Chia sẻ về tương lai Internet 10-20 năm nữa, ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch VNG nói rằng "Dự đoán tương lai là điều vô cùng khó và chỉ có niềm tin và cố gắng làm hết sức để hiện thực hóa những gì tôi nghĩ".
Theo ông Minh, chắc chắn một điều, Internet nói riêng, công nghệ nói chung là một phần không thể tách rời của nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống kinh tế Việt Nam.
"Tương lai 10 năm tới Internet sẽ vượt xa tầm ảnh hưởng của nội dung số. Ngành nội dung hiện chiếm 1-2% GDP. Trong cơ cấu còn lại hy vọng 50% là dịch vụ thương mại, y tế, ngân hàng. Ngành nội dung hiện đang chiếm 1-2% GDP nhưng 10 năm tới, sự thay đổi internet sẽ ảnh hưởng tới 40-50% GDP nền kinh tế.
Nói đến nội dung số là nói đến Internet. Cho nên trận chiến nội dung số đã đánh xong rồi. Các trận chiến sắp tới là của các ngành mới. Cụ thể như Uber, Grab là những trận chiến rất nóng hổi", ông Minh nhận định.
Ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch VNG tại Toạ đàm “Internet: Nền tảng cho doanh nghiệp Việt hội nhập kinh tế số” |
Theo ông Minh, luôn có mâu thuẫn giữa Internet với các ngành kinh doanh truyền thống. Nhìn xa hơn, đó là quá trình thay đổi của mô hình kinh doanh. Vậy mình làm gì trong sự thay đổi liên tục này? Bản chất vấn đề là như vây, nếu cơ quan quản lý nhà nước không thay đổi thì chúng ta sẽ "cùng khổ".
Hiện các nước phát triển cũng chưa có giải pháp để kiểm soát Facebook, google, Amazon, Alibaba mà đang đi tìm cách. Nhưng đừng quá lo về các vấn đề đó. Vì Việt Nam có lợi là đi sau, thế giới có gì sẽ học hỏi thêm. Điều quan trọng nhất là tiếp tục tháo gỡ, bỏ nhiều rào cản cho doanh nghiệp nói chung và internet nói riêng. Càng nhiều rào cản thì càng phải làm", ông Minh chia sẻ.
"Chúng ta phải chấp nhận thực tế là hiện Internet Việt nam và thế giới không có ranh giới nào cả, trong tương lai cũng vậy. Sẽ chỉ còn khái niệm sân chơi Internet chung cho các doanh nghiệp. Chúng ta phải chấp nhận thực tế có cạnh tranh, sự tham gia của doanh nghiệp nước ngoài. Nhưng cơ hội cũng là rất lớn", ông Minh nói.
Hiện chúng ta có những động thái gần như bảo hộ ngược cho doanh nghiệp nước ngoài. Ví dụ có những gói cước tạo điều kiện cho Facebook,Youtube, đặt máy chủ miễn phí. Còn các doanh nghiệp như VNG, VCcorp khi đặt máy chủ trong nước thì lại phải thuê? Nên chăng, phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước để đạt được bình đẳng như doanh nghiệp nước ngoài », Bộ Trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn phát biểu tại Tọa đàm.
Còn ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc VCcorp thì cho rằng: "Nội dung số là lãnh địa quan trọng cuối cùng mà Internet việt nam còn giữ được". Về cơ bản chúng ta còn thị phần rất ít. Hiện nay còn duy nhất mảng rất mạnh là OTT của Zalo. Còn lại về cơ bản, đã rơi vào tay nước ngoài.
Theo ông Tân, hiện ngành nội dung số doanh nghiệp Việt đang giữ được khoảng 45-50% thị phần (95% thị phần mạng xã hội thuộc về Facebook, YouTube, 98% thị phần công cụ tìm kiếm thuộc về Google; Mảng thư điện tử thì 98% là của Gmail,Yahoo; 80% thị phần thương mại điện tử là của doanh nghiệp nước ngoài. Bao trùm lên đó là quảng cáo trực tuyến, thì hai mạng xã hội lớn nhất là Facebook và YouTube đã chiếm tới 80% với doanh thu 350-400 triệu USD/năm). Doanh thu nội dung số của chúng ta khoảng 1 tỷ usd/năm, cộng với những công ty mở ra nhiều thị trường như VNG, VTC, VCCorp.. chúng ta có hơn 600 triệu USD/năm. Ước lượng giá trị kinh tế thì cái này tương đương với 5-8 tỷ USD xuất khẩu của dệt may, vì nội dung số không phải nhập nguyên liệu và hầu hết đều do người Việt làm. Nếu nội dung số tiếp tục phát triển tăng trưởng 5-10 lần thì tương đương những ngành quan trọng nhất của Việt Nam.
"Theo quan sát của tôi, nội dung số sẽ là lãnh địa cuối cùng.Thế thì trận đánh này liệu chúng ta có cơ hội không? Theo tôi là có", ông Tân chia sẻ.
Theo ông Tân ước lượng, ngành nội dung số đang có khoảng 10.000 lao động làm việc và khoảng 10.000 người là cộng tác viên. Trong tương lai 10-20 năm nữa,Việt Nam sẽ có khoảng 500.000 đến 1 triệu nhân sự. Nội dung số là mảng cực kỳ quan trọng, doanh nghiệp Việt tương đối mạnh, có lợi thế địa phương mà không phải dễ dàng doanh nghiệp nước ngoài tiến vào được.
Các diễn giả thảo luận tại Toạ đàm “Internet: Nền tảng cho doanh nghiệp Việt hội nhập kinh tế số”. |
"Tuy đây là lãnh địa cuối cùng nhưng có cơ sở để doanh nghiệp Việt tham gia cuộc chơi. Nhìn xa hơn, DN các nước vào mình được thì cũng có nghĩa ngược lại, chúng ta có thể tiến vào thị trường của họ. Bài học dễ dàng nhìn từ Trung Quốc như Tencent, Alibaba. Alibaba có tham vọng thôn tính châu Á, châu Phi...cho chúng ta bài học và quyết tâm", ông Tân chia sẻ.
CEO của VCcorp cho rằng, trong mảng nội dung số , những doanh nghiệp xuyên biên giới không bị ràng buộc bởi nhiều chế tài, có tiềm lực tài chính và rất khó quản lý họ. Còn doanh nghiệp Việt thì còn vướng nhiều, nên quan trọng nhất là phải cân đối mục tiêu của nhà quản lý.
"Tại sao chúng ta không nghĩ đến phương án hình thành một 'đặc khu ảo'? Doanh nghiệp khi tham gia vào đó phải cam kết cụ thể, được áp cơ chế thông thoáng hơn", ông Tân nói.
Bàn về việc các DN Việt cần làm gì, phải làm gì, ông Lê Hồng Minh cho rằng, từ góc độ của doanh nghiệp mình, phải mạnh dạn bước ra ngoài, khai phá những thị trường mới. Trong khi đó, ông Lương Hoài Nam, đồng sáng lập Gotadi.com khẳng định, không gì khác là phải hợp tác, bắt tay, kết nối với nhau để phát triển và cạnh tranh. CEO VCCorp Nguyễn Thế Tân thì khẳng định, DN Việt phải sáng tạo liên tục, tạo ra sản phẩm mới, tốt, có giá trị để thu hút người dùng, đồng thời phải làm thật, làm trung thực để cơ quan quản lý đặt niềm tin.