Ngân hàng - Bảo hiểm
Xử nợ xấu: Chờ Quốc hội trao “bảo kiếm”
Thùy Liên - 23/05/2015 08:13
Hơn 3 năm nhậm chức, lời hứa của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về lãi suất, vàng, tỷ giá và xử lý ngân hàng yếu đã được thực hiện phần nào. Trong đó, xử lý nợ xấu là thách thức lớn mà Thống đốc đang phải đối mặt. Với thách thức này, có lẽ chỉ Quốc hội mới đủ sức giải cứu.

Lãi suất, tín dụng, vàng đã tạm ổn

Báo cáo Kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn của Thống đốc NHNN vừa được gửi tới các đại biểu Quốc hội cho thấy, đến nay, mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh theo mục tiêu đề ra của NHNN.

 

Cụ thể, lãi suất hiện nay chỉ bằng khoảng 40% lãi suất vào nửa cuối năm 2011 và thấp hơn mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006 là giai đoạn kinh tế phát triển ổn định. Hiện nay, lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 6-9%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 9-11%/năm, các doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, có phương án/dự án khả thi thì lãi suất chỉ còn 5-6%/năm.

Không chỉ có thế, tín dụng ngân hàng cũng tăng trưởng thực chất hơn, hiệu quả hơn.

Quan trọng hơn, tín dụng đã chảy vào những lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế, bao gồm: nông nghiệp nông thôn, lĩnh vực xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Một điểm cộng nữa của Thống đốc là điều hành ngoại hối. Hiện giá USD đang tăng nóng và nguy cơ cả năm nay, NHNN không giữ được biên độ điều chỉnh 2% như cam kết, song đây là do nguyên nhân khách quan. Nhìn lại 3 năm liên tục vừa qua, NHNN đã chủ động công bố định hướng điều hành tỷ giá từng năm, đồng thời thực hiện mua bán ngoại tệ kịp thời để hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng khi cần thiết, thực hiện công tác truyền thông để ổn định tâm lý thị trường khi tỷ giá và thị trường ngoại tệ có biến động bất thường. Nhờ đó, tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong hơn 3 năm qua liên tục ổn định, cung - cầu được cân bằng. Nhờ vậy, niềm tin vào tiền đồng tăng cao, dự trữ ngoại hối quốc gia tăng mạnh.

Với thị trường vàng, thành tựu lớn nhất là các cơn sốt giá không còn, tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế đã từng bước được ngăn chặn. Trật tự mới được thiết lập và người dân không còn mấy quan tâm đến vàng - là tiền đề quan trọng để triển khai giải pháp trong dài hạn là huy động nguồn lực vàng trong nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc NHNN mua vàng miếng tăng dự trữ ngoại hối khi điều kiện cho phép”, Thống đốc cho biết. 

Xử lý nợ xấu: Chờ Quốc hội trao “bảo kiếm”

Dù rất nỗ lực tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, song không thể phủ nhận rằng, đây vẫn là những vấn đề đáng lo lớn nhất của hệ thống ngân hàng hiện nay.

Theo báo cáo của Thống đốc NHNN, sau 3 năm thực hiện (2012-2014), tổng các khoản nợ xấu được xử lý ước đạt 311.100 tỷ đồng. Tính lũy kế đến ngày 17/4/2015, VAMC đã mua được 147.263 tỷ đồng nợ xấu với giá mua nợ 122.060 tỷ đồng. Theo kế hoạch xử lý nợ xấu năm 2015, đến ngày 30/6/2015, phải xử lý được tối thiểu 60% tổng số nợ xấu phải xử lý theo kế hoạch, trong đó chỉ tiêu bán nợ xấu cho VAMC phải đạt ít nhất 75% tổng số nợ xấu dự kiến bán cho VAMC cả năm 2015. Đây là tiền đề để ngành ngân hàng phấn đấu đạt mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu về mức dưới 3% vào cuối năm 2015.

Mặc dù vậy, các chuyên gia khuyến cáo, nợ xấu đã được VAMC gom vào, hoặc nợ đã được cơ cấu không có nghĩa là nợ đã được giải quyết. “Việc kéo nợ xấu xuống dưới 3% vào cuối năm nay là khả thi. Song các biện pháp đưa ra vẫn chỉ là gom nợ xấu, chứ chưa phải là giải quyết nợ xấu”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nói.

Về vấn đề này, Thống đốc NHNN cũng thừa nhận: “Những cố gắng của ngành ngân hàng trong xử lý nợ xấu là chưa đủ, bởi nợ xấu là vấn đề của nền kinh tế đòi hỏi cần có sự tham gia, hỗ trợ tích cực của các cơ quan, bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Nếu không, việc xử lý nợ xấu sẽ không triệt để và không đạt kết quả như mong muốn”.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch VAMC, hiện cơ quan này vẫn thiếu “thượng phương bảo kiếm” để xử lý rốt ráo nợ xấu. Để xử lý tận gốc nợ xấu, Quốc hội cần một bộ luật, hay ít nhất là một nghị quyết về xử lý nợ xấu.

Rõ ràng, câu trả lời về xử lý nợ xấu không chỉ ở NHNN, mà còn trông đợi rất nhiều ở các đại  biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thứ XIII đang diễn ra.

Tin liên quan
Tin khác