Với mục tiêu kiểm soát nợ xấu về 3% vào cuối năm nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã áp chỉ tiêu bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) xuống các NHTM và đẩy mạnh xử lý nợ xấu… Song, nợ xấu mới vẫn phát sinh, trong khi quá trình xử lý nợ cũ gặp nhiều khó khăn do khâu phát mãi tài sản. Vì thế, các nhà băng phải sớm tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng ngay từ quý I/2015.
Trích nghìn tỷ trong quý I
Những ngân hàng mạnh tay trích dự phòng quý I/2015 phải kể đến là khối các nhà băng có vốn nhà nước. Cụ thể, với Vietinbank, mặc dù tín dụng quý đầu năm chỉ tăng 2,32% so với mục tiêu cả năm 13%, song nợ xấu trong 3 tháng đầu năm của nhà băng này lại có dấu hiệu đi lên.
Số nợ xấu tuyệt đối tăng mạnh lên hơn 8.000 tỷ đồng so với mức đầu năm là 4.800 tỷ đồng. Dẫn đến, tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,9% cuối năm 2014 lên 1,5% cuối quý I/2015. Nợ nhóm 5 của Vietinbank đến cuối tháng 3 cũng tăng gấp 2,6 lần, từ hơn 2.000 tỷ đồng lên 5.500 tỷ đồng.
Vì thế, khoản dự phòng rủi ro tín dụng của Vietinbank cũng tăng gần gấp rưỡi lên 1.510 tỷ đồng. Như vậy, lợi nhuận trước thuế trong quý I của VietinBank chỉ tăng 7,3%, đạt 1.564 tỷ đồng. Sau thuế, nhà băng này lãi 1.248 tỷ đồng.
Tăng trưởng tín dụng của Vietcombank đến cuối tháng 3/2015 đạt 2,3%. Trong khi đó, nợ xấu tăng ở cả 3 nhóm (nợ dưới chuẩn, nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn). Đặc biệt, nợ có khả năng mất vốn tăng 34%, ở mức 4.770 tỷ đồng, chiếm gần một nửa tổng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu đến cuối quý I/2015 chiếm 2,9% tổng dư nợ, so với mức cuối 2014 chỉ ở mức 2,3%.
Sau khi trích lập dự phòng 1.517 tỷ đồng (tăng 26,6% so với cùng kỳ), Vietcombank có lợi nhuận trước thuế quý I là 1.456 tỷ đồng, giảm gần 3% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế là 1.135 tỷ đồng.
Không chỉ với nhà băng có vốn nhà nước mà ngay cả những ngân hàng cổ phần cũng sớm tăng trích lập dự phòng. Trong quý I/2015, Techcombank trích lập dự phòng gần 1.390 tỷ đồng, bằng 60% của cả năm 2014 (quý I/2014 chỉ trích lập 79 tỷ đồng). Đồng thời, với mức trích lập này thì Techcombank xếp vị trí thứ 3, xấp xỉ với những ngân hàng có quy mô lớn.
BIDV và VPBank cũng dự phòng rủi ro với khoản tiền không hề nhỏ, khi trích lập ở mức 980 tỷ đồng và hơn 800 tỷ đồng trong quý I/2015, tăng lần lượt 41% và 82% so với cùng kỳ năm trước.
Với mức 5,01% nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng trong quý I/2015, ABBank đang giữ tỷ lệ nợ xấu cao nhất trong số các nhà băng công bố. Điều đáng quan tâm chính là tỷ trọng nợ có khả năng mất vốn trên tổng nợ xấu ở mức cao gần 77%.
Trong nội dung trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về xử lý nợ xấu, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho rằng, tỷ lệ nợ xấu toàn ngành ngân hàng 2 tháng đầu năm 2015 là 3,59%. Tuy có chiều hướng tăng nhẹ, nhưng theo Thống đốc Bình, diễn biến này mang tính quy luật khi nợ xấu thường tăng vào các tháng đầu năm và giảm vào các tháng cuối năm do ngành ngân hàng tích cực xử lý. Đồng thời, theo Thống đốc Bình, con số này vẫn trong tầm kiểm soát và không nằm ngoài dự tính của NHNN.
Đẩy mạnh xử lý nợ xấu cuối năm
Để kiểm soát nợ xấu toàn ngành về dưới mức 3% cuối năm nay, NHNN đang yêu cầu các NHTM đẩy mạnh việc xử lý nợ xấu, sáp nhập và bán nợ xấu cho VAMC theo chỉ tiêu, sau khi VAMC được tăng vốn lên 2.000 tỷ đồng vào đầu năm nay. Vì thế, lãnh đạo các nhà băng cho biết, nguồn dự phòng phải trích lập cũng sẽ gia tăng khiến lợi nhuận thu về bị ảnh hưởng, nhưng đó là điều tiên quyết để đảm bảo kiểm soát rủi ro.
Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho biết, năm nay Ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 13 – 15% và kế hoạch bán nợ xấu cho VAMC là 1.000 tỷ đồng. ACB cũng có kế hoạch tự xử lý 1.600 tỷ đồng nợ xấu. Do đó, khoản trích lập dự phòng cho năm nay khoảng 2.000 tỷ đồng. Mục tiêu của ACB là kiểm soát nợ xấu dưới 3%.
Cổ đông của Saigonbank cũng không khỏi bức xúc và đặt nhiều câu hỏi cho HĐQT về việc vì sao chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm 2015 lại sụt giảm đến 78% so với năm ngoái. Trả lời ĐTCK, bà Trần Thị Việt Ánh, Tổng giám đốc Saigonbank cho rằng, thực hiện chủ trương của NHNN và Ngân hàng phải từng bước đẩy mạnh xử lý nợ xấu nên trong năm 2015, Saigonbank sẽ bán 500 tỷ đồng nợ xấu theo chỉ tiêu được chỉ định.
Vì thế, khoản trích lập dự phòng rủi ro của Saigonbank cũng sẽ tăng lên 186 tỷ đồng trong năm 2015. Chính vì dự phòng tăng đã khiến cho lợi nhuận của Saigonbank giảm nên chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế Ngân hàng đưa cho năm 2015 ở mức 50 tỷ đồng.
Năm 2015, VIB dự kiến sẽ xử lý 3.835 tỷ đồng nợ xấu, đảm bảo duy trì tỷ lệ nợ xấu quanh ngưỡng 2,5%. Trong đó, VIB dự kiến bán cho VAMC 2.209 tỷ đồng nên sẽ tăng trích lập dự phòng. Năm qua, VIB dành 1.188 tỷ đồng trích lập dự phòng tín dụng, song lợi nhuận trước thuế vẫn đạt 648 tỷ đồng, đạt 201% so với kế hoạch đưa ra.
Trong năm nay, dự phòng rủi ro của các ngân hàng sẽ tăng mạnh, bởi các nhà băng phải bán nợ xấu theo chỉ tiêu NHNN áp xuống. Vì thế, các nhà băng đang kiến nghị NHNN nên xem xét giảm dự phòng trái phiếu đặc biệt xuống còn khoảng 10%, thay vì 20% như hiện nay.
TS Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, việc bán nợ xấu cho VAMC là giải pháp tốt để các ngân hàng làm sạch bản cân đối kế toán, nhưng áp lực phải trích lập dự phòng 20% là quá lớn.