Nói đến nợ xấu, điều đầu tiên là phải “chốt” được con số. Nếu không biết chính xác con số này sẽ rất khó đưa ra biện pháp xử lý thích hợp. Bản thân cơ quan quản lý ngành là NHNN cũng rất muốn biết chính xác con số này.
Con số nào đáng tin?
Một cuộc lật lại lịch sử đã được tiến hành. Kết quả cho thấy, năm 2006 - 2007, kinh tế tăng trưởng với tốc độ nhanh, lần lượt đạt 8,23% và 8,48%. Là một nước đang phát triển, vốn đầu tư chủ yếu dựa vào tín dụng ngân hàng để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao như vậy thì tăng trưởng tín dụng đã được đẩy lên mức cao kỷ lục, đạt 30%/năm, cá biệt năm 2007 dư nợ tín dụng còn tăng tới 51,54%!
Mặc dù tăng trưởng tín dụng cao như thế, nhưng theo công bố ở thời kỳ đó, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng chỉ đứng ở mức 1,55%. Trong khi theo chuẩn mực an toàn của các ngân hàng lớn trên thế giới, họ còn chấp nhận nợ xấu ở mức 3% thì con số này của hệ thống ngân hàng Việt Nam quả thực khó mà tin cho nổi. Cho đến khi “bộ mặt thật” của nợ xấu mặc dù vẫn chưa lộ diện, nhưng đã chặn đà tín dụng, đe dọa sự an toàn của hệ thống thì NHNN quyết tâm “phác họa” cho đúng nhất khuôn mặt thực của nợ xấu.
Nét phác họa đầu tiên đã cho thấy bức chân dung không mấy đẹp. Năm 2011 nợ xấu tăng gần 61% so với năm 2010. Con số này vẫn bị cho là chưa phản ánh đúng thực tế. Chính vì thế, năm 2012, sau hàng loạt cuộc thanh tra, kiểm soát, NHNN quyết định trình Chính phủ và Bộ Chính trị một đề án xử lý nợ xấu.
Trong đề án này, theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, nợ xấu tính đến cuối tháng 9/2012 là 133.060 tỷ đồng, tương đương 4,93% tổng dư nợ. Đó là theo bản “tự khai” của các ngân hàng, còn theo đánh giá qua giám sát của NHNN trên nhiều góc độ kinh doanh của ngân hàng (các khoản nợ xấu trong hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp, ủy thác cấp tín dụng; các khoản nợ xấu tiềm ẩn do được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ; các khoản nợ được cơ cấu lại của Vinashin, Vinalines…) thì nợ xấu của các tổ chức tín dụng là gần 465 ngàn tỷ đồng, tương đương với 17,21% tổng dư nợ.
Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (NHNN) đã thẳng thắn thừa nhận: mặc dù không ai mong muốn thấy sự chênh lệch lớn giữa tỷ lệ nợ xấu do ngân hàng báo cáo (3-4%) và tỷ lệ nợ xấu theo đánh giá của NHNN (17%), nhưng rất tiếc đó là thực tế chất lượng tín dụng mà chúng ta phải đối mặt và giải quyết!
Chấp nhận sự thật
Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng cho rằng, nợ xấu không tăng đột biến mà đã qua một quá trình tích tụ lâu dài từ hàng chục năm trước. Do đó, việc họ cần làm là xác định đúng quy mô nợ xấu để xử lý, đồng thời có biện pháp ngăn ngừa nợ xấu phát sinh.
NHNN đã ban hành và sửa đổi hàng loạt quy định liên quan đến hoạt động tín dụng, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro như: Thông tư 02, Thông tư 09… Đặc biệt, vào tháng 5/2013 NHNN đã thành lập VAMC và coi đó là "cây đũa thần" để xử lý nợ xấu.
