Theo Thủ tướng, kinh tế Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, đang phục hồi và hướng tới tốc độ tăng trưởng cao hơn. Năm 2013, tăng trưởng GDP đạt khoảng 5,4%, bình quân 3 năm 2011 - 2013 tăng 5,6%/năm, đưa quy mô nền kinh tế đạt gần 176 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 1.960 USD. Dự kiến, GDP năm 2014 tăng khoảng 5,8%, còn năm 2015 tăng 6%.
“Việt Nam đã kiên trì thực hiện mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, giảm từ mức 18,13% năm 2011 xuống còn khoảng 6% năm 2013, thấp nhất trong 10 năm qua”, Thủ tướng nói và khẳng định, đây là một trong những thành tựu nổi bật trong điều hành giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô thời gian qua.
| ||
Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, khôi phục ngành tài chính - ngân hàng, tạo sân chơi bình đẳng cho kinh tế tư nhân là những yếu tố quan trọng để khôi phục lại niềm tin vào nền kinh tế (Ảnh: Đức Thanh) |
Đánh giá cao nỗ lực này của Chính phủ Việt Nam, song bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, tác động của khu vực đầu tư nước ngoài lên khu vực kinh tế tư nhân đã bị giảm sút do mức độ tin tưởng của người tiêu dùng và doanh nghiệp còn thấp và do khu vực kinh tế quốc doanh còn trì trệ.
“Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, khôi phục ngành tài chính - ngân hàng và kinh tế quốc doanh, tạo sân chơi bình đẳng cho kinh tế tư nhân là những yếu tố quan trọng để khôi phục lại niềm tin vào nền kinh tế”, bà Kwakwa nói.
Đồng quan điểm, dù đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong 3 năm qua trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tăng dự trữ ngoại hối cũng như ổn định tỷ giá, song ông Timoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, cho rằng, những tiến bộ trong việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô cần được đẩy mạnh hơn nữa, bởi như thời gian qua là tương đối chậm.
Trong khi đó, trong bài phát biểu gửi đến VDPF, ông Sanjay Kalra, Đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam, cũng đồng quan điểm rằng, ổn định kinh tế vĩ mô phải được duy trì.
“Duy trì lạm phát thấp là nền móng của nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô. Điều quan trọng là Ngân hàng Nhà nước theo dõi chặt chẽ các áp lực lạm phát, vì lạm phát cơ bản cao cho thấy kỳ vọng lạm phát vẫn còn”, ông Kalra nói và cũng bày tỏ mối lo ngại đối với việc tăng trưởng chậm lại và tình hình kinh tế giảm sút của Việt Nam.
Theo phân tích của ông Kalra, những mất cân đối trong nước và sự kém hiệu quả là những yếu tố quan trọng khiến kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại.
“Các khu vực hướng nội dù đang cải thiện, nhưng vẫn chưa có được một nền tảng vững chắc. Đặc biệt, khu vực bất động sản vẫn còn lâm vào cảnh khó khăn sau khi bong bóng giá bất động sản vỡ”, ông Kalra bày tỏ quan điểm.
“Rất đúng khi các đối tác phát triển cho rằng, kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả, nhưng cần làm vững chắc hơn, mạnh hơn, để ổn định một cách bền vững hơn. Đấy cũng là mục tiêu của Việt Nam”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã thẳng thắn nói vậy và một lần nữa khẳng định thông điệp, trong hai năm 2014 - 2015, Việt Nam sẽ kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát mục tiêu ở mức 7%.
Nguyên Đức