Nhà đầu tư cá nhân bị buộc từ bỏ quyền biểu quyết trên số cổ phần có được từ hành vi vi phạm vì không chào mua công khai. |
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Nguyễn Thương Huyền vì đã có hành vi vi phạm hành chính là không đăng ký chào mua công khai theo quy định pháp luật.
Cụ thể, bà Nguyễn Thương Huyền đã mua 7.009.378 cổ phiếu của Tổng công ty cổ phần Sông Hồng (mã SHG, sàn UPCoM) vào ngày 28/7/2023 dẫn đến thay đổi tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu sau giao dịch tăng từ 0% lên 25,96%. Dù vượt trên ngưỡng 25%, cá nhân này không đăng ký chào mua công khai với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Với hành vi trên, bà Huyền bị phạt 125 triệu đồng đồng thời bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc từ bỏ quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện được ủy quyền trên số cổ phần có được từ hành vi vi phạm. Bà Huyền bị buộc bán cổ phiếu để giảm tỷ lệ nắm giữ xuống dưới mức phải chào mua công khai đối với hành vi vi phạm trong thời hạn tối đa 6 tháng, kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành.
Theo dữ liệu từ HoSE, tại phiên 28/7/2023 đã xuất hiện giao dịch thỏa thuận hơn 7 triệu cổ phiếu SHG với giá trị 11,22 tỷ đồng. Với số lượng cổ phiếu nắm giữ như trên, bà Huyền đang là cổ đông lớn nhất của Tổng công ty. Bên cạnh đó, công ty còn có 2 cổ đông lớn khác là bà Trần Bích Thủy và bà Nguyễn Thị Hương, mỗi người sở hữu 24,5% cổ phần, tương ứng số lượng đều hơn 6,6 triệu cổ phiếu.
Đầu năm 2024, Bộ Xây dựng đã hoàn tất thoái toàn bộ hơn 49% vốn tại đây. Cũng sau giao dịch thoái vốn trên, ba nữ cổ đông đang sở hữu tới 75% vốn điều lệ.
Danh sách cổ đông lớn tính đến 30/6/2024. Nguồn: Tổng công ty Sông Hồng |
Tổng công ty Sông Hồng tiền thân là Công ty Kiến trúc Việt Trì, được thành lập năm 1958. Năm 2010, công ty chuyển đổi và hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần với tên gọi là Tổng công ty cổ phần Sông Hồng. Ngày 10/4/2015, cổ phiếu của công ty chính thức được giao dịch trên UPCoM.
Doanh nghiệp có tuổi đời 66 năm đang kinh doanh không mấy hiệu quả và liên tục có những thay đổi lớn ở thượng tầng nhân sự cấp cao. Hiện, Tổng công ty có vốn điều lệ 270 tỷ đồng, lĩnh vực kinh doanh chính đăng ký là thi công xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông, thủy lợi...; tư vấn, tổng thầu tư vấn, đầu tư xây lắp công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông...; cho thuê mặt bằng.
Mới đây, ngày 4/10, HĐQT công ty đã quyết định miễn nhiệm chức Chủ tịch HĐQT của bà Trần Huyền Linh. Trong khi đó, ông Phan Việt Anh thôi làm Tổng giám đốc công ty và được bổ nhiệm thay thế bà Linh giữ chức danh Chủ tịch HĐQT. Vị trí tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Tổng công ty sẽ do ông Đặng Minh Quang, Ủy viên HĐQTđảm nhiệm từ 1/10/2024.
Đầu năm 2024, ông Lã Tuấn Hưng, thành viên HĐQT và là cựu Tổng giám đốc bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt tạm giam. Ông Hưng bị cáo buộc về tội vi phạm các quy định đấu thầu liên quan đến Công ty AIC và Ban Quản lý dự án Công trình xây dựng Y tế thuộc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh. Sau sự kiện này, Songhong Corp đã nhanh chóng phát đi thông cáo, nhấn mạnh rằng vi phạm của ông Hưng chỉ là hành vi cá nhân và không liên quan đến vai trò lãnh đạo tại công ty.
Đến nay, Tổng công ty Sông Hồng chưa công bố báo cáo tài chính quý I và II/2024.
Theo báo cáo tài chính năm 2023, công ty chỉ đạt gần 8 tỷ đồng doanh thu, tăng 14% so với năm 2022. Công ty tiếp tục báo lỗ 70 tỷ đồng và đẩy lỗ lũy kế lên thành 1.380 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2023.
Nguyên nhân do các đơn vị thành viên thua lỗ, mất khả năng thanh toán lớn, không có công ăn việc làm và đã dừng hoạt động nhiều năm nay. Bên cạnh đó, một số dự án đầu tư không thể triển khai do không có nguồn lực tài chính vì hồ sơ không đủ điều kiện về vốn chủ sở hữu theo quy định.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu SHG đang thuộc diện bị hạn chế giao dịch và chỉ được giao dịch vào phiên thứ sáu hàng tuần do không tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2 năm tài chính gần nhất và âm vốn chủ sở hữu.