Doanh nghiệp
Cổ phần hóa nghẽn là do chính quyền địa phương
Mạnh Bôn - 08/04/2019 08:53
Quý I đã trôi qua, nhưng chưa doanh nghiệp nào trong số 18 doanh nghiệp được cổ phần hoá theo kế hoạch năm 2019. Còn năm 2018, chỉ có 23/64 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hoá. “Tiến trình cổ phần hoá chậm chạp, có nguyên nhân chính là đất đai”, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) nhận định.
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính).

Pháp luật về đất đai đã đầy đủ, thưa ông, vì sao cổ phần hoá vẫn vướng về đất đai?

Theo quy định về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, thì tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp có vốn nhà nước từ 50% trở lên đều phải lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất để trình cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, phê duyệt, chứ không riêng gì doanh nghiệp thuộc đối tượng cổ phần hoá.

Riêng doanh nghiệp thuộc đối tượng cổ phần hoá bắt buộc phải rà soát toàn bộ diện tích đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt trước thời điểm quyết định cổ phần hoá. Trường hợp đề xuất sử dụng đất của doanh nghiệp chưa phù hợp với quy hoạch chung của địa phương và không đúng mục đích sử dụng đất thì doanh nghiệp phải trả lại cho Nhà nước để sử dụng vào mục đích khác.

Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, UBND cấp tỉnh phải có ý kiến chính thức đối với toàn bộ diện tích đất doanh nghiệp sẽ tiếp tục sử dụng sau khi chuyển thành công ty cổ phần và giá đất cụ thể của từng mảnh đất theo mục đích sử dụng đất theo đúng quy hoạch.

Quy định là 30 ngày, UBND cấp tỉnh phải phê duyệt phương án sử dụng đất cho doanh nghiệp, nhưng rất nhiều trường hợp phải mất 3 tháng, 6 tháng, thậm chí là 9 tháng, UBND cấp tỉnh mới phê duyệt phương án sử dụng đất. Không có phương án sử dụng đất, thì không thể biết doanh nghiệp sử dụng bao nhiêu mảnh đất, diện tích mỗi mảnh bao nhiêu, giá trị mỗi mảnh đất thế nào, sau khi cổ phần hoá doanh nghiệp sử dụng diện tích đất đai vào mục đích gì thì không xác định được giá trị doanh nghiệp. Không xác định được giá trị doanh nghiệp, tất nhiên không thể phê duyệt được phương án cổ phần hoá. Không có phương án cổ phần hoá, thì làm sao IPO để chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần được.

Tóm lại, cổ phần hoá tắc ở nhiều khâu, nhưng khâu quan trọng nhất là tắc ở đất đai. Hay nói đúng hơn, cổ phần hoá tắc do UBND cấp tỉnh chậm phê duyệt phương án sử dụng đất cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp có chậm trễ trong xây dựng phương án sử dụng đất không, thưa ông?

Các doanh nghiệp cổ phần hoá trong giai đoạn này đều có quy mô lớn, hoạt động trên địa bàn rộng, ở nhiều địa phương, đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực; quản lý rất nhiều tài sản là đất đai hình thành từ nhiều nguồn vốn khác nhau. Doanh nghiệp không chỉ quản lý, sử dụng đất đai ở nhiều địa phương trong cả nước, mà nguồn gốc hình thành đất đai cũng rất đa dạng, thậm chí nhiều mảnh đất còn không có giấy tờ pháp lý rõ ràng, nên việc xây dựng phương án sử dụng đất vô cùng phức tạp.

Với những doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nhiều địa phương, chỉ cần một mảnh đất ở một địa phương nào đó bị vướng thì cả phương án sử dụng đất bị tắc lại. Đơn cử, tiến trình cổ phần hoá Agribank đã khởi động từ năm 2017. Từ đó đến nay vẫn trong quá trình rà soát đất đai để lên phương án sử dụng đất, nhưng vẫn chưa xong vì Agribank hoạt động rộng khắp các quận, huyện trong cả nước, có rất nhiều chi nhánh, phòng giao dịch với hàng ngàn mảnh đất ở vị trí khác nhau, có giá trị khác nhau, nên việc rà soát đất đai để xây dựng phương án sử dụng rất phức tạp. Chưa xây dựng được phương án sử dụng đất thì chưa thể cổ phần hoá được.

