh 154%...
Đến nay, sau hơn 5 năm thực hiện đã đạt được những kết quả bước đầu, hầu hết các mục tiêu của Đề án đã được thực hiện và bảo đảm tiến độ. Tình trạng quá tải bệnh viện đang từng bước được giải quyết, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh và đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.
Tại bệnh viện tuyến Trung ương, những chuyên khoa quá tải hàng đầu là: Khoa ung bướu, tim mạch, chấn thương chỉnh hình, sản, nhi cũng đều có xu hướng giảm như: Trong năm 2018, bệnh viện Bạch Mai có công suất sử dụng giường bệnh giảm còn 112%; Bệnh viện K, công suất sử dụng giường bệnh giảm còn 98%; Bệnh viện Chợ Rẫy, công suất sử dụng giường bệnh giảm còn 95%...
Theo kết quả khảo sát tại các bệnh viện trên toàn quốc năm 2018 cho thấy, so với thời điểm trước khi triển khai Đề án Giảm quá tải bệnh viện (năm 2013) đã có 5.078 khoa lâm sàng, cận lâm sàng được cải tạo, nâng cấp và xây mới.
Tổng số giường bệnh đến năm 2018 đạt 252.717 giường bệnh, tương ứng với 26,3 giường/vạn dân. Tình trạng quá tải bệnh viện đang từng bước được giải quyết, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh và đáp ứng sự hài lòng của người bệnh...
Đây là một trong những nội dung được Chính phủ đề cập tại Báo cáo số 413/BC-CP vừa báo cáo Quốc hội về thực hiện nhiệm vụ lớn tại Nghị quyết số 68/2013/QH13 của Quốc hội giao Chính phủ thực hiện.
Về nhiệm vụ “Đến năm 2020, giảm ít nhất 50% tình trạng quá tải bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương”, báo cáo đề cập đến một số kết quả triển khai thực hiện Đề án giảm tại quá tải bệnh viện giai đoạn 2018 - 2019.
Theo đó, trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã tích cực tổ chức, triển khai, chỉ đạo, xây dựng văn bản, chính sách hỗ trợ thực hiện giảm quá tải bệnh viện tuyến tỉnh (chủ yếu ở TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh) và tuyến trung ương. Các giải pháp được thực hiện gồm: đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng bệnh viện; xây dựng và phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh; thí điểm xây dựng mô hình phòng khám bác sĩ gia đình; tiếp tục củng cố và hoàn thiện mạng lưới trạm y tế xã; đẩy mạnh các hoạt động y tế dự phòng; xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách y tế; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông.
Phát triển trạm y tế xã đạt chuẩn
Với nhiệm vụ “Đến năm 2020, hoàn thiện việc đầu tư trạm y tế xã ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở; trong đó, tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng mới, cải tạo, mở rộng cơ sở, trang thiết bị cho các trạm y tế xã.
Chính phủ đã cho phép Bộ Y tế triển khai một số dự án ODA để hỗ trợ đầu tư cho các trạm y tế vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn như: Dự án chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2 vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đầu tư xây mới, sửa chữa 58 trạm y tế cho 3 tỉnh: Gia Lai, Đăk Nông, Kon Tum; dự án hỗ trợ hệ thống y tế do Quỹ toàn cầu viện trợ không hoàn lại, đầu tư trang bị cho các trạm y tế xã 15 tỉnh miền núi phía Bắc; Bộ Y tế đã dành một phần ngân sách của Chương trình hỗ trợ ngân sách ngành do EU viện trợ không hoàn lại để xây mới, cải tạo, nâng cấp 395 trạm y tế xã...
Hiện nay, cả nước đã có khoảng 65% số trạm y tế xã đạt Tiêu chuẩn quốc gia về y tế. Với khoảng 35% số trạm y tế xã cần đầu tư, nâng cấp còn lại, báo cáo Chính phủ nhận định, đang gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm nguồn tài chính. Do đó, Chính phủ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Quốc hội để có thể hoàn thành mục tiêu đã đề ra.