Tiêu dùng
Cơ hội “nâng hạng” cho doanh nghiệp ở thị trường cao cấp
Anh Hoa - 02/04/2023 11:41
Doanh nghiệp muốn xuất khẩu được thì phải tích cực tham gia triển lãm tại thị trường nước ngoài để quảng bá sản phẩm với các nhà mua hàng và người tiêu dùng.
Các doanh nghiệp cần tích cực tham gia hội chợ, triển lãm để quảng bá sản phẩm, thâm nhập thị trường nước ngoài

Chuyến “xuất quân” ấn tượng

Trở về Việt Nam sau hơn 1 tuần tham gia Natural Product Expo West - triển lãm thực phẩm lớn nhất tại Mỹ, ông Nguyễn Trung Dũng, nhà sáng lập thương hiệu gia vị đặc sản vùng miền Dh Foods có những chia sẻ về chuyến đi đầu tiên trong năm nay.

“Chúng tôi đi tìm đầu ra cho sản phẩm ở những thị trường cao cấp và thấy rất ổn. Nhiều đối tác quan tâm, nhất là các nhà nhập khẩu và cung cấp cho các hệ thống siêu thị như Cosco, Hmart, 99 Runch, họ cũng là nhà cung cấp cho hệ thống Cosco, các siêu thị Việt, Hoa… Doanh nghiệp muốn xuất khẩu được phải tham gia các triển lãm tại chỗ. Ký được hợp đồng với đối tác là thành công rồi”, ông Dũng nói.

Tuy nhiên, điều ông Dũng đáng tiếc nhất lại là chỉ có 5 doanh nghiệp Việt Nam tham gia triển lãm về thực phẩm lớn nhất nước Mỹ này.

Nhận định về thị trường Mỹ, ông Dũng cho rằng, với 300 triệu dân, trong đó có 30 triệu người gốc Á (trong số này lại có 3 triệu người gốc Việt), rất xứng đáng để các nhà sản xuất thực phẩm Việt Nam quan tâm.

Tham gia triển lãm thì các chủ doanh nghiệp nên có mặt trực tiếp tại gian hàng, bởi khách hàng đòi phải có câu trả lời nhanh các câu hỏi họ quan tâm.

Còn với thị trường Nhật Bản, cơ hội cho nông, thủy sản, thực phẩm Việt Nam ngày càng rộng hơn. Hội chợ quốc tế Thực phẩm và Đồ uống Nhật Bản (Foodex Japan 2023) lần thứ 48 mới diễn ra được những người trong ngành coi là “cửa ngõ” để khai thác xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản cũng như các quốc gia châu Á.

Năm 2022, Foodex Japan quy tụ gần 1.500 đơn vị đến từ 44 quốc gia và vùng lãnh thổ (77% doanh nghiệp đến từ các nước bên ngoài Nhật Bản), thu hút gần 33.800 khách tham quan đến từ 98 quốc gia trên thế giới (trong đó gần 11.000 khách quốc tế), đa số là các nhà bán buôn, bán lẻ, dịch vụ thực phẩm, sản xuất.

Năm ngoái, tại khu gian hàng quốc gia Việt Nam chỉ có 5 doanh nghiệp, trưng bày 10 gian hàng. Nhưng tại Foodex Japan năm nay, có tới 39 doanh nghiệp Việt Nam tham dự với nhiều tên tuổi lớn trong ngành nông nghiệp, thực phẩm như: PAN Group, Vinamilk, Masan Consumer... Các mặt hàng Việt tham gia hội chợ đã trải rộng hơn, bao gồm hàng nông sản; rau củ và hoa quả tươi, chế biến, đóng hộp; các sản phẩm thủy, hải sản chế biến; thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm từ ngũ cốc; các loại đồ uống có cồn và không cồn; bánh kẹo.

Theo thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, cùng với sự đổi mới trong thị hiếu tiêu dùng, người dân Nhật Bản ngày càng quan tâm đến các sản phẩm chất lượng cao được nhập khẩu từ nước ngoài. Các sản phẩm nông, thủy sản - thực phẩm của Việt Nam đang ngày càng phổ biến với đa dạng chủng loại trên các kệ hàng của các chuỗi siêu thị lớn tại Nhật Bản.

