Quy tắc xuất xứ hàng hóa linh hoạt với sản phẩm nhựa xuất khẩu sang EU khiến các doanh nghiệp thở phào. |
Tiêu chí xuất xứ linh hoạt hơn so với dệt may, thủy sản
Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa của nước ta đạt 3,44 tỷ USD, tăng 12,9% so với năm 2018. Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu nhựa liên tục tăng mạnh những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng trung bình 14-15%/năm. Điều đáng mừng là, xuất khẩu tăng ở phần lớn các thị trường, trong đó tăng mạnh nhất ở Hồng Kông (Trung Quốc) tăng 63,3%, Thụy Sỹ tăng 131,3%, Ấn Độ tăng 47,6%, Hoa Kỳ tăng 39,3%, EU trên 10%...
Trong 28 thị trường thuộc Liên minh châu Âu (EU), một số thị trường có mức chi lớn để nhập khẩu các sản phẩm nhựa từ Việt Nam như Hà Lan 137 triệu USD, Đức 135,4 triệu USD, Anh 111 triệu USD, Pháp 53 triệu USD, Ba Lan 35 triệu USD… Điều này cho thấy, cơ hội để xuất khẩu nhựa và các sản phẩm nhựa sang thị trường EU là khả quan, nếu các doanh nghiệp chuẩn bị tốt những yêu cầu đặt ra trong EVFTA.
Ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho biết, khác với nhóm hàng dệt may, thủy sản…, EVFTA quy định về tiêu chí xuất xứ khá linh hoạt đối với nhựa và sản phẩm nhựa. Theo đó, cho phép sử dụng tối đa 50% nguyên liệu không có xuất xứ trong quá trình sản xuất hoặc tiêu chí xuất xứ là chuyển đổi mã số hàng hóa ở cấp độ 4 số, trong đó cho phép được sử dụng tối đa 20% nguyên liệu không xuất xứ cùng nhóm (4 số) với sản phẩm.
Quy tắc chuyển đổi mã hàng hóa quy định trong EVFTA là chuyển đổi mã HS ở cấp độ 4 số (quy tắc CTH) của sản phẩm cuối cùng so với mã số HS của nguyên vật liệu đầu vào. “Sự linh hoạt về tiêu chí xuất xứ này cho phép các doanh nghiệp ngành nhựa có thể sử dụng các nguyên liệu đầu vào dễ thở hơn, nhằm hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu”, ông Khanh nói.
Quy tắc xuất xứ hàng hóa linh hoạt với sản phẩm nhựa xuất khẩu sang EU khiến các doanh nghiệp thở phào, bởi xét về góc độ cạnh tranh, các doanh nghiệp nhựa Việt Nam hiện vẫn bị động do nguyên liệu sản xuất trong nước chỉ mới đáp ứng khoảng 15 - 35% nhu cầu cho các chủng loại nguyên liệu nhựa khác nhau, 85% còn lại đang phụ thuộc vào nhập khẩu. Ngành nhựa hiện có hơn 2.000 doanh nghiệp, trong đó 84% tại TP.HCM.
Doanh nghiệp hưởng lợi kép về giá và ưu đãi thuế
Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), số liệu xuất khẩu tăng trưởng ổn định của ngành nhựa những năm gần đây cho thấy, nhu cầu nhập khẩu sản phẩm nhựa tại thị trường EU, Nhật Bản vẫn ở mức cao, ngày càng ưa thích sản phẩm nhựa Việt Nam, nhất là sản phẩm ống nhựa và túi nhựa. Đây cũng là thị trường truyền thống, doanh nghiệp có khả năng thâm nhập tốt.
Đặc biệt, tại thị trường EU, sản phẩm nhựa của Việt Nam không bị áp thuế chống bán phá giá từ 8-30% như của các nước khác. Doanh nghiệp sản xuất bao bì nhựa tăng cường mở rộng thị phần xuất khẩu sang thị trường châu Âu thời gian qua một phần nhờ được hưởng lợi kép về giá và ưu đãi mức thuế nhập khẩu..
Những năm qua, ngành nhựa đã chú trọng phát triển xuất khẩu cả chiều rộng và chiều sâu. Nguyên liệu chất dẻo là mặt hàng hàm lượng kỹ thuật cao có giá trị xuất khẩu cao hơn so với xuất khẩu sản phẩm nhựa thuần túy.
Tập đoàn An Phát Holdings là một trong những doanh nghiệp lớn trong ngành nhựa có mức đầu tư mạnh tay trong những năm gần đây để mở rộng sản xuất, với đích ngắm là xuất khẩu sản phẩm bao bì nhựa tự tiêu hủy sang các thị trường đặc biệt khó tính như châu Âu, Nhật Bản, Mỹ…
Ông Phạm Ánh Dương, Chủ tịch An Phát Holdings cho biết, bao bì nhựa là mảng kinh doanh đầu tiên và cốt lõi của Tập đoàn từ nhiều năm nay, với các sản phẩm bao bì mỏng chủ đạo gồm túi không quai, túi có quai, túi zipper, túi đựng thực phẩm… Tập đoàn đã huy động vốn cho dự án sản xuất nguyên liệu nhựa sinh học, dự kiến xây dựng vào năm 2021, với mục tiêu làm chủ nguồn nguyên liệu, giảm giá thành sản phẩm.