Sau nhiều năm vắng bóng, từ đầu năm đến nay đã có 2 mã cổ phiếu ngân hàng gia nhập sàn Hose (HDB và TPBank). Cơ hội cho nhà đầu tư khi rót vốn vào các cổ phiếu ngân hàng đã và sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán sắp tới được cho là chưa hết, song rủi ro luôn có. Đáng chú ý là trước bối cảnh giá cổ phiếu ngân hàng đã tăng mạnh vừa qua.
Nợ xấu giảm, tác động tích cực lên lợi nhuận
Thời gian qua, hoạt động ngân hàng đang dần khởi sắc trở lại, tác động tích cực lên giá cổ phiếu “vua”. Theo các chuyên gia tài chính cho rằng, một trong những nguyên nhân giúp hoạt động ngân hàng tích cực đó là nền kinh tế đang dần hồi phục và trở lại chu kỳ tăng trưởng.
Mặt khác, các ngân hàng cũng đang đẩy mạnh xử lý nợ xấu bằng việc mua lại các khoản nợ đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (TCTD) - VAMC để xử lý dứt điểm, nên so với trước đây, nợ xấu hiện không còn là câu chuyện nặng nề.
Theo lãnh đạo HDBank, ngân hàng này có khả năng hoàn thành vượt mức lợi nhuận 4.000 tỷ đồng đặt ra cho năm nay |
TS. Trần Du Lịch, chuyên gia tài chính - ngân hàng nhìn nhận, tuy vẫn tiềm ẩn rủi ro đối với an toàn và hiệu quả hoạt động của các TCTD, nhưng nợ xấu đã không còn là mối lo lớn. Việc xử lý nợ xấu còn chậm là do nhiều nguyên nhân, song không thể phủ nhận những thành công khi VAMC "gom và làm sạch" bảng cân đối kế toán cho các ngân hàng.
Theo ông Lịch, bản thân các ngân hàng cũng đã nỗ lực xử lý nợ bằng trích lập dự phòng rủi ro và đẩy mạnh phát mãi tài sản, nhất là sau từ Nghị quyết 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu được ban hành. Tuy nhiên, ông Lịch cũng cho rằng, để kỳ vọng xử lý sớm và triệt để nợ xấu là điều không dễ.
Thực tế cho thấy, nhờ nợ xấu có đầu ra, tín dụng được khơi thông đã tác động tích cực lên lợi nhuận của ngân hàng năm qua và dự báo sẽ còn tăng trưởng tốt trong năm nay.
Tại một hội thảo mới đây, đại diện HDBank cho biết, lợi nhuận hợp nhất quý I/2018 đạt 1.045 tỷ đồng, tăng 170% so với cùng kỳ 2017. Trong kỳ, HDBank đã có thêm hơn 48.504 khách hàng cá nhân và 700 khách hàng doanh nghiệp, tăng 103% so với thời điểm cuối năm 2017.
Ông Trần Hoài Nam, Phó tổng giám đốc HDBank cho biết, với kết quả tốt trong quý I và sự khả quan của ngành ngân hàng, khả năng vượt chỉ tiêu gần 4.000 tỷ đồng lợi nhuận cả năm 2018 là khả thi.
Công ty chứng khoán TP.HCM (HSC) dự báo, cả 2 mảng kinh doanh từ ngân hàng mẹ và công ty tài chính sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan nhờ mạng lưới được mở rộng nhanh chóng, giúp Ngân hàng duy trì tốc độ tăng trưởng tốt trong những năm tới. Với con số lợi nhuận tích cực năm 2017, HDBank đã nâng tỷ lệ trả cổ tức cho cổ đông từ 30% lên 35%, bao gồm 15% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu.
Tính đến hết tháng 3/2018, lợi nhuận trước thuế của TPBank đạt hơn 513 tỷ đồng, tăng 2,4 lần so với cùng kỳ 2017; tổng huy động đạt 110.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức 0,95%.
