Đưa thương hiệu gạo Việt Nam hội nhập và phát triển mạnh trên thị trường quốc tế
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Trần Thanh Nam, thực hiện Đề án, Bộ đã công bố quy trình canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp được các nhà khoa học và tổ chức quốc tế công nhận, hiện triển khai 5 điểm làm mô hình điểm về sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp, tập huấn cho người dân hiểu về quy trình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp; góp phần phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đưa thương hiệu gạo Việt Nam phát triển mạnh và hội nhập bền vững trên thị trường quốc tế.
Hiện Bộ NNPTNT đã chọn 5 tỉnh, thành vùng ĐBSCL thực hiện thí điểm Đề án, gồm: Đồng Tháp, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang và TP. Cần Thơ, đáp ứng 4 tiêu chí theo quy định mục IV, Điều 1 Quyết định số 1490/QĐ-TTg, ngày 27/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về: Tiêu chí về quy hoạch và cơ sở hạ tầng; Tiêu chí canh tác bền vững và tăng trưởng xanh; Tiêu chí về tổ chức sản xuất và Tiêu chí doanh nghiệp tham gia liên kết.
Cần tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ cho Dự án 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp |
Với mục tiêu chính: tổ chức thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao; hình thành các vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, góp phần phát triển bền vững ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.
Giám đốc Sở NNPTNT Đồng Tháp Nguyễn Văn Vũ Minh cho biết, là một trong năm tỉnh được Bộ NNPTNT chọn làm mô hình thí điểm khởi động đề án tại ĐBSCL, Đồng Tháp thực hiện mô hình mẫu tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi, sẽ đảm bảo nghiêm ngặt những tiêu chuẩn, tiêu chí của đề án về hạ tầng, quy trình canh tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ, giảm phát thải.
Theo kế hoạch, đến năm 2025, tỉnh Đồng Tháp sẽ triển khai đề án tại bảy huyện, thành phố trồng lúa của tỉnh gồm: Tân Hồng, Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình, Cao Lãnh, Tháp Mười và TP. Hồng Ngự, tổng diện tích gần 70.000 ha, đến năm 2030 có thêm huyện Lấp Vò, Phấn đấu đạt 161.000 ha lúa chất lượng cao.
Nông dân tham gia mô hình phải ghi chép nhật ký sản xuất, tham gia đầy đủ các buổi tập huấn, tuân thủ quy trình hướng dẫn và đặc biệt là không được đốt rơm rạ trên đồng ruộng. Được tập huấn kỹ thuật canh tác 3 lần mỗi vụ; hàng tuần, có cán bộ kỹ thuật cùng nông dân thăm đồng, kịp thời đưa ra những biện pháp xử lý sâu bệnh hại; hỗ trợ 50% chi phí vật tư như lúa giống, phân bón, chế phẩm phân hủy rơm rạ… đồng thời còn được hỗ trợ chi phí đánh giá phát thải khí nhà kính.
Đặc biệt, việc thực hiện các kỹ thuật canh tác mới đã giảm đáng kể lượng giống, lượng phân bón, số lần phun thuốc bảo vệ thực vật, nhưng lúa vẫn đạt năng suất cao. Từ đó, gia tăng lợi nhuận cho nông dân. Đồng thời, mô hình có sự áp dụng đồng bộ cơ giới hóa từ khâu làm đất, gieo sạ, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, thu gom rơm rạ từ đồng ruộng ra ngoài giúp tăng hiệu quả canh tác, giảm thất thoát và tận dụng được các phụ phẩm sau thu hoạch. Chính nhờ cơ giới hóa, những dấu chân vất vả của người nông dân ngày nào đã được thay thế bằng vệt xích của máy móc trên cánh đồng.
Ông Nguyễn Trường Giang - Giám đốc Sở NNPTNT Trà Vinh cho biết, Trà Vinh đã chọn 2 hợp tác xã nông nghiệp điển hình là Phước Hảo và Phát Tài, với tổng diện tích gần 100 ha tham gia thí điểm Đề án. Tỉnh hiện đang khẩn trương rà soát, chọn vùng sản xuất lúa có diện tích đủ tiêu chí tham gia thực hiện Đề án, đồng thời mở rộng diện tích sản xuất phấn đấu đến cuối năm 2025 sẽ có 10.550 ha đủ điều kiện và đến 2030, xác định cụ thể khu vực trọng tâm để tham gia thực hiện dự án đầu tư phát triển vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và giảm phát thải phấn đấu đến cuối năm 2030 có 30.736 héc-ta đạt tiêu chí theo quy định... góp phần lan tỏa tạo niềm tin khí thế mới cho ngành, thêm động lực tích cực phát triển ngành hàng lúa gạo và kinh tế địa phương.
Cơ hội đổi đời, vươn lên làm giàu cho hàng triệu nông dân vùng ĐBSCL
UBND tỉnh Trà Vinh vừa ban hành Kế hoạch số 54/KH-UBND ngày 7/6/2024 thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, phấn đấu đến năm 2025, Trà Vinh hình thành 10.550 ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp.
Trong đó, lượng lúa giống gieo sạ từ 80 - 100 kg/ha; giảm 20% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học và lượng nước tưới so với canh tác truyền thống, 100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết giữa doanh nghiệp với các tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc tổ chức của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; 50% diện tích được cơ giới hóa đồng bộ. Toàn tỉnh có trên 11.000 hộ áp dụng quy trình canh tác bền vững; 70% rơm tại các vùng chuyên canh được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng.
Nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, phát thải thấp vùng ĐBSCL |
Đến năm 2030, Trà Vinh sẽ có 30.736 ha canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp; trong đó, giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống dưới 70 kg/ha, giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống.
