Dây chuyền lắp ráp LED Rạng Đông. |
Huy động gần 2.700 tỷ đồng cho 3 dự án đột phá
Kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên cuối tháng 6 vừa qua của CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (cổ phiếu RAL, sàn HoSE) đã thông qua phương án phát hành tăng vốn theo đề xuất của Hội đồng Quản trị.
Cụ thể, Rạng Đông sẽ phát hành 11 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ thực hiện quyền 12,075:11 (cổ đông sở hữu 12,075 cổ phần được quyền mua thêm 11 cổ phần mới). Mục đích phát hành tăng vốn điều lệ là nhằm đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất các sản phẩm điện tử công nghệ cao tích hợp hệ sinh thái chiếu sáng LED xanh, thông minh tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, đồng thời nâng cấp và đầu tư mở rộng năng lực sản xuất của xưởng LED và xưởng phích.
Tại Đại hội vừa qua, Rạng Đông đã chốt giá chào bán là 93.000 đồng/cổ phần, tương đương giá trị sổ sách chốt ngày 31/12/2020. Nếu thành công, Rạng Đông sẽ thu về tối đa 1.023 tỷ đồng.
Rạng Đông dự kiến sử dụng 963,5 tỷ đồng trong tổng số tiền huy động được để tài trợ cho dự án xây dựng nhà máy mới tại Khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc 2 và 59,5 tỷ đồng cho xưởng LED. Ngoài ra, Công ty cũng huy động từ vốn chủ sở hữu 675 tỷ đồng, vay ngân hàng thêm 988 tỷ đồng để thực hiện các dự án trên.
Theo Ban lãnh đạo Rạng Đông, Công ty bước vào chu kỳ tăng trưởng theo cấp số nhân, chuyển đổi số là động lực tăng trưởng chủ yếu. Vì vậy, phải có chiến lược đầu tư mới phù hợp với chiến lược phát triển Công ty trong giai đoạn tới.
Chia sẻ tại Đại hội vừa qua, ông Nguyễn Đoàn Thăng, Chủ tịch HĐQT Rạng Đông cho biết, hiện có nhiều ngân hàng ngỏ ý muốn cho Rạng Đông vay vốn để xây nhà máy.
Báo cáo tài chính các năm qua của Rạng Đông cho thấy, Công ty có hoạt động kinh doanh hiệu quả, doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng tốt, tỷ lệ chia cổ tức duy trì đều đặn hàng năm khoảng 50%, cấu trúc tài chính ổn định. Đây là nguyên nhân giúp cổ phiếu RAL luôn duy trì là một trong những mã cổ phiếu có thị giá cao nhất thị trường.
Báo cáo tài chính quý I/2021 cho thấy, Công ty vay nợ dài hạn rất ít, chỉ hơn 800 triệu đồng. Vay nợ ngắn hạn của Rạng Đông đến ngày 31/3/2021 là 1.925 tỷ đồng, được Công ty sử dụng để bổ sung vốn lưu động và toàn bộ các khoản vay đều trong tình trạng có thể trả nợ.
Cổ đông lớn nhất đứng trước nguy cơ giảm quyền
Theo ông Nguyễn Đoàn Thăng, phương án phát hành với mức giá 93.000 đồng/cổ phần được Công ty đưa ra để hài hòa lợi ích giữa người lao động, cổ đông, cũng như đường hướng phát triển của Công ty. Với phương án cũ (mức giá tối thiểu 110.000 đồng/cổ phần và thậm chí cao hơn nhiều) sẽ khiến nhiều người lao động khó có cơ hội tham gia.
Tuy nhiên, dù là với mức giá nào thì cũng là bài toán khó với cổ đông lớn nhất hiện nay là Công đoàn CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, nếu tham gia đợt phát hành huy động vốn lần này.
Với tỷ lệ sở hữu 41% vốn điều lệ của Công ty, Công đoàn Rạng Đông cần bỏ ra 418,5 tỷ đồng để thực hiện quyền mua 4,5 triệu cổ phần nếu muốn duy trì tỷ lệ sở hữu.
Số tiền nói trên là con số không nhỏ và Công đoàn Rạng Đông sẽ không dễ thực hiện được. Khả năng huy động từ người lao động để mua cổ phần cũng là phương án khó khả thi bởi số tiền rất lớn.
Theo quy định tại khoản d, điểm 2, Điều 15, Luật Chứng khoán năm 2019, đối với đợt chào bán ra công chúng nhằm mục đích huy động phần vốn để thực hiện dự án của tổ chức phát hành, cổ phiếu được bán cho các nhà đầu tư phải đạt tối thiểu là 70% số cổ phiếu dự kiến chào bán.
Như vậy, nếu Công đoàn Rạng Đông không thể thu xếp tài chính, nhiều khả năng đợt phát hành tăng vốn của Rạng Đông sẽ bị hủy bỏ. Tuy nhiên, còn một khả năng khác là Công đoàn Rạng Đông sẽ chuyển nhượng quyền mua cho bên thứ 3, nhưng điều này đồng nghĩa với việc tỷ lệ sở hữu của Công đoàn tại Rạng Đông sẽ bị pha loãng.
Đặc biệt, nếu đợt phát hành diễn ra suôn sẻ mà Công đoàn Rạng Đông không gia tăng lượng cổ phần nắm giữ thì tỷ lệ sở hữu của Công đoàn Rạng Đông sẽ giảm xuống còn hơn 21%, đồng nghĩa với việc cổ đông này sẽ mất quyền phủ quyết. Ngược lại, nếu muốn giữ quyền phủ quyết, Công đoàn Rạng Đông sẽ phải thu xếp khoảng 317 tỷ đồng để giữ 36% cổ phần.
Tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông năm 2021, lãnh đạo Rạng Đông cũng hé lộ, quỹ PIF - CTCP Quản lý quỹ PVI đã có thư ngỏ, mong muốn đăng ký mua không thấp hơn 7,7 triệu cổ phần phát hành thêm của Công ty. Lượng cổ phần này tương đương 33,4% vốn của Rạng Đông sau phát hành.
Ngoài ra, nhóm cổ đông lớn khác cũng có thể quan tâm đến đợt phát hành của Rạng Đông là bà Lê Thị Kim Yến, Thành viên HĐQT Rạng Đông và em trai bà Yến là ông Lê Đình Hưng. Nhóm cổ đông này hiện nắm giữ hơn 23% cổ phần Rạng Đông và được biết đến là những người giữ vai trò quan trọng tại CTCP Gia Lộc Phát - đối tác ruột mang lại khoảng 30% tổng doanh thu cho Rạng Đông trong những năm qua.
Như vậy, việc có hay không tham gia, hay tham gia mua tỷ lệ bao nhiêu phần trăm của Công đoàn Rạng Đông sẽ mang tính quyết định đối với sự thành bại của đợt phát hành tăng vốn của Công ty, cũng như cơ cấu cổ đông sau phát hành.