1- TCM: Khuyến nghị MUA thêm
(CTCK Sài Gòn - SSI)
Năm 2013, CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) ước tính doanh thu thuần và lợi nhuận ròng sẽ đạt khoảng 2.534 tỷ đồng và 116 tỷ đồng.
Chúng tôi cho rằng, kết quả kinh doanh tích cực của TCM đã được phản ánh vào giá. Nhà đầu tư nên quan tâm hơn tới triển vọng năm 2014.
Cổ tức năm 2013 có thể là 10% bằng tiền mặt theo như kế hoạch đề ra. Năm 2014, Công ty đặt kế hoạch doanh thu thuần đạt 131 triệu USD (tăng 9,2% so với năm trước) và lợi nhuận ròng 7,6 triệu USD. Trong vài năm tới, Công ty sẽ duy trì tỷ lệ cổ tức khoảng 10-15% bởi công ty phải đầu tư để tăng công suất. Chúng tôi duy trì ước tính và quan điểm MUA cổ phiếu TCM
2- Ngành Dệt May: Cơ hội đến từ TPP
(CTCK Maybank KimEng - MBKE)
2013 tiếp tục là một năm thành công đối với các doanh nghiệp ngành dệt may. Tính đến tháng 11/2013, giá trị xuất khẩu hàng dệt may đạt 16,24 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2012.
So với mức kế hoạch giá trị xuất khẩu đạt 18 tỷ USD cả năm 2013, nhiều khả năng ngành dệt may sẽ hoàn thành mục tiêu do các đơn hàng may mặc thường sẽ tăng hơn trong dịp cuối năm.
Trong năm 2012, nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam gặp khó khăn khi số lượng đơn hàng sụt giảm do nền kinh tế tại một số thị trường trọng điểm bị suy yếu, đặc biệt là Hoa Kỳ và khu vực Châu Âu. Tuy nhiên, tăng trưởng mạnh tại các thị trường còn lại giúp giá trị xuất khẩu ngành dệt may năm 2012 vẫn duy trì đà tang trưởng.
Năm 2013, giá trị xuất khẩu vào bốn thị trường chủ lực của dệt may Việt Nam đều ghi nhận mức tăng trưởng khá tốt. Cụ thể, xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 7,78 tỷ USD (+14,2% so với cùng kỳ), sang Châu Âu đạt 2,44 tỷ USD (+10,4% so với cùng kỳ), sang Nhật Bản đạt 2,18 tỷ USD (+21,5% so với cùng kỳ) và sang Hàn Quốc đạt 1,5 tỷ USD (+51,8% so với cùng kỳ).
Dệt may được kỳ vọng là ngành được hưởng lợi lớn nhất của Việt Nam từ Hiệp định “Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương - (TPP)”. Dự kiến sau khi TPP chính thức có hiệu lực (dự kiến vào giữa năm 2014), sẽ có đến hơn 90% mặt hàng dệt may xuất khấu vào thị trường Hoa Kỳ (cũng như các nước thành viên khác của TPP) được điều chỉnh thuế suất về mức 0% so với mức trung bình 17% hiện tại.
Điểm đáng lưu ý là Trung Quốc - nước đang chiếm thị phần xuất khẩu lớn nhất vào Hoa Kỳ đến hiện tại vẫn chưa tham gia đàm phán TPP (và nhiều khả năng sẽ không tham gia hiệp định này). Đây sẽ là lợi thế cạnh tranh rất đáng kể dành cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.
Hiệp định TPP tạo cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may Việt Nam nhưng cũng đặt ra rất nhiều thách thức.
Tính đến các vòng đàm phán hiện tại, Hoa Kỳ không có thay đổi trong quan điểm xác định “nguồn gốc hàng hóa”, theo đó chỉ những hàng hóa tuân thủ nguyên tắc xuất xứ “yarn forward” (từ công đoạn tạo ra sợi trở đi) mới được hưởng mức thuế suất ưu đãi do TPP mang lại.
Việt Nam chỉ mới đáp ứng khoảng 50% nhu cầu nguyên liệu sợi trong nước, số còn lại nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc. Chỉ duy nhất có Hàn Quốc vừa lên tiếng xác nhận sẽ tham gia đàm phán TPP trong khi Trung Quốc và Đài Loan hoàn toàn chưa có sự quan tâm đối với hiệp định này.
Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam nếu không mau chóng gia tăng tỷ trọng nội địa hóa các công đoạn từ sợi trở đi, sẽ phải nhường “phần bánh ngon nhất” cho các doanh nghiệp FDI - vốn đang đổ bộ ồ ạt vào Việt Nam trong những năm qua để sản xuất các nguyên phụ liệu ngành dệt may nhằm đón đầu TPP.
TL (ĐTCK)