Cụ thể, Tổng công ty Licogi – CTCP (mã LIC – sàn UPCoM) đăng ký bán 880.000 cổ phiếu L14 để giảm sở hữu từ 22,2% về còn 19,4% vốn điều lệ, giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 29/5 đến ngày 29/6.
Bối cảnh bán, cổ phiếu L14 vừa có nhịp hồi phục. Cụ thể, từ ngày 15/11/2022 đến ngày 26/5/2023, cổ phiếu L14 tăng hơn 1,43 lần từ 18.300 đồng lên 44.500 đồng/cổ phiếu.
Được biết, Tổng công ty Licogi – CTCP là công ty nhà nước. Trong đó, tính tới 31/3/2023, cơ cấu cổ đông của Tổng công ty Licogi – CTCP bao gồm Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sở hữu 40,71% vốn điều lệ; Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Khu đông sở hữu 35% vốn điều lệ; và còn lại 24,29% vốn điều lệ thuộc về các cổ đông khác.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn (Thầy A7) không còn là thành viên HĐQT
Licogi 14 vừa công bố danh sách 5 thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới 2023-2028 gồm ông Phạm Gia Lý, ông Nguyễn Anh Dũng, Hoàng Hàng Hải, Nguyễn Văn Tuấn và Phạm Hùng Cường.
Được biết, cuối năm 2022, Licogi 14 có 5 thành viên HĐQT gồm ông Phạm Gia Lý (Chủ tịch HĐQT), ông Lại Xuân Hùng, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, ông Phạm Hùng Cường và ông Nguyễn Anh Dũng.
Như vậy, Licogi 14 đã rút khỏi chức danh thành viên HĐQT của ông Nguyễn Mạnh Tuấn và Lại Xuân Hùng. Ngược lại, bầu bổ sung ông Hoàng Hàng Hải và Nguyễn Văn Tuấn.
Điểm đáng lưu ý, ông Nguyễn Mạnh Tuấn (hay gọi là Thầy A7) được bổ nhiệm vào vị trí thành viên HĐQT tại Licogi 14 từ tháng 4/2016 tới nay.
Như vậy, Thầy A7 đã chính thức rút khỏi thành viên HĐQT tại Licogi 14, điều này đồng nghĩa không có nghĩa vụ công bố thông tin về giao dịch mua/bán cổ phiếu L14 trong thời gian tới.
Được biết, tính tới cuối năm 2022, ông Nguyễn Mạnh Tuấn sở hữu 182.159 cổ phiếu L14; chị gái Nguyễn Thúy Ngư sở hữu 830.734 cổ phiếu L14; và người thân Nguyễn Thị Tươi sở hữu 591 cổ phiếu L14.
Ở một diễn biến đáng chú ý khác, bà Nguyễn Thúy Ngư, chị gái ông Nguyễn Mạnh Tuấn vừa bán ra thêm 304.800 cổ phiếu L14 để giảm sở hữu từ 2,69% về còn 1,7% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện từ ngày 15/3 đến ngày 13/4.
Licogi 14 bán ra toàn bộ danh mục đầu tư cổ phiếu trong quý I/2023
Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý I/2023, Licogi 14 ghi nhận doanh thu đạt 31,11 tỷ đồng, tăng 70,9% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 3,28 tỷ đồng, giảm 63,9% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 78,1% về còn 6,6%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 85,5% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 12,15 tỷ đồng, về 2,06 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 33%, tương ứng giảm 2,59 tỷ đồng, về 5,27 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 65,6%, tương ứng giảm 3,32 tỷ đồng, về 1,74 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 73,9%, tương ứng giảm 4,18 tỷ đồng, về 1,48 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Được biết, trong năm 2023, Licogi 14 đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 195 tỷ đồng, tăng 4,9% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế 25 tỷ đồng, tăng 31,6% so với thực hiện trong năm 2022. Như vậy, kết thúc quý đầu năm 2023, Công ty chỉ hoàn thành 13,1% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tính tới 31/3/2023, tổng tài sản của Licogi 14 giảm 2,5% so với đầu năm, tương ứng giảm 14,2 tỷ đồng, về 552,6 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 225,5 tỷ đồng, chiếm 40,8% tổng tài sản; tồn kho ghi nhận 161,2 tỷ đồng, chiếm 29,2% tổng tài sản; đầu tư tài chính dài hạn ghi nhận 56,1 tỷ đồng, chiếm 10,2% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Điểm đáng lưu ý, thời điểm 31/3/2023, giá trị đầu tư chứng khoán của công ty là 0 đồng so với đầu năm đầu tư 14,19 tỷ đồng. Ngoài ra, đỉnh điểm thời điểm 31/12/2021, Công ty từng ghi nhận danh mục đầu tư chứng khoán lên tới hơn 486 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối năm 2021, Công ty thuyết minh đầu tư 298 tỷ đồng cổ phiếu CEO và đầu tư 188 tỷ đồng vào cổ phiếu DIG.
