| ||
Dư thừa nguồn cung lớn, chi phí tài chính cao khiến nhiều doanh nghiệp xi măng không có nguồn trả cổ tức. Ảnh: Đức Thanh |
Mùa đại hội đồng cổ đông năm nay tiếp tục chứng kiến những cảm xúc “ngậm ngùi” của không ít cổ đông xi măng khi nhiều doanh nghiệp công bố không chia cổ tức năm 2013, hoặc nếu có thì mức cổ tức dự kiến rất “bèo”.
Năm 2012 là năm thứ hai, cổ đông của Công ty cổ phần Xi măng La Hiên (Thái Nguyên) không được nhận cổ tức, do doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả. Năm 2011, với lợi nhuận đạt 14 triệu đồng, Xi măng La Hiên đã không chia cổ tức cho các cổ đông. Còn 2012, với doanh thu 646 tỷ đồng, lợi nhuận âm 9,96 tỷ đồng, nên Công ty lại tạm thời không chia cổ tức 2012 ở mức 5% cho cổ đông như dự kiến.
Tại đại hội đồng cổ đông mới đây, Công ty đặt mục tiêu tiêu thụ 750.000 tấn xi măng, doanh thu 692,8 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7 tỷ đồng và chia cổ tức 5%. Tuy nhiên, với tình cảnh khó khăn của ngành xi măng hiện nay, đầu ra thu hẹp, nguồn cung lớn, chi phí tài chính cao, các cổ đông dường như không mặn mà với việc được chia cổ tức.
Điều đáng bàn là sang cả giai đoạn 2014 – 2015, Công ty cũng chỉ dám đưa ra mục tiêu sản xuất, tiêu thụ, kể cả doanh thu bằng nguyên con số của năm 2013. Riêng lợi nhuận có nhích thêm vài ba tỷ đồng. Với kế hoạch này, giấc mơ cổ tức với cổ đông của Xi măng La Hiên vẫn rất xa vời.
Không chỉ Xi măng La Hiên, mà nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành như Công ty cổ phần Xi măng Bỉm Sơn cũng công bố, năm 2013 sẽ không chia cổ tức.
Quan ngại về thị trường, năm nay, Xi măng Bỉm Sơn chỉ đặt mục tiêu bán 3.598.000 tấn xi măng, doanh thu 3.209 tỷ đồng. Năm 2012, doanh nghiệp này bán ra 3.939.429 tấn xi măng và đạt doanh thu 3.516 tỷ đồng.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, anh Minh Hoàng, cổ đông của doanh nghiệp này cho biết, khó khăn của Xi măng La Hiên còn thông cảm được, chứ Xi măng Bỉm Sơn là đơn vị anh hùng, đầu ngành mà cổ tức năm 2011 là 3% thì vẫn chưa trả; năm 2012 có quyết định trả cổ tức là 5% nhưng lại bằng cổ phiếu và năm 2013 này thì đặt 0%.
Theo giải thích của lãnh đạo Xi măng Bỉm Sơn, dù kinh doanh khó khăn, tiêu thụ năm 2012 không đạt mục tiêu đề ra, nhưng Công ty vẫn đạt trên 91 tỷ đồng lợi nhuận. Không đặt mục tiêu chia cổ tức là doanh nghiệp đang thực hiện trả nợ đầu tư đối với dây chuyền 2.
Thế nhưng, Xi măng La Hiên hay Xi măng Bỉm Sơn không phải là trường hợp điển hình không trả cổ tức. Dự kiến không chia cổ tức năm 2013 còn có thêm một thương hiệu nổi tiếng khác là Vicem Hà Tiên 1 (HT1).
“Năm 2013 công ty tiếp tục trả nợ cho các dự án đã đầu tư , nên lợi nhuận sẽ được dồn cho nhiệm vụ này”, đại diện HT1 cho biết.
Dù không được nhận cổ tức từ HT1, nhưng cổ đông của Công ty vẫn còn có lý do để “mơ” cổ tức trong vài năm tới, vì trong ngành xi măng, hiện tại, HT1 vẫn là doanh nghiệp có năng lực sản xuất lớn, có thị trường, khách hàng ổn định cả trong và ngoài nước.
Số liệu được công bố bởi HT1 cho thấy, từ 2010-2012, HT1 đã thực hiện trả nợ cho các dự án đầu tư trước đây với tổng giá trị trả nợ gốc lẫn lãi vay dài hạn 1.200 tỷ đồng so với tổng tài sản 13.314 tỷ đồng và vốn điều lệ 1.980
tỷ đồng.
Kết thúc năm 2012, sau khi hạch toán chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp, lợi nhuận sau thuế của HT1 vẫn đạt 9,2 tỷ đồng.
Theo căn cứ dự báo kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2013 và các chính sách đầu tư phát triển, Bộ Xây dựng tính toán nhu cầu xi măng năm 2013 khoảng 56-57 triệu tấn, tăng 4 - 5% so với năm 2012, trong đó tiêu thụ xi măng nội địa khoảng 48,5 - 49 triệu tấn, xuất khẩu 7,5 - 8 triệu tấn. Sức tiêu thụ thấp như vậy khiến cơ hội cho các doanh nghiệp xi măng ngày càng bị thu hẹp lại.
Đánh giá về triển vọng của ngành xi măng trong 2013 và những năm tới, ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho rằng, từ nay đến 2015, các doanh nghiệp xi măng còn rất vất vả, vì nhu cầu thị trường xuống thấp, giá bán khó tăng, trong khi gánh nặng chi phí tài chính lại lớn. Với thực tế như vậy, doanh nghiệp lấy đâu ra tiền chia cổ tức.
Hải Yến