Doanh nghiệp
Cổ phần hóa MobiFone: Chậm trễ là hỏng đại sự
Hữu Tuấn - 17/02/2014 08:43
Nếu Đề án Tái cấu trúc Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) được phê duyệt, MobiFone sẽ phát triển như thế nào để tránh khỏi tình trạng cả 3 mạng đều thuộc sở hữu nhà nước như hiện nay. Đề nghị bán 3 công ty viễn thông tăng cước 3G! >“Thượng đế” 3G không sốc mới lạ

Tại buổi Tọa đàm “Tái cơ cấu thị trường viễn thông Việt Nam”, ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông Việt Nam nêu quan điểm, nếu tách MobiFone ra khỏi VNPT và giữ nguyên sở hữu 100% vốn nhà nước, thì việc tách này không đúng với mục tiêu đặt ra.

MobiFone sẽ phát triển thế nào để tránh tình trạng cả 3 mạng viễn thông đều thuộc sở hữu nhà nước như hiện nay?

“Tách MobiFone là để cổ phần hóa, chứ không phải để cạnh tranh với nhau. Cổ phần hóa, thay đổi chủ sở hữu, rồi mới tính đến việc cạnh tranh. Việc tách MobiFone sẽ tạo động lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp còn lại trong ngành. Thị trường viễn thông Việt Nam nhờ vậy sẽ sôi động và vận hành hiệu quả hơn”, ông Trực nêu quan điểm.

Đồng quan điểm, TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (Ciem) khẳng định, cổ phần hóa MobiFone với đối tác chiến lược có năng lực, công nghệ, để tạo ra áp lực cạnh tranh cho thị trường và cho chính MobiFone.

MobiFone sẽ cổ phần hóa

Ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, việc tách MobiFone có một số điểm cần lưu ý.

Một là, MobiFone có thương hiệu khá mạnh, tách ra sẽ giúp chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ nhanh hơn, hoạt động độc lập hơn VinaPhone trong VNPT.

Hai là, việc tách sẽ đảm bảo cho Tập đoàn có bức tranh tài chính lành mạnh để phát triển trong thời gian tới.

Ông Lê Ngọc Minh, Phó tổng giám đốc VNPT, kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone nhấn mạnh, thông điệp của Thủ tướng Chính phủ đầu năm 2014 đã nhắc nhở tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước phải nhanh, mạnh hơn. Chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, trong đó có MobiFone là hoàn toàn đúng, để thay đổi công nghệ, điều kiện, quản trị doanh nghiệp tốt hơn. Khi tách ra, tiến trình này với MobiFone cũng là một trong những điều kiện thuận lợi, để MobiFone tiếp tục triển khai cổ phần hóa theo chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ Thông tin và Truyền thông.

“Nếu việc cổ phần hóa MobiFone được phê duyệt, đây sẽ là cơ hội cho MobiFone mở rộng quy mô, cũng như khả năng phát triển. Qua đó, phục vụ khách hàng tốt hơn, đóng góp cho Nhà nước tốt hơn”, ông Minh nói.

MobiFone sẽ được phép bán bao nhiêu phần trăm sở hữu?

Như vậy, nếu phương án tách MobiFone ra khỏi VNPT và cổ phần hóa, thì một vấn đề được giới đầu tư đặc biệt quan tâm là, MobiFone sẽ được bán bao nhiêu phần trăm phần vốn nhà nước. Từ nhiều năm nay, MobiFone luôn là “con gà đẻ trứng vàng”, khi doanh nghiệp này luôn chiếm 50-60% doanh thu cho VNPT. Vì vậy, đây thực sự là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia mua lại cổ phần tại MobiFone.

Ông Phạm Hồng Hải cho biết, theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cổ phần của doanh nghiệp nước ngoài trong các doanh nghiệp hạ tầng có thể chiếm đến 49% cổ phần, trong khi viễn thông cũng là hạ tầng.

“Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang đàm phán, nên chưa rõ chính xác là bao nhiêu phần trăm. Về thời gian, Đề án sẽ được thực hiện từ nay đến năm 2015”, ông Hải cho biết.

Trong khi đó, TS. Võ Trí Thành cho hay, việc tìm đối tác, đặc biệt là đối tác nước ngoài để cổ phần hóa MobiFone không dễ, nhất là phải làm sao hài hòa giữa các yếu tố kinh tế, chính trị và xã hội.

Cổ phần hóa MobiFone có đi vào vết xe đổ?

Năm 2005, MobiFone đã được phép cổ phần hóa, nhưng đến nay, vẫn chưa thể thực hiện. Vì vậy, thời hạn cổ phần hóa MobiFone cũng là vấn đề được dư luận rất quan tâm.

“Trong quá trình họp bàn các phương án tách MobiFone hay VinaPhone ra khỏi VNPT, Thủ tướng Chính phủ có đặt vấn đề: nếu tách VinaPhone, rồi cổ phần hóa, thì mất mấy năm? Khi biết mất khoảng 3 năm, Thủ tướng nói: quá chậm”, ông Phạm Hồng Hải nói và cho biết, việc cổ phần hóa MobiFone phải hoàn tất vào năm 2015, chậm nhất là năm 2016.

Còn theo ông Lê Ngọc Minh, Chính phủ yêu cầu tái cơ cấu nhanh, trong ngành cũng thấy cần phải nhanh; nội bộ những người liên quan bị chi phối, như VNPT, MobiFone… cũng muốn dứt khoát nhanh và nếu kéo dài, sẽ ảnh hưởng đến điều hành sản xuất - kinh doanh. Đến thời điểm hiện nay, Đề án Tái cấu trúc VNPT đang được Chính phủ xem xét, nhưng có thể thấy rõ rằng, thị trường viễn thông sẽ có nhiều thay đổi lớn và năm 2014 sẽ là một năm bản lề để ngành này tái cấu trúc.

Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn sẽ tiếp tục phản ánh chủ đề này trong các bản tin tiếp theo.

Tin liên quan
Tin khác