Trong vòng hơn 3 năm trở lại đây, kể từ đại dịch Covid-19, thị trường chứng khoán đã liên tục biến động, tăng cao kỷ lục và sau đó là lao dốc. Điều này dẫn tới nhiều hiện tượng đáng chú ý trên thị trường.
Trong cơn sốt chứng khoán kéo dài từ đầu năm 2020 đến cuối năm 2021, thị trường chứng kiến đà bùng nổ khi chỉ số VN-Index vượt 1.500 điểm, định giá P/E của thị trường lên tới hơn 22 lần và nhiều chuyên gia dự báo thị trường tiếp tục tăng khi định giá vẫn còn rẻ, chỉ số có thể tăng lên 1.800 điểm.
Trong số những người lạc quan về thị trường, có cả lãnh đạo của doanh nghiệp niêm yết như ông Nguyễn Mạnh Tuấn, thành viên HĐQT Licogi 14 (mã L14), khi liên tục mở các khóa đào tạo có thu phí đối với học viên thông qua các buổi livestream, đồng thời truyền đạt tư tưởng đầu tư giá trị với các cổ phiếu sở hữu quỹ đất như của Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng - DIC Corp (mã DIG) và cổ phiếu của Tập đoàn C.E.O (mã CEO).
Đỉnh điểm, ông Nguyễn Mạnh Tuấn đã định giá cổ phiếu DIG lên tới 500.000 đồng/cổ phiếu, gây nên cơn sốt đối với nhà đầu tư. Trong đó, nhờ vào việc thị trường bùng nổ, nhiều cổ phiếu tăng cao, các cổ phiếu được ông Tuấn nhắc tên đều tăng, điều này càng củng cố uy tín và được nhiều người tin theo.
Được biết, để tạo dựng câu chuyện hấp dẫn và thu hút nhiều người tham gia đầu tư vào cổ phiếu L14, ông Tuấn đã dùng sự ảnh hưởng trên các diễn đàn chứng khoán, thông qua các buổi livestream, cũng như nhờ vào lượng người theo dõi bài viết hùng hậu để giới thiệu những khoản đầu tư tiềm năng của Licogi 14, đặc biệt là 2 cổ phiếu nằm trong danh mục đầu tư của Licogi 14 là cổ phiếu DIG và CEO.
Phương pháp “hỗ trợ” sức nóng cổ phiếu DIG và CEO được ông Tuấn đưa ra tại các diễn đàn là định giá tài sản bằng quỹ đất, thực hiện so sánh quỹ đất của DIC Corp, C.E.O với các tập đoàn bất động sản lớn, cũng như định giá lại quỹ đất để tăng giá trị tài sản gấp nhiều lần so với giá sổ sách (không đề cập quỹ đất chậm triển khai, đội vốn đầu tư). Từ đó, một số môi giới chứng khoán đã liên tục khuyến nghị, nâng mức giá mục tiêu.
Cùng thời điểm đó, lượng nhà đầu tư mới (F0) đổ vào thị trường chứng khoán tăng kỷ lục. Các F0 rất tự tin và hưng phấn, chủ yếu tìm “câu chuyện” và tìm mã để đầu tư, mà quên đi dự phòng rủi ro. Ngoài ra, khi lãi suất thấp, lạm phát có dấu hiệu quay trở lại, thị trường kỳ vọng vào bất động sản là kênh bảo vệ tài sản khỏi lạm phát.
Những yếu tố trên cộng dồn đã thu hút lượng lớn đầu tư vào cổ phiếu CEO và DIG. Thêm nữa, trùng với hệ tư tưởng đầu tư giá trị của ông Nguyễn Mạnh Tuấn truyền đạt cho học viên bên ngoài, đơn vị mà ông công tác là Licogi 14 cũng có hoạt động đầu tư tài chính tương tự vào các mã cổ phiếu được ông nhắc tên.
Cụ thể, thời điểm 31/12/2020, Licogi 14 không đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên, thời điểm 31/12/2021, giá trị đầu tư chứng khoán là 486 tỷ đồng, chiếm 41,8% tổng tài sản (trong đó, 298 tỷ đồng vào cổ phiếu CEO và 188 tỷ đồng vào cổ phiếu DIG) và đỉnh điểm 31/3/2022, giá trị đầu tư chứng khoán là 700,6 tỷ đồng, bằng 54,6% tổng tài sản.
Với những hành động truyền đạt tư tưởng bài bản về đầu tư giá trị, cũng như giá cổ phiếu tăng và làn sóng nhà đầu tư F0 đang hưng phấn, có nhiều thời điểm nhóm cổ phiếu L14, DIG và CEO tạo thành một nhóm khi có độ tương quan cao, cùng tăng, cùng giảm.
Bước sang năm 2022, sau khi cơn cổ phiếu bất động sản qua đi, các cổ phiếu được ông Nguyễn Mạnh Tuấn nhắc tên đều lao dốc. Trong đó, đỉnh điểm từ ngày 11/1/2022 đến ngày 15/11/2022, cổ phiếu DIG giảm 89,7%, từ 98.200 đồng về 10.100 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu CEO giảm 91,2%, từ 91.600 đồng về 8.100 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu L14 giảm 94,9%, từ 360.580 đồng về 18.300 đồng/cổ phiếu.
Trái với thời kỳ hưng phấn trước đó, ông Nguyễn Mạnh Tuấn không còn xuất hiện với những bài viết và buổi livestream như trước, mà thay vào đó, đơn vị ông công tác tính tới 31/3/2023 đã bán ra toàn bộ danh mục đầu tư chứng khoán, không còn đầu tư chứng khoán. Ngoài ra, trong nhiệm kỳ mới của Licogi 14, từ năm 2023 đến năm 2028, không có tên ông Nguyễn Mạnh Tuấn trong Hội đồng Quản trị.
Thực tế, sau cơn sốt chứng khoán kéo dài từ giữa năm 2020 đến cuối năm 2021, nhiều nhà đầu tư đã đẩy mạnh tham gia vào thị trường với câu chuyện tiền rẻ, tâm lý hưng phấn lan rộng, góp phần đẩy giá nhiều cổ phiếu tăng mạnh. Trong khi đó, thay vì nghiên cứu và tìm kiếm cơ hội đầu tư, nhiều người lại chọn đường tắt là tìm tới hội nhóm, khóa học làm giàu để “bắt chước”.
Việc bùng nổ của thị trường chứng khoán khi sóng tăng, điều này giúp các nhận định, phân tích hầu như đều chính xác, từ đó thu hút nhiều nhà đầu tư F0 tham dự. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán không phải luôn “màu hồng”, sau giai đoạn bùng nổ là giai đoạn thoái trào. Khi nhà đầu tư không chuẩn bị kịch bản dự phòng, thì khi thị trường đảo chiều, sẽ chịu thiệt hại nặng.