Năm 2018, TPBank đặt mục tiêu lợi nhuận gần gấp đôi so với 2017, đạt 2.200 tỷ đồng; tổng tài sản tăng 11% lên gần 140.000 tỷ đồng và kiểm soát nợ xấu ở dưới mức quy định. TPBank kỳ vọng vốn hóa thị trường của Ngân hàng sẽ tăng lên ít nhất 1 tỷ USD trong năm 2018, sau khi cổ phiếu chính thức niêm yết trên sàn HOSE.
Cổ phiếu “vua” có cơ hội tăng giá?
Sau khi cổ phiếu TPB chính thức niêm yết trên HOSE, tổng số cổ phiếu ngân hàng trên thị trường đã tăng lên con số 16, trong đó 9 mã niêm yết trên HOSE, 3 mã trên HNX và 4 mã trên sàn UPCoM. Trong thời gian tới, dự kiến sẽ có 3 ngân hàng niêm yết trên HOSE là OCB, Techcombank (niêm yết mới) và VIB (chuyển từ sàn UPCoM sang). Đây được xem là cơ hội cho nhà đầu tư lựa chọn.
Lãnh đạo một nhà băng cho rằng, cổ phiếu ngân hàng đã giao dịch dưới giá trị thực trong thời gian khá dài, trước khi bùng nổ trong năm 2017 và tháng đầu năm 2018. Hơn nữa, tuy thời gian tăng kéo dài, song đây cũng chưa phải là đỉnh đối với nhóm cổ phiếu "vua".
Trong những tuần đầu tháng 4 này, cổ phiếu ngân hàng đang điều chỉnh mạnh. Do đó, cơ hội để nhóm cổ phiếu này tăng giá trở lại là rộng mở, đặc biệt trước sàn sóng lên sàn của nhóm cổ phiếu này, bên cạnh hoạt động ngành ngân hàng tiếp tục được đánh giá tích cực sẽ tạo sức hút lớn từ giới đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, theo một nhà phân tích tài chính, giá cổ phiếu ngân hàng hiện đang ở mức cao, nhất là những cổ phiếu ngân hàng mới lên sàn gần đây. Đối với những cổ phiếu sẽ chào sàn trong thời gian tới, không phải mã nào cũng tăng trưởng, mà sẽ có sự phân hóa mạnh.
Mặt khác, tính cấp bách và những lợi ích của việc tăng vốn như nâng cao năng lực tài chính, mở rộng tín dụng, hiện đại hóa cơ sở vật chất, tiến tới Basel II... là không cần bàn cãi. Nhưng khi các ngân hàng ồ ạt tăng vốn sẽ trở thành nỗi lo của các cổ đông. Bởi việc tăng vốn quá nhanh sẽ gây áp lực pha loãng cổ phiếu, khiến tốc độ tăng trưởng EPS chậm lại, đồng nghĩa với P/E của cổ phiếu ngân hàng (vốn đã ở mức khá cao hiện nay) tiếp tục tăng cao hơn.
"Do đó, vấn đề dư cung cổ phiếu ngân hàng cũng là vấn đề cần được cân nhắc", vị chuyên gia trên khuyến nghị.
Trên thực tế, tuy đang chịu áp lực điều chỉnh, mặt bằng giá chung của nhóm cổ phiếu hiện vẫn khá cao. Nổi bật trong đó là cổ phiếu VCB khi liên tục leo dốc trong 6-7 tháng qua, tăng từ vùng 35.000 đồng lên 69.900 đồng. Một số cổ phiếu khác như BID, CTG, VPB, HDB, ACB… cũng tăng khá ấn tượng.
Trong khi đó, các cổ phiếu chuẩn bị lên sàn như VIB, OCB hay TCB của Techcombank cũng tăng giá mạnh trên thị trường OTC. Đơn cử, TCB từ mức 35.000 đồng đã tăng lên hơn 100.000 đồng trong hơn 1 năm qua, OCB từ trên 20.000 đồng tăng lên gần 30.000 đồng…
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, trong bối cảnh vĩ mô ổn định và hoạt động ngành ngân hàng dự báo tích cực, nhà đầu tư rót vốn vào cổ phiếu ngân hàng nên cân nhắc yếu tố dài hạn, thay vì "lướt sóng".