Việt Nam cần tiếp tục cải cách thể chế, hoàn thiện hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... để đón nhận nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Ảnh: Đức Thanh |
“Cơ hội vàng”
Không còn nghi ngờ gì về việc đang có một làn sóng đầu tư nước ngoài dịch chuyển khỏi Trung Quốc đổ vào khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, khi phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp vào cuối tuần qua, cũng đã cho rằng, hiện nay, uy tín và vị thế của Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế đánh giá cao qua những thành công đạt được từ công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19 vừa qua. Và đây chính là “cơ hội vàng” để thế giới biết tới Việt Nam, với lợi thế đặc biệt về “sự tin cậy chiến lược”, là điểm đến đến đầu tư an toàn và sẵn sàng đón nhận các dòng vốn chuyển dịch tới Việt Nam.
Trên thực tế, xu hướng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam đã bắt đầu mạnh hơn từ năm ngoái, sau khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc ngày càng diễn biến phức tạp. Đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh hơn xu hướng này. Không chỉ chính quyền Tổng thống Donald Trump, mà còn nhiều nước châu Âu, cả Nhật Bản cũng đã kêu gọi và tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ các công ty của mình chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc nhằm giảm sự phụ thuộc vào nền kinh tế này.
Có thể, vì lẽ đó, nên thông tin cho biết, lần đầu tiên, Apple đang đẩy mạnh việc sản xuất tai nghe không dây AirPods tại Việt Nam, con số có thể lên tới hàng triệu sản phẩm. Và không chỉ là tai nghe, còn nhiều loại linh kiện quan trọng khác cũng dự kiến được sản xuất tại Việt Nam, giúp Apple không còn phải phụ thuộc quá lớn vào các nhà cung ứng từ thị trường Trung Quốc. Gần đây, Apple Việt Nam đã thông báo tuyển dụng nhiều nhân sự kỹ thuật quan trọng và động thái này được cho là để thực hiện tốt hơn việc giám sát sản xuất các linh kiện này tại Việt Nam.
Cả Microsoft, Samsung, LG và nhiều tập đoàn lớn, nhỏ khác cũng đang dồn sức đầu tư ở thị trường Việt Nam.
“Tốc độ phản ứng nhanh chóng và xử lý hiệu quả Covid-19 của Chính phủ chắc chắn sẽ nâng Việt Nam lên một tầm cao mới và chúng tôi kỳ vọng sẽ thấy khối lượng đầu tư tăng lên”, ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam cũng đã nói như vậy.
Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, đại diện các doanh nghiệp châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… tại Việt Nam đều đã khẳng định mối quan tâm của họ tới điểm đến đầu tư Việt Nam.
4 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tuy có xu hướng sụt giảm, song theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, Việt Nam vẫn là thị trường “may mắn”, khi là một trong số ít nước trên toàn cầu vẫn ghi nhận dòng đầu tư tích cực. “Nếu Việt Nam sớm kiểm soát được dịch bệnh và triển vọng kinh tế vĩ mô tích cực trở lại từ quý III, thì có thể hưởng lợi do có sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nói.
Và hành động của Việt Nam
Khẳng định rằng, cơ hội đón sóng đầu tư dịch chuyển từ Trung Quốc là có thật, song GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, đón được hay không là phụ thuộc vào chính Việt Nam.
Thực tế, cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng trở nên gay gắt. Để “đón sóng” đầu tư nước ngoài dịch chuyển từ Trung Quốc, các “đối thủ” của Việt Nam đã có những động thái rất quyết liệt. Ngay như Ấn Độ, chỉ trong tháng 4/2020, Chính phủ nước này đã chủ động tiếp cận hơn 1.000 công ty Mỹ và đưa ra những ưu đãi đặc biệt cho các doanh nghiệp đang cân nhắc chuyển khỏi Trung Quốc. Thậm chí, Chính phủ Ấn Độ còn đang chuẩn bị một quỹ đất có diện tích lớn gấp đôi công quốc Luxembourg nhằm chuẩn bị cho làn sóng dịch chuyển của các nhà máy từ Trung Quốc.
Năm ngoái, khi làn sóng dịch chuyển khỏi Trung Quốc bắt đầu, Thái Lan đã công bố gói “tái định cư” cho các nhà sản xuất đang tìm cách rời khỏi Trung Quốc, với hàng loạt chính sách ưu đãi lớn. Ngay cả Trung Quốc cũng đã ban hành Luật Đầu tư mới để giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài.
Còn Việt Nam, theo thông tin từ ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đang tập hợp nghiên cứu những làn sóng đầu tư từ các nước trên thế giới, không chỉ Trung Quốc, để đón đầu. Việt Nam cũng đang sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, triển khai các chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-TW nhằm thu hút đầu tư nước ngoài trong tình hình mới.
Song, một cách thẳng thắn, GS-TSKH. Nguyễn Mại cho rằng, cần hành động nhanh chóng hơn nữa. Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, VAFIE cũng đã gửi một bản đề xuất gồm 4 điểm quan trọng để Việt Nam có thể đón đầu sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Theo đó, điều quan trọng nhất, là các khu kinh tế, khu công nghiệp phải chuẩn bị sẵn đất đai, hạ tầng, thông tin về giá thuê đất, cung ứng điện nước, nguồn nhân lực cho các nhà đầu tư dịch chuyển nhà máy sang Việt Nam.
“Đã gọi là dịch chuyển, thì không nên coi là ‘nhập khẩu trang thiết bị cũ’, do đó không cần thẩm định. Song khi bắt đầu vận hành, cần kiểm tra để đảm bảo các yêu cầu về công nghệ, môi trường, an toàn lao động”, GS-TSKH. Nguyễn Mại đã nói như vậy với phóng viên Báo Đầu tư và cho biết, đây là đề xuất thứ hai, rất quan trọng.
Thứ ba, công khai, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục cấp phép để đảm bảo rút ngắn thời gian thẩm định và cấp giấy chứng nhận đầu tư; và thứ tư, phải hỗ trợ nhà đầu tư triển khai nhanh dự án bằng cơ chế một cửa.
“Trong bối cảnh mới, Chính phủ nên coi trọng hình thức đầu tư xí nghiệp chế xuất, bởi khi lựa chọn xây dựng nhà máy ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, khả năng cao là các nhà đầu tư nước ngoài sẽ lựa chọn mô hình doanh nghiệp chế xuất, tại các địa phương có thuận lợi về giao thông, cơ sở vật chất và nguồn nhân công”, GS-TSKH. Nguyễn Mại nói.
Liên quan vấn đề này, một số chuyên gia cũng bày tỏ băn khoăn về khả năng hấp thụ vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, khi mà hạ tầng, kể cả là năng lượng, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, chưa kể, còn câu chuyện thiếu minh bạch, “tiền hậu bất nhất” trong chính sách. Đây là những điều cũng cần phải tiếp tục cải cách để Việt Nam có thể thực sự đón nhận được cơ hội vàng trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, để đón đầu được dòng vốn đầu tư dịch chuyển từ Trung Quốc, Việt Nam phải chủ động đến tận “đại bản doanh” của các nhà đầu tư nước ngoài để xúc tiến đầu tư.
“Không nên thụ động chờ họ đến với mình. Đồng thời, phát triển công nghiệp phụ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa để kết nối thành chuỗi cung ứng với doanh nghiệp nước ngoài”, ông Vũ Tiến Lộc nói.