Y tế - Sức khỏe
Có khan hiếm vắc-xin tiêm chủng mở rộng?
D.Ngân - 19/06/2022 18:54
Tại TP.HCM xuất hiện thông tin về việc nhiều loại vắc-xin nằm trong chương trình tiêm chủng đang khan hiếm ngay cả với cơ sở dự phòng lớn.

Theo ghi nhận, tại TP.HCM xuất hiện thông tin về việc nhiều loại vắc-xin đang khan hiếm, hết hàng tại một số đơn vị y tế dự phòng lớn, thậm chí, nhiều nơi không còn nhiều vắc-xin cấp bách như vắc-xin dại, vắc-xin uốn ván, vắc-xin thương hàn… khiến người bệnh hoang mang lo lắng.

Sự thiếu hụt vắc-xin ở một số cơ sở y tế thuộc loại vắc-xin dịch vụ, không nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng của nhà nước

Theo ghi nhận, sự thiếu hụt vắc-xin ở một số cơ sở y tế thuộc loại vắc-xin dịch vụ, không nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng của nhà nước. 

Trong khi đó, dịch vụ tiêm chủng của các đơn vị y tế công lập không phải là nhiệm vụ chính và được mua theo cơ chế đấu thầu hàng năm, chính vì thế có thể xảy ra tình trạng thiếu vắc-xin do chưa kịp thời đấu thầu như thường lệ.

Tuy nhiên, tại hệ thống tiêm chủng VNVC là hệ thống trung tâm tiêm chủng hoạt động độc lập, nên chủ động về cung ứng vắc-xin, do đó có được nguồn vắc-xin lớn, ổn định.

Đại diện VNVC cho biết, đơn vị này luôn đặt mua số lượng lớn vắc-xin trước nhiều năm nên có thể cung ứng đầy đủ vắc-xin cho trẻ em và người lớn với giá bình ổn, dù nhiều nơi đang thiếu hụt vắc-xin.

Riêng đối với vắc-xin cúm mùa, do virus cúm thay đổi cấu trúc kháng nguyên theo chu kỳ hàng năm, nên các nhà sản xuất luôn nghiên cứu, cập nhật công dụng vắc-xin có thể chống lại chủng virus cúm trong mùa sắp tới, chính vì vậy luôn có giai đoạn giao thoa “thiếu tạm thời” giữa mùa cũ và mùa mới của từng loại vắc-xin. 

“Tại VNVC có nhiều loại vắc-xin cúm có hiệu quả tương đương để người dân lựa chọn sử dụng ngay hoặc dời lịch để chờ được tiêm vắc-xin cúm mùa mới nhất của loại vắc-xin đó”, đại diện VNVC cho hay.

Liên quan đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, theo đại diện Bộ Y tế, nguyên nhân là do một số địa phương giao cho các đơn vị chủ động tự đấu thầu, thay vì đấu thầu tập trung như trước, nhưng các đơn vị vẫn tỏ ra lúng túng hoặc e ngại trong tổ chức thực hiện. 

Bên cạnh đó, cũng có tình trạng một số doanh nghiệp, nhà cung cấp cũng e ngại trong việc cung ứng hàng hóa cho các đơn vị công do liên quan đến giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu, thủ tục thanh toán phức tạp, khó khăn.

Ngoài ra, theo lý giải của Bộ này, việc mua sắm trong lĩnh vực y tế có lúc, có nơi xuất phát từ nhu cầu bị động, phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như tình hình dịch bệnh, mô hình bệnh tật. 

Đặc biệt, 2 năm 2020-2021 đã chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhiều gói thầu phải mua theo hình thức chỉ định thầu rút gọn, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp khẩn cấp để phục vụ cho nhu cầu chống dịch. 

Cũng do ảnh hưởng của đại dịch, nguồn nguyên liệu sản xuất, hàng hóa khan hiếm, giá cả hàng hóa nhiều biến động, vì vậy, việc mua sắm thuốc, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm cho phòng, chống dịch bệnh và khám, chữa bệnh càng trở nên khó khăn hơn.

Để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, theo đại diện Bộ Y tế, do việc hiểu và thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập về thẩm quyền quyết định mua sắm từ các nguồn thu của đơn vị sự nghiệp công lập được giao tự chủ về tài chính chưa thống nhất, dẫn đến việc đấu thầu, mua sắm của các đơn vị sự nghiệp công lập bị chững lại, chưa tổ chức thực hiện việc đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản, hàng hoá, dịch vụ kể từ khi Nghị định này có hiệu lực.

Tình trạng hết hạn số đăng ký của một số loại thuốc dẫn tới chậm thầu so với dự kiến đề ra. Đặc biệt, do một số khó khăn, chậm có kết quả đấu thầu tập trung quốc gia, đàm phán giá một số thuốc thuốc mua sắm tập trung quốc gia, dẫn tới các cơ sở phải thực hiện hình thức mua sắm tại cơ sở và không chủ động được thời gian, số lượng mua sắm. 

Thông tin thêm về vấn đề này, một lãnh đạo bệnh viện tuyến Trung ương cho biết, hiện có 4 cơ chế mua thuốc. Một là đàm phán cấp quốc gia do Hội đồng đàm phán cấp quốc gia làm nhưng hội đồng đàm phán cũng hầu như không đàm phán được. 

Thứ hai là cơ chế do Trung tâm đấu thầu mua sắm quốc gia thực hiện. Tuy nhiên, đơn vị này cũng đã có công văn gửi về các cơ sở y tế và nhấn mạnh hiện tại đang cố gắng thực hiện đấu thầu. Khi nào có thuốc, chúng tôi sẽ thông báo để mua còn bây giờ bệnh viện làm theo đúng pháp luật tự mua.

Thứ ba, là cơ chế đấu thầu tập trung do địa phương thực hiện, nhưng nhiều địa phương hiện cũng không dám đấu thầu. Thứ tư là cơ chế bệnh viện tự đấu thầu mua thuốc nhưng đây cũng là bài toán khó.

"Nhiều nơi anh em thật sự không dám đấu thầu. Tôi được biết, tại một số cơ sở y tế khác, các bác sĩ phải tự mua chỉ, mua dụng cụ băng gạc, dây truyền để mang vào phòng mổ. Cuối cùng bệnh nhân là người khổ”, vị lãnh đạo này nói.

Trong khi đó, một lãnh đạo khác chia sẻ, tình trạng thiếu thuốc một phần vì các đơn vị làm nhiệm vụ mua sắm triển khai chậm. Để làm gói thầu phải mất 4 - 5 tháng mới mua được, bắt đầu từ kế hoạch mua sắm, nhà thầu vào chào thầu, lựa chọn đơn vị, doanh nghiệp trúng thầu, sau đó là câu chuyện có hàng để cung cấp hay không, vì ở đâu cũng thiếu. 

Ngoài ra, do quy trình làm thầu chậm, số liệu thống kê chưa đủ, mô hình bệnh tật biến động nhanh quá, vượt qua kế hoạch dự kiến dẫn đến việc thiếu thuốc.

"Trước đây có thể vẫn xảy ra tình trạng thiếu, nhưng được áp dụng mọi giải pháp linh động như vay mượn các cơ sở y tế khác, rồi làm thủ tục thầu sau. Nhưng hiện nay không đơn vị nào “dám” vay nữa, vì không biết làm vậy có đúng quy định không", đại diện một bệnh viện tuyến trung ương nêu.

Tin liên quan
Tin khác