Các doanh nghiệp đã đăng ký trên 1,2 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân từ nay tới năm 2030. Ảnh: Đ.T |
Doanh nghiệp than thủ tục quá rườm rà
Nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp là một trong những vấn đề quan trọng, thường xuyên được Chính phủ quan tâm, chỉ đạo. Dẫu vậy, trong khi phân khúc nhà ở trung, cao cấp có biểu hiện dư thừa, thì nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân lại đang thiếu trầm trọng.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội với khoảng 155.800 căn và đang tiếp tục triển khai 401 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 454.360 căn, tổng diện tích khoảng 22,7 triệu m2. Đến nay, diện tích nhà ở xã hội mới đạt 7,4 triệu m2, trong khi mục tiêu đề ra là 12,5 triệu m2 theo chiến lược phát triển nhà ở quốc gia.
Có nhiều nguyên nhân khiến nguồn cung nhà ở xã hội thiếu trầm trọng, trong đó thủ tục pháp lý rườm ra, kéo dài là vấn đề được nhiều doanh nghiệp nêu ra tại Hội nghị trực tuyến về thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp diễn ra ngày 1/8, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì.
Đặt mục tiêu đầu tư 500.000 căn nhà ở xã hội trong vòng 5 năm tới, ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Vinhomes cho rằng, việc triển khai nhà ở thu nhập thấp, nhà ở xã hội không mang lại lợi nhuận nhiều, nhưng có ý nghĩa xã hội to lớn. Tuy vậy, để thực hiện được, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, thì cũng rất cần sự đồng hành và hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.
Theo ông Hoa, hiện nay, thủ tục phê duyệt dự án nhà ở xã hội tối thiểu 600 ngày. Do đó, ông đề nghị, những bước nào có thể làm song song được thì nên thực hiện, như hồ sơ đấu thầu công khai, lựa chọn nhà đầu tư… Từ đó, thủ tục có thể rút ngắn, để các địa phương công bố các đề án, dự án nhà ở xã hội, các doanh nghiệp tham gia nộp hồ sơ.
Về quy hoạch, hiện tại, tất cả đề án có nhà ở xã hội liên quan đến các chỉ tiêu mới về diện tích nhà ở xã hội (25 - 70 m2). Vì vậy, ông Hoa cho rằng, tất cả đề án quy hoạch, quy hoạch chi tiết 1/500 sẽ phải điều chỉnh lại, vì sẽ tăng chỉ tiêu dân số, tăng cả tiện ích xã hội, tiện ích hạ tầng xã hội…
Do đó, ông đề nghị cho phép doanh nghiệp tài trợ hoặc tham gia điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 các dự án nhà ở xã hội song song với các địa phương để đẩy nhanh tiến độ; còn các chỉ tiêu, quy hoạch về dân số, hạ tầng do các cơ quan nhà nước phê duyệt.
Trong khi đó, ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group cho biết, theo quy định của Luật Nhà ở, đối tượng mua nhà ở xã hội gồm 10 đối tượng là cá nhân đã hạn chế nguồn cầu về nhà ở xã hội. Do vậy, đại diện Sun Group kiến nghị mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội đối với tổ chức (có thể là doanh nghiệp). Các tổ chức này mua nhà ở xã hội để cho cá nhân, người lao động có thu nhập thấp thuê mua, hoặc thuê dài hạn, hoặc bán cho người lao động của mình với giá ưu đãi.
Tương tự, Chủ tịch Tập đoàn Bitexco Vũ Quang Hội cũng băn khoăn về việc đối tượng được đưa ra ở Hội nghị chỉ ghi là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên, ở thời điểm này, nền kinh tế tri thức gắn với các khu công nghệ cao rất nhiều. Chính vì vậy, đối tượng được thuê mua nhà cần mở ra là trí thức, kỹ sư, chuyên gia kỹ thuật, chuyên gia cao cấp… Theo ông, nên mở rộng đối tượng để xây các khu nhà cao cấp hơn, để các chuyên gia có thể thuê dài hạn hoặc thuê - mua.
Vừa phát triển nhà ở xã hội, vừa phát triển nhà cho thuê
Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Luật Nhà ở và các văn bản hướng dẫn đã quy định cụ thể là phải dành quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội ngay từ giai đoạn lập, phê duyệt quy hoạch. Tuy nhiên, thực tế vừa qua, vấn đề này chưa thực sự được các địa phương quan tâm và chưa gắn được trách nhiệm của nhà đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp với phát triển nhà ở cho người lao động.
- Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Để giải quyết triệt để vấn đề nhà ở cho người lao động, nhà ở xã hội, theo bà Ngọc, trước mắt, cần rà soát, đánh giá, tổng kết việc thực hiện quy định dành 20% quỹ đất nhà ở trong khu thương mại, đô thị cho địa phương để có điều chỉnh cho phù hợp. “Cần rà soát ngay những dự án nào buộc phải thực hiện quy định dành 20% quỹ đất cho nhà ở xã hội, nhưng không triển khai hoặc triển khai chậm, cần có giải pháp quyết liệt để thu hồi, tạo quỹ đất, chuyển cho các nhà đầu tư khác thực hiện”, bà Ngọc kiến nghị.
Ở góc độ doanh nghiệp, dù sẵn sàng đăng ký tham gia chủ trương xây dựng 75.000 căn hộ nhà ở xã hội từ nay đến năm 2030, nhưng ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Him Lam cho rằng, nguồn lực lớn nhất để xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân hiện nay chính là nhà trọ, nhà cho thuê của người dân, như riêng TP.HCM có 700.000 phòng trọ cho công nhân.
Do vậy, ông Minh đề nghị Chính phủ nghiên cứu kỹ vấn đề này, vì đây là vấn đề rất lớn, song chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn. “Quan trọng nhất là phải xây dựng được tiêu chuẩn, quy chuẩn để huy động được nguồn lực của người dân. Đây mới là nguồn lực lớn, chứ nguồn lực của doanh nghiệp thì không đủ để đáp ứng nhu cầu”, ông Minh nói.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho hay, các doanh nghiệp đã đăng ký trên 1,2 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân từ nay tới năm 2030. Đây là tin vui, song Thủ tướng lưu ý, cần nói đi đôi với làm, không để người dân mất niềm tin. Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, xây dựng đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp trong giai đoạn từ nay tới năm 2030, hoàn thành ngay trong tháng 8 này.
Đánh giá lại những vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội thời gian qua, Thủ tướng cho rằng, hiện có những vướng mắc như cơ chế chính sách chưa đáp ứng thực tiễn, chưa được bổ sung kịp thời. Trong khi đó, trình tự, thủ tục chọn nhà đầu tư còn rườm rà, thực hiện các chính sách ưu đãi qua nhiều bước, thời gian kéo dài, gây cảm giác như bị cản trở…
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động, người thu nhập thấp. Theo Thủ tướng, phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp là trách nhiệm, nghĩa vụ, đạo đức của những người quản lý nhà nước, của xã hội, doanh nghiệp và người dân. Chính vậy, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải quan tâm, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội một cách lành mạnh, bền vững.
Song song với việc phát triển nhà ở, Thủ tướng nhấn mạnh, cần xây dựng và hoàn thiện quy định về phát triển các khu nhà trọ có sự can thiệp, quản lý của Nhà nước, đảm bảo quy chuẩn, điều kiện về không gian, vệ sinh, môi trường phù hợp, ngày càng văn minh cho người dân.