Việc năm 2018 hứa hẹn là một năm bội thu đối với ngành ngân hàng đang được kỳ vọng sẽ tạo lực đẩy cho cổ phiếu vua bật tăng. Tuy nhiên, với đà tăng mạnh trong thời gian qua, liệu cổ phiếu nhóm này có thể tiếp tục giữ xu hướng lên dốc?
Giá cổ phiếu ngân hàng đang nhận được những trợ lực tích cực |
Kết thúc quý I, đa số các nhà băng đều có kết quả lợi nhuận cao hơn cùng kỳ năm ngoái, trong đó không ít nhà băng có tốc độ tăng trưởng trên 50%, thậm chí tính bằng lần. Vietcombank (VCB) là ngân hàng có lãi trước thuế cao nhất với 4.359 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1/3 kế hoạch cả năm.
Tiếp sau đó là VietinBank, với lợi nhuận trước thuế đạt 3.027 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. BIDV, VPBank và Techcombank lần lượt đạt lợi nhuận trước thuế 2.700 tỷ đồng, 2.619 tỷ đồng và 2.569 tỷ đồng trong quý I. Con số này đối với HDBank là 1.045 tỷ đồng và với ACB là 1.500 tỷ đồng.
Không chỉ các ngân hàng nhóm đầu, có quy mô lớn thu về kết quả khả quan, nhiều nhà băng nhỏ cũng công bố lợi nhuận trên dưới 600 tỷ đồng trước thuế. Chẳng hạn, OCB báo lãi 600 tỷ đồng, VIB và TPBank vượt 500 tỷ đồng, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. ABBank có lợi nhuận trước thuế đạt 383 tỷ đồng, tăng 3,7 lần so với quý I/2017.
Lợi nhuận quý đầu năm tăng trưởng mạnh, cho dù thông thường, đây được xem là khoảng thời gian có hoạt động kinh doanh chậm khởi sắc nhất trong năm đã phần nào minh chứng cho các dự báo lạc quan về triển vọng của ngành ngân hàng trong năm nay. Theo đó, với việc nợ xấu được đẩy mạnh xử lý nhờ Nghị quyết 42, nền kinh tế tăng trưởng tích cực, quá trình tái cơ cấu bắt đầu cho ra “trái ngọt”, các ngân hàng sẽ có cơ hội để gia tăng mạnh mẽ doanh thu và lợi nhuận, đồng thời mở rộng hoạt động hơn nữa.
Trong bối cảnh cảnh này, cùng với làn sóng lên sàn của một số ngân hàng như TPBank, Techcombank và VIB…, giá cổ phiếu ngân hàng đang nhận được những trợ lực tích cực, dần khẳng định lại vị thế “cổ phiếu vua” trên thị trường. Theo đó, cổ phiếu ngân hàng đóng vai trò dẫn dắt đà tăng của chỉ số VN-Index, với những cái tên nổi trội nhờ đà tăng tích cực như VPB, ACB, MBB, CTG, BID, VCB…
Trong phiên giao dịch chiều ngày 7/5, các cổ phiếu kể trên giao dịch lần lượt ở mức 55.900 đồng; 46.000 đồng; 32.200 đồng; 30.450 đồng; 34.750 đồng; 62.100 đồng/cổ phiếu và được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng giá trong thời gian tới.
Hiện tại, không ít nhà đầu tư đang để mắt tới các cổ phiếu sắp lên sàn như Techcombank, VIB. Trong đó, Techcombank đã chào bán thành công 164.076.954 cổ phiếu phổ thông cho các nhà đầu tư tổ chức.
Với giá bán chốt ở mức 128.000 đồng/cổ phiếu (tương đương 5,62 USD/cổ phiếu), đợt chào bán này giúp Ngân hàng huy động được khoảng 21.000 tỷ đồng (xấp xỉ 922 triệu USD), tương đương với mức vốn hóa thị trường đạt 6,5 tỷ USD. Vì vậy, giá cổ phiếu Techcombank sắp chào sàn HOSE ít có khả năng ở mức thấp.
Đánh giá về triển vọng cổ phiếu ngân hàng năm 2018, ông Nguyễn Quang Thuân - CEO StoxPlus tin rằng, vẫn còn dư địa đi lên, bởi tình hình hoạt động lạc quan của các nhà băng.
Cụ thể, các khoản nợ bán cho VAMC sẽ được thu hồi đầy đủ; thu nhập từ tín dụng nhiều khả năng duy trì ổn định tại mức biên lợi nhuận (NIM) quanh 3%, một vài ngân hàng với nền tảng bán lẻ tốt hơn sẽ cải thiện được NIM; phí thu về từ đối tác với nhà cung cấp dịch vụ tài chính thứ ba sẽ dẫn dắt tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng có nền tảng khách hàng gửi tiền lớn…
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, cổ phiếu ngân hàng đã khởi sắc và tăng trưởng “nóng” trong thời gian qua nên đầu tư vào cổ phiếu ngành này phải chấp nhận một thực tế là khó có thể tránh sự đảo chiều. Đồng thời, thị trường sẽ chứng kiến quá trình phân hóa mạnh mẽ tại nhóm cổ phiếu vua.
Theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank - Kim Eng (MBKE), cổ phiếu ngân hàng tăng trưởng trong thời gian qua không phải là không có cơ sở khi hoạt động ngành tăng trưởng trở lại; lợi nhuận với nhiều gam “sáng” khi tín dụng tích cực, quá trình xử lý nợ xấu đẩy nhanh hơn kể từ khi Nghị quyết 42 ra đời. Thế nhưng, nhà đầu tư rót vốn vào cổ phiếu ngân hàng vẫn cần có tầm nhìn dài hạn.