Tựu trung, tiến trình cổ phần hoá nhanh hay chậm gắn chặt với tiến trình sắp xếp đất đai của chính quyền địa phương. Đây là trách nhiệm của chính quyền địa phương, vì theo quy định, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng hướng dẫn doanh nghiệp cổ phần hoá thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục ký hợp đồng thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật hiện hành về đất đai.

Nếu trường hợp nào xử lý đất đai vướng mắc quá, sao không nghĩ đến giải pháp cho nợ phương án sử dụng đất, hoặc doanh nghiệp có mảnh đất nào chưa xử lý được thì cho treo lại?

Như tôi đã nói, không có phương án sử dụng đất thì không xác định được giá trị quyền sử dụng đất, nên không xác định được giá trị doanh nghiệp, làm sao chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần được.

Vì vậy, dứt khoát phải thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 60/2018/QH14 của Quốc hội. Theo đó, Chính phủ phải chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát diện tích đất của tất cả doanh nghiệp nhà nước, hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thực hiện việc xác định giá đất cụ thể phù hợp với quy định của Luật Đất đai để xác định đúng giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá, tính đúng, tính đủ tiền thuê đất của doanh nghiệp, tránh thất thu cho ngân sách nhà nước.

Các bộ, ngành, địa phương phải quản lý chặt chẽ, tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất của doanh nghiệp sau cổ phần hoá, bảo đảm tuân thủ phương án sử dụng đất đã được phê duyệt trong phương án cổ phần hoá doanh nghiệp; trường hợp được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khác với phương án đã được phê duyệt thì tổ chức thu hồi và đấu giá công khai theo quy định của pháp luật; nghiêm túc thực hiện quy định của pháp luật đất đai về thu hồi đất đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai.

Bên cạnh đó, các địa phương phải thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất sản xuất của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hoá, sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011 - 2017.

Nếu không cho nợ phương án sử dụng đất, cho treo lại những mảnh đất quá phức tạp thì tiến trình cổ phần hoá khó về đích đúng tiến độ, thưa ông?

Giai đoạn trước cũng đã từng cho nợ phương án sử dụng đất, tạm treo lại những mảnh đất phức tạp, đã dẫn đến tham nhũng, lãng phí và làm thất thoát tài sản nhà nước. Cho nợ phương án sử dụng đất hoặc cho treo lại những mảnh đất bị vướng mắc, cơ quan quản lý nhà nước không thể biết được sau khi chuyển thành công ty cổ phần, doanh nghiệp sử dụng vào việc gì. Dễ dẫn đến các doanh nghiệp chuyển mục đích sử dụng đất, dẫn tới thất thoát tài sản nhà nước, vì khi chuyển thành công ty cổ phần, doanh nghiệp được kế thừa quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước cũ, tức là họ cũng kế thừa luôn quyền quản lý, sử dụng đất và tìm cách chuyển mục đích sử dụng đất.

Vì vậy, dứt khoát phải thực thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 12/NQ-TW là phải hoàn thiện đầy đủ hồ sơ pháp lý của các tài sản trước khi tiến hành sắp xếp, cổ phần hoá hay thoái vốn. Tiến trình cổ phần hoá, thoái vốn không thể kéo dài, dây dưa với bất cứ lý do gì, vì Chỉ thị 01/CT-TTg (ngày 5/1/2019) đã yêu cầu xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong việc để chậm trễ trong công tác cổ phần hoá, thoái vốn, quyết toán cổ phần hoá...

Tin liên quan
Tin khác