Theo Bộ NNPTNT, kế hoạch triển khai trong 2 giai đoạn (2024 - 2025 và 2026 - 2030), Đề án sẽ có trên 1 triệu người sẽ được tập huấn, nâng cao năng lực, bao gồm: cán bộ khuyến nông và khuyến nông cộng đồng; cán bộ quản lý, kỹ thuật của 620 hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác đăng ký tham gia đề án; nông dân được đào tạo quy trình canh tác sản xuất lúa bền vững, giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh... tổ chức 12 lớp tập huấn ToT (trang bị các kỹ năng, kiến thức về đổi mới sáng tạo).
Đặc biệt, hoàn thành tập huấn cho 2.000 cán bộ quản lý, kỹ thuật của 400 hợp tác xã nông nghiệp đã tham gia Dự án VnSAT (Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam). Nội dung tập huấn chủ yếu về quy trình canh tác giảm phát thải và phương pháp MRV (công cụ đánh giá các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính).
Mục tiêu của đề án là giảm 20% chi phí đầu vào sản xuất lúa của các hộ nông dân khoảng 9.500 tỷ đồng. Việc áp dụng các quy trình xử lý và tái chế phụ phẩm, xây dựng thương hiệu gạo phát thải thấp sẽ góp phần nâng cao giá trị toàn chuỗi lúa gạo trên 40%, trong đó tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa tăng 50%.
Sản xuất xanh, hiệu quả bền vững là con đường đưa đến thành công cho nông dân vùng ĐBSCL |
Ông Nguyễn Cao Khải, Giám đốc Hợp tác xã Thuận Tiến cho biết, hợp tác xã có 512 ha sản xuất lúa tham gia Đề án 1 triệu ha lúa. Từ 50 ha thí điểm áp dụng đầu tiên, kỳ vọng sẽ thành công. Từ đó, thành viên hợp tác xã sẽ nhân rộng ra 100% diện tích và các địa phương khác cũng sẽ thực hiện để lan tỏa ra khắp các cánh đồng 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp, nhằm giúp các thành viên trong đơn vị nâng cao nhận thức và tăng hiệu quả canh tác lúa giúp cải thiện cuộc sống tốt hơn.
Phó giám đốc Sở NNPTNT TP. Cần Thơ Trần Thái Nghiêm kỳ vọng: Mô hình sẽ triển khai thành công, đáp ứng được mục tiêu sản xuất lúa giảm phát thải thấp, giảm chi phí và tăng thu nhập cho người dân, cũng chính là lợi nhuận và hiệu quả cho bà con. Từ mô hình mẫu này, ngành nông nghiệp Cần Thơ sẽ đúc kết kinh nghiệm thực tiễn sản xuất để có chỉ đạo nhân rộng thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa trên địa bàn TP. Cần Thơ.
Có thể nói, Đề án được Việt Nam triển khai là mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, giảm phát thải thấp đầu tiên trên thế giới nên được nhiều tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đã tham gia, đồng hành cùng Đề án 1 triệu ha lúa: Ngân hàng Thế giới, Viện Nghiên cứu lúa quốc tế và các tổ chức quốc tế có uy tín, không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho gần 1,5 triệu người nông dân, mà còn góp phần khẳng định Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm trong bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu và giảm phát thải khí nhà kính. Từ thí điểm thành công, mô hình này tại ĐBSCL sẽ được mở rộng ra toàn quốc, hướng tới mục tiêu đưa "Phát triển xanh, giảm phát thải, chất lượng cao" trở thành thương hiệu của lúa gạo Việt Nam vươn mạnh ra thị trường thế giới.
Bà Joanna Kane Potaka - Phó tổng giám đốc IRRI kỳ vọng qua mô hình điểm này, nông dân vùng ĐBSCL có thể học hỏi được nhiều điều từ các chuyên gia, các đối tác triển khai thực hiện, từ kỹ thuật canh tác lúa giảm phát thải. Đồng thời, chính từ mô hình điểm này, IRRI và các chuyên gia của bà sẽ học hỏi nhiều kinh nghiệm từ nông dân, doanh nghiệp và các đối tác, để IRRI có thể đóng góp thiết thực hơn vào thành công Đề án 1 triệu ha lúa của Việt Nam.
Bộ NNPTNT ước tính tổng nguồn vốn thực hiện Đề án khoảng 800 triệu USD từ các nguồn vốn: ngân sách; tín dụng, nguồn xã hội hoá; các nguồn vốn tài trợ không hoàn lại, vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức và các nguồn hợp pháp khác, trong đó nguồn vốn chính là từ nguồn viện trợ không hoàn lại, vốn vay, vốn tín dụng và nguồn thu từ tín chỉ carbon…
Đề án được xem là sự thay đổi to lớn đối với ngành lúa gạo, nhất là tại ĐBSCL. Việc phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh, giảm phát thải vùng ĐBSCL có ý nghĩa trong việc hình thành vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn ổn định lâu dài, đảm bảo chất lượng, quy trình sản xuất hiện đại, đồng bộ, đáp ứng mục tiêu nâng cao giá trị chuỗi sản xuất lúa gạo, cải thiện thu nhập cho nông dân, đảm bảo an ninh lương thực và phục vụ chế biến, xuất khẩu gạo đạt hiệu quả cao; giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, cần có những nỗ lực rất lớn, không chỉ từ phía Chính phủ mà cả khối tư nhân, doanh nghiệp, người sản xuất trực tiếp cùng tham gia. Trong đó, một trong những giải pháp then chốt được ưu tiên thực hiện là đẩy mạnh thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) để sớm mang lợi hiệu quả kinh tế - xã hội bền vững cho vựa lúa ĐBSCL và cả nước.