Cổ phiếu điện khó tăng phi mã
Chí Tín - 12/03/2015 14:35
Giá điện tăng đang là mối quan tâm với công chúng dưới nhiều góc độ khác nhau. Riêng với sàn chứng khoán, việc tăng giá điện lại xen kẽ những góc vui - buồn khác nhau theo từng nhóm cổ phiếu.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Tăng giá điện và bài toán hiệu quả đầu tư
Giá xăng tăng 1.600 đồng/lít từ 11/3
Tăng giá điện từ ngày 16/3/2015

Từ ngày 16/3, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ chính thức điều chỉnh tăng giá điện thêm 7,5%, tương ứng giá bán điện bình quân 1.622,05 đồng/kWh. Đương nhiên, giá điện tăng sẽ là tín hiệu lạc quan đối với các cổ phiếu ngành điện, nhưng với doanh nghiệp kinh doanh nhiều ngành nghề khác, điều này đồng nghĩa với chi phí đầu vào sẽ tăng lên. Bất cứ doanh nghiệp nào cũng đều ít nhiều có chi phí tiêu thụ điện trong cơ cấu chi phí, nhưng có lẽ, các doanh nghiệp ngành công nghiệp sẽ là những đối tượng kém vui nhất trước thông tin này.

 

Với các doanh nghiệp ngành điện, mới đây, Công ty cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC) vừa đưa cổ phiếu NT2 của Công ty cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (PV Power) là điểm nhấn đầu tư. Theo đánh giá của bà Vũ Thu Hà (phòng Phân tích BSC), NT2 sẽ tiết giảm được nhiều chi phí trong năm 2015 và được hưởng lợi trực tiếp trong xu hướng giảm giá của đồng EUR.

Hiện PV Power cung cấp khoảng 3,4% tổng sản lượng điện tiêu thụ của Việt Nam, là nhà máy nhiệt điện khí có công suất lớn thứ 3 của Việt Nam. Kết quả kinh doanh của PV Power tăng mạnh trong năm 2014 với lợi nhuận sau thuế đạt 933 tỷ đồng, tăng đột biến so với lợi nhuận 8 tỷ đồng năm 2013, tương đương thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) năm 2014 đạt 3.645 đồng.

Chuyên gia phân tích của BSC đánh giá, NT2 sẽ duy trì kết quả kinh doanh khả quan từ năm 2015. Cơ sở cho lập luận này là sản lượng điện sản xuất tăng nhẹ do không có sửa chữa lớn, khấu hao năm 2015 sẽ tiếp tục giảm khoảng 140 tỷ đồng so với cùng kỳ, giá đồng EUR được dự báo sẽ tiếp tục giảm giúp doanh nghiệp ghi nhận khoản lãi tỷ giá đáng kể.

Ngoài ra, PV Power còn được hưởng lợi nhờ phân bổ lỗ chênh lệch tỷ giá trong quá trình xây dựng cơ bản giảm mạnh từ năm 2015 và Công ty sẽ được thực hiện ghi nhận khoản hồi tố chênh lệch doanh thu bán điện giai đoạn 2011-2013 vào kết quả kinh doanh giai đoạn 2014-2017.

Không chỉ NT2, cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp điện khác cũng trở thành tâm điểm chú ý của giới đầu tư trước thông tin tăng giá điện lần này. PPC của Nhiệt điện Phả Lại đã rục rịch tăng giá từ cuối tuần trước, đi lên từ mốc khoảng 24.000 đồng/cổ phiếu lên hơn 25.000 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu SBA của Công ty cổ phần Sông Ba tăng từ 10.600 đồng/cổ phiếu hồi đầu tháng 3 lên mốc trên 11.000 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu BTP của Công ty cổ phần Nhiệt điện Bà Rịa tăng từ 15.200 đồng/cổ phiếu hồi đầu tháng 3 lên 15.600 đồng/cổ phiếu…

Tuy nhiên, thực tế cổ phiếu điện cũng khó có cơ hội tăng phi mã trong thời gian tới. Bởi lẽ, việc EVN tăng giá bán điện sẽ chỉ là một lợi thế lâu dài cho các công ty sản xuất điện, chứ chưa thể đem lại lợi nhuận tức thời cho các công ty này, bởi doanh thu của các nhà máy điện còn phụ thuộc vào giá mua điện của EVN đối với từng nhà máy cụ thể. Do đó, sau một số phiên hứng khởi vào cuối tuần trước - chủ yếu mang tính tâm lý - một số cổ phiếu điện đã có tín hiệu điều chỉnh.

Trong khi đó, trái ngược với niềm vui của nhóm cổ phiếu điện, các cổ phiếu các ngành sản xuất đang phải đối mặt với những khoản chi phí sẽ phát sinh lớn hơn do giá điện tăng. Trong số các ngành nghề khác nhau, các ngành công nghiệp, sản xuất nguyên vật liệu… sẽ là những ngành ảnh hưởng lớn nhất từ tăng giá điện, bởi đây là những lĩnh vực có nhu cầu tiêu thụ điện nhiều trong sản xuất, kinh doanh.

Ở một góc nhìn lạc quan hơn, mặc dù tăng giá điện là thông tin không vui với các nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu công nghiệp, nhưng áp lực này cũng không quá lớn, bởi các doanh nghiệp này cũng là những đối tượng đang được hưởng lợi khá lớn nhờ giá xăng dầu giảm liên tục thời gian qua. Theo đó, việc tiết giảm chi phí nhờ giá xăng dầu thấp cũng có thể bù đắp được phần chi phí gia tăng do giá điện tăng thời gian tới.

Hơn nữa, các doanh nghiệp lĩnh vực này cũng đang là đối tượng bắt đầu bắt nhịp với các thuận lợi từ sự ấm lên của nền kinh tế vĩ mô. Theo công bố mới đây từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), các doanh nghiệp công nghiệp niêm yết chỉ đứng sau ngành dầu khí và khai khoáng về lợi nhuận quý IV/2014. Cụ thể, ngành công nghiệp có 98 doanh nghiệp niêm yết trên HNX kinh doanh có lãi, với tổng lãi 1.404 tỷ đồng, chiếm 27,9% tổng giá trị lãi của tất cả doanh nghiệp niêm yết.

Tin liên quan
Tin khác