Đầu tư Phát triển bền vững
Cơ hội mới cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi
Anh Quí - 30/08/2023 17:50
Sau hơn 4 năm triển khai, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) có sức lan tỏa rất lớn, giúp nâng giá trị sản phẩm cho người sản xuất vùng nông thôn, đặc biệt vùng là đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Tính đến cuối năm 2022, cả nước có 8.689 sản phẩm OCOP của 4.479 chủ thể là hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh và tổ hợp tác. Để đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP giai đoạn 2021- 2025, ngày 1/8/2022 Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 919/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, kế thừa bộ tiêu chí Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP giai đoạn 2018 - 2022, bộ tiêu chí Chương trình sản phẩm OCOP giai đoạn 2021- 2025 được Chính phủ ban hành tháng 2/2023 đã điều chỉnh, bổ sung một số nội dung nhằm phù hợp với yêu cầu thực tiễn và mục tiêu phát triển của Chương trình trong giai đoạn mới.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP giúp nâng cao giá trị sản phẩm cho người sản xuất.

Ông Nguyễn Hữu Dực, Phó chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Nhờ có chính sách này, phần nào đã tác động và thúc đẩy bà con các cơ sở đầu tư lớn để đảm bảo chuẩn hóa quy trình sản xuất, do đó các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh đã có được những cơ sở rất sạch sẽ, ngăn nắp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt các tiêu chí tiêu chuẩn như là VietGAP, GlobalGAP…”

Theo đó, bộ tiêu chí Chương trình OCOP 2021 - 2025 có một số điểm mới, cụ thể trong danh mục phân loại sản phẩm tham gia Chương trình OCOP bổ sung thêm bộ sản phẩm về sinh vật cảnh (hoa, cây cảnh, động vật cảnh), các bộ sản phẩm thủ công mỹ nghệ và vải may mặc được gộp thành bộ sản phẩm chung trong bộ sản phẩm dược liệu và sản phẩm từ dược liệu.

Về tiêu chí đánh giá sản phẩm OCOP có sự điều chỉnh về thang điểm. Điểm tối đa của Phần A - Sản phẩm và sức mạnh của cộng đồng được nâng từ 35 điểm lên 40 điểm. Điểm tối đa của Phần C - Chất lượng sản phẩm được giảm từ 40 điểm xuống 35 điểm.

Ngoài ra, nội dung của các tiêu chí đánh giá sản phẩm OCOP đã được sửa đổi, bổ sung cụ thể hơn nhằm giúp các thành viên hội đồng OCOP các cấp đánh giá, chấm điểm một cách khách quan nhất về chất lượng, giá trị và quy mô của sản phẩm, như nguồn gốc sản phẩm, nguồn gốc ý tưởng sản phẩm, đóng gói và bao bì sản phẩm, đại diện pháp luật của chủ thể là nữ thuộc đồng bào dân tộc thiểu số.

Đồng thời bổ sung một số tiêu chí mới nhằm nâng cao chất lượng, giá trị và khai thác các giá trị văn hóa của sản phẩm của Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, khuyến khích sự tham gia của phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số, như: Sở hữu trí tuệ, tài liệu hướng dẫn sử dụng sản phẩm; điểm khuyến khích cho chủ thể là nữ thuộc đồng bào dân tộc thiểu số,… 

Về trình tự, quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, các sản phẩm sẽ bắt đầu được đánh giá từ UBND cấp xã, thay vì bắt đầu được đánh giá từ UBND cấp huyện như trước đây. Đối với sản phẩm OCOP đạt 3 sao, sẽ do UBND cấp huyện công nhận và cấp Giấy chứng nhận, còn sản phẩm OCOP đạt 4 sao, sẽ do UBND cấp tỉnh công nhận và cấp Giấy chứng nhận (trước đây, UBND cấp tỉnh công nhận và cấp Giấy chứng nhận cho sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 4 sao). Đối với sản phẩm OCOP đạt 5 sao vẫn sẽ do Trung ương đánh giá và công nhận.

Bộ tiêu chí mới mỗi xã một sản phẩm cùng với chính sách hỗ trợ cụ thể, sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, ngành, sự vào cuộc hưởng ứng tích cực của người dân vùng nông thôn, vùng là đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, tổ chức kinh tế, xã hội... 

Cùng với đó, các loại hình sản xuất tiên tiến từng bước được hình thành, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn theo hướng hiệu quả hơn, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, miền núi theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề, tạo việc làm và tăng thu nhập, nâng cao mức sống cho dân cư miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo đánh giá, Bộ tiêu chí mỗi xã một sản phẩm mới nhấn mạnh đến “sức mạnh của cộng đồng” trong sản phẩm - một thế mạnh của đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã tạo ra cơ hội để các địa phương có các xã, huyện vùng sâu, vùng xa có thêm điều kiện căn bản để xúc tiến thương mại các sản phẩm của mình, thông qua đó, xúc tiến du lịch, tạo ra hình ảnh địa phương, quê hương mình gần gũi và thân thương. 

Đồng thời giúp nông dân liên kết, xây dựng hợp tác để sản xuất ra sản phẩm OCOP; góp phần tạo việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế của hộ gia đình nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tiếp sức tích cực cho phong trào xây dựng nông thôn mới.

Tin liên quan
Tin khác