Xin đưa ra đây những con số thống kê từ Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng như một cách để nhìn thẳng vào sự thật. Những quy định mới đã góp phần giảm dần chênh lệch về số liệu nợ xấu giữa báo cáo của tổ chức tín dụng và kết quả giám sát của NHNN. Cụ thể, tháng 12/2013, theo báo cáo của các ngân hàng, nợ xấu toàn ngành là 3,61%, trong khi theo kết quả thanh tra giám sát của NHNN là 5,66%, chênh lệch 2 điểm phần trăm. Tương tự, tháng 6/2014, chênh lệch giữa hai con số là 1,67 điểm phần trăm (5,84% so với 4,17%); Tháng 12/2014, chênh lệch 1,58 điểm phần trăm (4,83% so với 3,25%). NHNN cho rằng, mức chênh lệch giảm dần cho thấy bức chân dung nợ xấu đã và đang được vẽ đúng! Chính vì thế, cuối năm 2014, Thống đốc Nguyễn Văn Bình tự tin tuyên bố, sẽ đưa nợ xấu về mức 3% trong năm 2015.
Vũ khí lợi hại nhất để xử lý nợ xấu của cơ quan quản lý hiện nay chính là VAMC. Nếu tính từ thời điểm bắt đầu hoạt động (cuối năm 2013) đến thời điểm này, công ty này đã mua được trên 152 nghìn tỷ đồng nợ xấu giá gốc với giá mua là trên 120 nghìn tỷ đồng. Riêng từ đầu năm đến nay, VAMC đã duyệt mua 17,4 nghìn tỷ nợ gốc với giá mua 16,1 nghìn tỷ đồng, ký hợp đồng phát hành trái phiếu đặc biệt gần 10 nghìn tỷ đồng.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch VAMC cho hay: mục tiêu của VAMC là trong 6 tháng đầu năm sẽ mua trên 40 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Như vậy, sẽ đảm bảo tỷ lệ 60% tổ chức tín dụng bán nợ xấu theo đúng kế hoạch, góp phần đảm bảo đưa nợ xấu của toàn hệ thống về mức 3%.
Báo cáo tài chính quý I/2015 của những ngân hàng niêm yết, trong đó có những ngân hàng lớn như Vietcombank, Vietinbank, BIDV…cho thấy, nợ xấu của các ngân hàng đang tăng. Ví dụ, nợ xấu của Vietcombank đã ở mức 2,67%, cao hơn so với mức 2,31% hồi đầu năm, tỷ lệ trích lập dự phòng trên tổng nợ xấu của ngân hàng này tới 94%. Tỷ lệ này tuy vẫn nằm trong mức an toàn, nhưng với Vietcombank - một ngân hàng lớn, thương hiệu tốt mà nợ xấu còn tăng mạnh thì các ngân hàng nhỏ khác sẽ còn tăng đến mức nào? Theo báo cáo mới nhất của NHNN chi nhánh TP.HCM, tính đến ngày 31/3/2015, tỷ lệ nợ xấu trên địa bàn này là 5,53%, tương đương 60.883 tỷ đồng, cao hơn so với mức 5,31% tại thời điểm cuối năm 2014.
NHNN chưa công bố chính thức tỷ lệ nợ xấu ở thời điểm hiện tại, nhưng chắc chắn nợ xấu đã tăng so với cuối năm 2014. Vẫn còn 6 tháng nữa để Thống đốc Bình thực hiện cam kết xử lý nợ xấu của mình. Thế nhưng với diễn biến phức tạp trên thị trường tài chính, tiền tệ hiện nay như: tỷ giá tăng, lãi suất có nguy cơ tăng, lạm phát đang tăng trở lại…thì mục tiêu giảm nợ xấu là thứ yếu, ổn định giá trị đồng tiền mới là nhiệm vụ cốt yếu của NHNN. Hơn nữa, nếu như năm 2011, ông Bình đã từng thẳng thắn nói rằng đang thừa kế một “hòn đá tảng” nợ xấu, thì giờ việc chưa thể xử lý ngay, dứt điểm tảng đá lớn đó âu cũng là chuyện bình thường. Nếu trước sức ép của NHNN, các ngân hàng thương mại vẫn “làm đẹp” nợ xấu thì ngành ngân hàng sẽ lại theo lối mòn cũ. Và rồi, người ngồi vào ghế Thống đốc NHNN nhiệm kỳ tới sẽ lại phải tiếp tục kế thừa hòn đá tảng nợ xấu!