56,1 tỷ đồng đầu tư vào Đầu tư tài chính Licogi 14
Về khoản mục đầu tư tài chính dài hạn, Công ty cho biết đang sở hữu 48,57% vốn điều lệ CTCP Đầu tư tài chính Licogi 14, tương ứng 56,1 tỷ đồng và ghi nhận theo phương pháp giá gốc (lãi/lỗ trong kỳ không hợp nhất vào báo cáo của Licogi 14).
Điểm đáng lưu ý, đầu năm 2022, Licogi 14 sở hữu 51% vốn CTCP Đầu tư tài chính Licogi 14 và ghi nhận đầu tư vào công ty con, nhưng cuối năm 2022 chỉ còn sở hữu 48,57% và ghi nhận đầu tư vào công ty liên kết CTCP Đầu tư tài chính Licogi 14. Nguyên nhân chủ yếu do CTCP Đầu tư tài chính Licogi 14 thực hiện tăng vốn điều lệ từ 110 tỷ đồng lên 404,25 tỷ đồng (phát hành 0,55 triệu cổ phiếu ESOP với tỷ lệ 5%, trả cổ tức và thưởng cổ phiếu tỷ lệ 250% từ nguồn vốn của Công ty).
Việc phát hành cổ phiếu ESOP là nguyên nhân chính dẫn tới tỷ lệ sở hữu của Licogi 14 tại CTCP Đầu tư tài chính Licogi 14 giảm từ 51% về 48,57% và chính thức chuyển CTCP Đầu tư tài chính Licogi 14 từ công ty con sang công ty liên kết trong báo cáo bán niên năm 2022.
Trước khi thay đổi cách hạch toán CTCP Đầu tư tài chính Licogi 14, Licogi 14 cho biết, báo cáo hợp nhất 6 tháng đầu năm 2022 lỗ 234,36 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu do trích lập 379,56 tỷ đồng đầu tư chứng khoán trong danh mục 688,51 tỷ đồng (tạm lỗ 55,1% tổng danh mục). Licogi 14 không thuyết minh, nhưng nhà đầu tư đều biết rằng, đầu năm 2022, danh mục đầu tư chủ yếu của Công ty là cổ phiếu CEO (61,3% tổng danh mục) và cổ phiếu DIG (38,7% tổng danh mục).
Tuy nhiên, bằng việc thay đổi cách hạch toán CTCP Đầu tư tài chính Licogi 14, thực hiện ghi nhận bằng phương pháp vốn gốc đối với công ty liên kết, trong 6 tháng đầu năm 222, Licogi 14 đã chuyển từ lỗ 234,36 tỷ đồng sang lỗ 23,73 tỷ đồng, giảm lỗ tới 210,63 tỷ đồng, do không phải hợp nhất CTCP Đầu tư tài chính Licogi 14 vào Licogi 14.
Thực tế, tính từ sau khi thay đổi hạch toán (từ ngày 1/7 đến 30/12/2022), giá cổ phiếu CEO tiếp tục giảm 36,4%; cổ phiếu DIG giảm 52,2%. Nếu không cắt lỗ, tiếp tục nắm danh mục cổ phiếu CEO và DIG, thì trong 6 tháng cuối năm 2022, mức lỗ của Licogi 14 có thể còn lớn hơn nhiều so với mức lỗ đã trích lập 379,56 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2022.