Năm 2019 dự kiến cổ phần hóa 54 DN
Danh sách 19 DN sẽ cổ phần hóa trong năm 2019 theo Công văn 991/2017/TTg-ĐMDN phê duyệt danh mục DN nhà nước hoàn thành cổ phần hóa theo từng năm giai đoạn 2017 - 2020 sẽ thay đổi.
Những đề nghị điều chỉnh thời gian thục hiện cổ phần hóa của các bộ, ngành, địa phương gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, số DN cổ phần hóa năm 2019 dự kiến là 54 DN. Hiện có 13 DN đăng ký hoàn thành cổ phần hóa năm 2020, thay vì chỉ có Công ty TNHH một thành viên Thủy sản Hạ Long của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như trong Danh mục ban hành kèm theo Công văn 991/2017/TTg-ĐMDN.
Trong danh sách này, có cả 39 DN của TP.HCM và 11 DN của Hà Nội - hai địa phương gần như không thực hiện kế hoạch cổ phần hóa năm 2018.
“Hà Nội và TP.HCM đều đã có báo cáo đề nghị điều chỉnh thời gian và cách thức cổ phần hóa để Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, ông Lê Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết.
Theo Chỉ thị 01/2019/CT-TTg về việc tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy mạnh công tác cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại DN nhà nước và DN có vốn nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 5/1/2019, các trường hợp cần điều chỉnh danh mục, tiến độ cổ phần hóa, thủ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước phải báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/1/2019, trong đó nêu rõ tiến độ thực hiện, cơ quan thực hiện, làm cơ sở để Thủ tướng phê duyệt, các cơ quan liên quan đôn đốc, giám sát tiến độ thực hiện.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong việc để chậm trễ trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn...; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, chấp hành quy định về cổ phần hóa...
Như vậy, nhiều khả năng, số lượng và danh mục DN nhà nước cổ phần hóa trong năm 2019 và cả năm 2020 sẽ được chốt sau ngày này.
Những nút thắt phải gỡ
Điều quan trọng là, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước, DN nhà nước định kỳ công bố công khai thông tin về cổ phần hóa, thoái vốn DN nhà nước làm cơ sở để theo dõi, đánh giá tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Lý do là, việc chậm thực hiện Công văn số 991/TTg-ĐMDN trong cả 2 năm 2017 - 2018 có lý do từ việc chưa kịp thời tháo gỡ khó khăn.
Năm 2017, tỷ lệ hoàn thành là 61% kế hoạch, thực hiện cổ phần hóa 30/49 DN trong danh mục.
Năm 2018, cả nước phải cổ phần hóa 64 DN, nhưng thực tế chỉ đạt hơn 17%, với 12 DN hoàn thành. Trong khi đó, có 35 DN đề nghị chuyển sang hoàn thành vào năm 2019 (chiếm 55%); 12 DN đề nghị chuyển sang thực hiện năm 2020 (chiếm 23%) và 6 DN không báo cáo thời gian dự kiến hoàn thành.
Tổng hợp nguyên nhân từ các bộ, ngành, địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc các địa phương chậm phê duyệt phương án sử dụng đất, nhất là đối với các DN có đất tại nhiều địa phương, đã dẫn đến việc phê duyệt quyết định cổ phần hóa của DN không kịp tiến độ.
Bên cạnh đó, các quy định về cổ phần hóa chưa xử lý triệt để một số vướng mắc liên quan đến các nội dung về xác định giá trị DN (xác định giá trị đất và tài sản, sắp xếp và xử lý đất đai...), dẫn đến thời gian xây dựng phương án cổ phần hóa kéo dài, không hoàn thành đúng kế hoạch được giao.
Bên cạnh đó, cũng không thể né tránh lý do một số bộ, địa phương chưa tích cực thực hiện cổ phần hóa DN thuộc quản lý của mình, quá trình xây dựng và phê duyệt các quyết định liên quan đến quá trình cổ phần hóa còn kéo dài.
“Các lý do đều đã được báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, địa phương nghiêm túc, quyết liệt thực hiện để hoàn thành kế hoạch, đặc biệt là TP.HCM và Hà Nội”, ông Hùng cho biết.
Tất nhiên, không ít DN khi cổ phần hóa không thu hút được nhiều nhà đầu tư quan tâm, nhất là các DN có tỷ lệ vốn nhà nước còn cao, dẫn đến một số DN chào bán cổ phần chưa thành công.
Song, cho dù thế nào, thì áp lực cổ phần hóa DN nhà nước đang dồn vào năm 2019 - 2020, đòi hỏi các bộ, ngành và địa phương phải bứt tốc.
Chúng tôi đề xuấtz bổ sung nội dung thanh tra, kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính trong kế hoạch thanh tra, kiểm toán do Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước thực hiện. Phải “mạnh tay” xử lý, lỗi đến đâu xử đến đó, “đúng người, đúng tội” thì người ta mới sợ.
Những người có trách nhiệm trong cổ phần hóa, thoái vốn đều là công chức, viên chức, được giao nhiệm vụ thoái vốn, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước, nếu không hoàn thành, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước có kết luận, kiến nghị thì cứ “y án mà thực hiện” vì kết luận, kiến nghị của 2 cơ quan này có giá trị pháp lý rất cao.
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính)