Tại Diễn đàn Đối tác Phát triển (VDPF), việc tái cơ cấu DNNN tiếp tục là chủ đề được thảo luận xuyên suốt.
| ||
Tại Diễn đàn Đối tác Phát triển (VDPF), việc tái cơ cấu DNNN tiếp tục là chủ đề được thảo luận xuyên suốt (Ảnh: Đức Thanh) |
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, ngay trong bài phát biểu khai mạc Diễn đàn, đã nhấn mạnh rằng, đẩy nhanh tái cơ cấu DNNN và khu vực tài chính sẽ giúp khôi phục năng lực cạnh tranh và tăng trưởng và lâu dài.
“Tạo sự minh bạch và tăng cường quản trị doanh nghiệp trong cả hai khu vực nói trên sẽ nhanh chóng mang lại kết quả thông qua thoái vốn khỏi các lĩnh vực kinh doanh không cốt lõi và thực hiện cổ phần hóa”, bà Kwakwa nói.
Thực tế, ngay sau lời khai mạc của bà Kwakwa, khi phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định, Việt Nam tiếp tục tập trung tái cơ cấu khu vực DNNN.
Theo Thủ tướng, thời gian qua, việc tái cơ cấu DNNN đã được thực hiện theo hướng tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt và cung ứng các dịch vụ công thiết yếu. Hiệu quả hoạt động của DNNN có bước cải thiện, với khoảng 80% DNNN hoạt động có lãi, tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước năm 2010 và 2011 đều đạt trên 18%, năm 2012 đạt 17,4%. DNNN đã đóng góp trên 33% GDP.
“Thời gian tới, sẽ đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa, tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính, thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo nguyên tắc thị trường, nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả kinh doanh”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, các khuyến nghị chính sách từ cộng đồng các đối tác phát triển đều cho rằng, Việt Nam phải đẩy nhanh hơn nữa tiến trình cải cách DNNN.
“Việt Nam cần giám sát nhiều hơn tiến trình cải cách DNNN. Các bộ, ngành phải thúc đẩy hợp tác tiến trình này. Hiện nay, việc tham gia sửa đổi các quy định về cải cách DNNN của các bộ ngành vẫn còn khá riêng lẻ, chưa có sự phối hợp liên ngành”, ông Timoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam phát biểu.
Trong khi đó, theo ông Sanjay Kalra, Đại diện Thường trú Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam, khu vực DNNN và tài chính vẫn là nguồn gốc của sự dễ tổn thương. “Những tiến bộ trong cải cách DNNN và tập đoàn kinh tế khá hạn chế, mặc dù một số vụ tham nhũng trong thời gian trước đây đã được đưa ra tòa án để giải quyết”, ông Kalra nói.
Đồng quan điểm, Đại sứ Canada tại Việt Nam David Devine, nhấn mạnh: “Việt Nam phải đẩy nhanh hơn nữa tiến trình cải cách DNNN”.
Đối thoại với các đối tác phát triển, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa khẳng định, tái cơ cấu DNNN sẽ được tập trung thực hiện trong thời gian tới.
Theo Thủ tướng, từ 12.000 DNNN, cho tới nay, Việt Nam chỉ còn 1.060 DN mà Nhà nước còn nắm giữ vốn. 500 DN trong số này sẽ được cổ phần hóa trong 2 năm 2014 - 2015, trong đó có 1/8 tập đoàn kinh tế, 5/10 tổng công ty 91 và hầu hết tổng công ty 90. Cổ phần của 4/5 ngân hàng thương mại nhà nước đã cổ phần hóa cũng sẽ được bán tiếp.
“Trong hai năm 2014 - 2015, sẽ chấm dứt tình trạng đầu tư ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh chính. Gần 600 DN còn lại sẽ được cổ phần hóa tiếp trong giai đoạn đến năm 2020”, Thủ tướng nói và khẳng định, việc tái cơ cấu DNNN thời gian tới sẽ được thực hiện theo hướng tập trung vào những lĩnh vực kinh doanh chính, nâng cao năng lực quản trị và cổ phần hóa.
“Chúng tôi muốn đẩy nhanh tiến trình cải cách DNNN, nhưng quá trình này không chỉ tính đến yếu tố kinh tế, mà phải tính đến cả yếu tố xã hội. Cải cách DNNN nhưng cũng vẫn phải đảm bảo ổn định xã hội, do vậy, chúng tôi mong các đối tác phát triển chia sẻ rằng, đúng là cải cách DNNN phải đẩy nhanh hơn, nhưng cũng cần có lộ trình thích hợp”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.
Hà Nguyễn