Ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới (WGC) tại Singapore, Indonesia, Việt Nam, đồng thời là Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cho rằng, dù trước mắt, vàng khó lấy lại mức giá lịch sử (2.087 USD/ounce như hồi tháng 8/2020), song cơ hội tăng giá của vàng còn ở phía trước. Tuy nhiên, người mua vàng trong nước khó tránh thua thiệt, vì thị trường vàng trong nước không được liên thông với quốc tế, khiến giá luôn cao hơn.
Ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới (WGC) tại Singapore, Indonesia, Việt Nam |
Sau thời gian giảm sâu, vàng có nhiều phiên tăng gần đây sau khi lấy lại ngưỡng 1.800 USD/ounce. Theo ông, vàng còn cơ hội tăng giá trong thời gian tới?
Vàng đã vượt lên trên ngưỡng 1.830 USD/ounce trong những phiên gần đây, khi USD và lợi suất trái phiếu Mỹ giảm.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ quan điểm duy trì lãi suất cơ bản USD trong thời gian dài, dự kiến đến năm 2023. Mặt khác, tình hình dịch bệnh vẫn rất phức tạp, nhất là tại Ấn Độ. Trong khi đó, dù đã có vắc-xin, nhưng số ca nhiễm ở Mỹ vẫn cao. Thêm vào đó, nỗi lo ngại lạm phát gia tăng đã đẩy lợi suất trái phiếu xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 2/2021. Đó chính là các nguyên nhân giúp giá vàng tăng gần đây và khả năng sẽ chưa chấm dứt trong thời gian tới.
Kinh tế thế giới còn bất ổn khi đại dịch chưa thể kiểm soát hoàn toàn, thì vàng vẫn được xem là hầm trú ẩn của nhà đầu tư. Các dự báo cho rằng, có thể trước mắt, vàng khó lấy lại mức đỉnh 2.087 USD/ounce như hồi tháng 8/2020, song trong trung hạn, cơ hội tăng giá của vàng còn rất lớn. Mức 2.000 USD/ounce của vàng được cho là sẽ sớm lập lại trong năm 2021.
Ông nhận định thế nào về nhu cầu vàng thế giới trong bối cảnh thị trường hiện nay?
Nguồn tin tiết lộ với Hãng tin Reuters cho biết, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc gần đây đã cấp phép cho các ngân hàng trong nước và nước ngoài nhập khẩu vào nước này khoảng 150 tấn vàng, trị giá 8,5 tỷ USD. Số vàng này đã bắt đầu được vận chuyển trong tháng 4 vừa qua và dự kiến cập cảng Trung Quốc trong tháng 4 và tháng 5 năm nay. Trong khi đó, Ấn Độ đã nhập khẩu kỷ lục 160 tấn vàng trong tháng 3/2021.
Còn theo số liệu của WGC, nhu cầu đầu tư vàng toàn cầu trong quý I/2021 giảm 71% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 161,5 tấn, do các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) bán ròng 177,9 tấn vàng. Tuy nhiên, trước xu hướng giảm giá của vàng từ đầu năm đến nay, các quỹ đầu tư đã tranh thủ chốt lời, sau đó tìm cơ hội mua vàng khi giá hạ.
Nhu cầu vàng của người dân Việt Nam có thay đổi trong những năm gần đây không, thưa ông?
81% người Việt Nam đã mua vàng trong quá khứ nay cân nhắc mua thêm vàng, cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu là 45%. Đó là kết quả trong báo cáo đầu tiên của WGC về đầu tư vàng cá nhân tại Việt Nam vừa được công bố. Nghiên cứu trên được WGC thực hiện ở thị trường Việt Nam vào tháng 3/2020 với 2.000 nhà đầu tư tham gia khảo sát.
Kết quả nghiên cứu của WGC cũng cho thấy, sự quan tâm của nhà đầu tư đối với vàng là rất lớn, khi người Việt tin rằng, vàng giúp chống lạm phát và biến động tiền tệ, giúp nhà đầu tư an tâm về lâu dài. Đồng thời, những nhu cầu mới về vàng cũng phát sinh theo như mua vàng trên các nền tảng kỹ thuật số hoặc mua vàng thông qua một kênh có sẵn như ngân hàng…
Cầu vàng luôn có, song giá trong nước luôn cao hơn giá quốc tế. Vậy làm thế nào rút ngắn được mức chênh lệch này để người mua vàng không bị thiệt?
Trước thực trạng giá vàng trong nước không liên thông với giá vàng thế giới, cao hơn giá vàng thế giới 7 - 9 triệu đồng/lượng, VGTA vừa kiến nghị cơ quan chức năng cho nhập khẩu vàng nguyên liệu.
Theo VGTA, xuất phát từ những điều kiện thuận lợi về chính trị, về môi trường kinh tế, Hiệp hội có kiến nghị về những mục tiêu cụ thể, như đổi mới chính sách pháp luật cũng như cơ chế quản lý đối với ngành vàng. Hiệp hội kiến nghị Chính phủ, Quốc hội đưa ngành sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ ra khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Phụ lục IV - ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được ban hành kèm Luật Đầu tư sửa đổi năm 2020. Đồng thời, để phát triển sản xuất vàng trang sức, đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp để có đủ nguyên liệu phục vụ sản xuất, cũng như đóng góp tích cực trong việc thực thi chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.
Một điểm quan trọng khác là VGTA đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm trình Chính phủ Dự thảo nghị định thay thế Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Năm 2012, thị trường vàng Việt Nam có nhiều bất ổn, tình trạng sốt vàng thường xuyên xảy ra, nên Nghị định 24/2012/NĐ-CP được ban hành là phù hợp và đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, đến nay, trong bối cảnh hệ thống luật pháp đã thay đổi, nhiều quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP đã không còn phù hợp. Đặc biệt, nhiều điểm trong Nghị định 24/2012/NĐ-CP cần được thay đổi cho phù hợp với hệ thống pháp luật cũng như những thỏa thuận thương mại mà Việt Nam đã tham gia trong những năm gần đây.