Dù Việt Nam luôn thuộc top các quốc gia xuất khẩu nông sản trên toàn cầu, nhưng trong ấn tượng của nhiều khách quốc tế, sản phẩm từ Việt Nam vẫn chỉ là “nông sản thô”.

Bà Nguyễn Thị Trà My, Tổng giám đốc Tập đoàn PAN cho rằng, trước đây, thế giới nhìn nhận Việt Nam là quốc gia có sản lượng nông sản lớn, nhưng không được đánh giá cao về chất lượng. PAN muốn chứng minh rằng, nông sản, thực phẩm được chế biến sâu, mang thương hiệu Việt có thể tự tin về chất lượng.

Ông Shin Yamanaga, Tổng giám đốc Công ty Vietlink LLC, có kinh nghiệm làm việc với nhiều nhà cung cấp từ Việt Nam trong gần 15 năm nay nhận xét, sản phẩm từ Việt Nam đáp ứng rất tốt yêu cầu tại thị trường Nhật.

Đón đầu sức mua từ thị trường lớn

Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), xuất khẩu của các ngành hàng trong năm nay khó khăn do sức mua toàn cầu giảm mạnh. Số đơn hàng giảm trên 60%, chỉ bằng 1/3 so với những năm trước. Các doanh nghiệp chỉ nhận được đơn hàng 6 tháng đầu năm và hiếm có đơn hàng lớn.

Song, nhiều dự báo cho rằng, năm 2023 kinh tế thế giới sẽ không rơi vào suy thoái nặng nề. Một số nền kinh tế lớn sẽ hạ cánh mềm. Những tháng cuối năm 2023, kinh tế thế giới sẽ đi vào hồi phục và đạt mức tăng trưởng khả quan. Khi đó sức mua, thương mại quốc tế sẽ sôi động hơn. Để đón đầu, theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, doanh nghiệp cần theo dõi chặt chẽ những diễn biến mới trên thế giới thông qua các tham tán, thương vụ.

Ở góc độ tiếp thị, tìm kiếm thị trường qua các hội chợ, theo đại diện Dh Foods, doanh nghiệp có nhu cầu cần chọn triển lãm phù hợp với ngành của mình. Đối với thực phẩm, lớn nhất là Natural Product Expo West tại Anaheim Convention Center, California (ngay trong trung tâm của Disney Land).

Ông Nguyễn Trung Dũng lưu ý, hàng mang đi triển lãm nên chuẩn bị nhiều để tặng cho khách hàng dùng thử. Cần chuẩn bị các sản phẩm phù hợp với thị hiếu của nhóm khách hàng tiềm năng mà bạn nhắm tới tại Mỹ (nhóm Việt Nam, nhóm châu Á, nhóm bản địa).

Quan trọng hơn, nếu tham gia thì các chủ doanh nghiệp nên có mặt trực tiếp tại gian hàng, bởi khách hàng khi gặp doanh nghiệp ở triển lãm, họ đòi phải có câu trả lời nhanh các câu hỏi họ quan tâm, chứ không phải yêu cầu gửi email rồi doanh nghiệp phản hồi sau.

Theo ông Dũng, muốn xuất khẩu được sản phẩm vào những thị trường cao cấp, khó tính, doanh nghiệp phải kiên trì. Thời gian đầu, khi mới có mặt trên thị trường, Dh Foods tham gia triển lãm FoodExpo ở Việt Nam, gặp khách Nhật phải 2 năm mới chốt được đơn đầu tiên. Trong khi với khách Hà Lan sau 1 năm mới chốt được đơn đầu tiên. Thời điểm này, Dh Foods có thể chốt đơn nhanh hơn vì đã có thương hiệu và nhiều sản phẩm để khách hàng lựa chọn hơn.

“Hiện trong các chuỗi siêu thị ở Mỹ chưa có nhiều gia vị Việt, là cơ hội để các doanh nghiệp lấp vào khoảng trống này. Tôi kỳ vọng năm 2024 sẽ có nhiều nhà sản xuất thực phẩm Việt Nam tham gia triển lãm Natural Product Expo West hơn”, ông Nguyễn Trung Dũng nói. 

Tin liên quan
Tin khác