Nguồn cung OTC đang khan hiếm
Cô gái H.V, nhân viên của TPBank kể: “Em mua cổ phiếu của TPBank khi cổ phiếu này đạt 30.000/cổ phiếu. Đây là mức giá cao, nhưng may vẫn còn mua được. Hiện tại, trước thời điểm cổ phiếu TPBank chính thức lên sàn, Ngân hàng dự kiến giá cổ phiếu đạt 32.000/cổ phiếu, nhưng bên ngoài giá đã tăng lên 35.000/cổ phiếu mà không có 'hàng' để mua”.
Câu chuyện cũng tương tự, anh N.M, nhân viên một công ty chứng khoán cho biết: “Thời điểm cổ phiếu Techcombank đạt mức giá 80.000/cổ phiếu, tôi đã có ý định mua vào, nhưng rồi lưỡng lự không mua. Giờ cổ phiếu này đang tăng cao, thậm chí có lúc lên hơn 100.000/cổ phiếu mà cũng không mua được".
Hệ thống ngân hàng sẽ cần huy động khoảng 3,8 tỷ USD trong năm 2018 |
Ông Đỗ Anh Tú, Phó chủ tịch HĐQT TPBank cho biết, thị trường chứng khoán thuận lợi, thanh khoản thị trường được duy trì ở mức cao là cơ hội để các ngân hàng đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán. Theo đó, TPBank sau tái cơ cấu đã có những kết quả tích cực nên quyết định lên sàn vì đây là thời điểm phù hợp.
“Vẫn có nhà đầu tư nước ngoài như Hàn Quốc muốn đầu tư vốn vào TPBank. Tuy nhiên, do room ngoại của Ngân hàng đã hết, nên hiện tại không còn cơ hội”, ông Tú nói.
Rủi ro pha loãng
Thực tế cho thấy, từ năm 2017, cổ phiếu ngân hàng đã “dồn dập” lên sàn bởi các ngân hàng cần tăng vốn rất mạnh nhằm đáp ứng tiêu chuẩn Basel II. Riêng trong năm 2018, theo ước tính của CTCK Sài Gòn (SSI), hệ thống ngân hàng sẽ cần huy động khoảng 3,8 tỷ USD, trong đó những ngân hàng thuộc nhóm lớn là có nhu cầu tăng vốn mạnh nhất.
Cổ phiếu ngân hàng tăng gấp đôi hoặc gấp ba lần thời gian qua là một thực tế. Tuy nhiên, đà tăng hiện đã chững lại, mà một trong những lý do chính là nhu cầu tăng vốn quá lớn. Việc phải phát hành hàng tỷ USD cổ phiếu sẽ tạo ra độ pha loãng mạnh sau khi lên sàn và phát hành thêm.
Nhu cầu tăng vốn lớn tạo sự quan ngại nhất định cho nhà đầu tư nội, nhưng lại tạo cơ hội cho các nhà đầu tư ngoại - là những nhà đầu tư luôn tìm kiếm cơ hội giải ngân lớn. Trường hợp của HDBank và Techcombank phát hành hàng trăm triệu USD cho đối tác ngoại mới đây là ví dụ.
Một lý do khác giúp cổ phiếu ngân hàng tăng sức hút, đó là lợi nhuận khả quan của các ngân hàng trong thời gian qua. Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, nguyên nhân xuất phát từ hoạt động tín dụng năm 2017 tăng trưởng tích cực và được kỳ vọng tiếp tục giữ được tốc độ ổn định trong năm 2018.
Đồng thời, nợ xấu có thể được xử lý nhanh hơn nhờ các chính sách hỗ trợ xử lý nợ xấu được ban hành và đi vào thực tế, thu nhập của các tổ chức tín dụng theo đó sẽ cải thiện hơn thông qua hoàn nhập dự phòng nợ xấu. Những lý do này giúp cổ phiếu ngân hàng nhận được sự quan tâm mạnh mẽ của cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, khiến nguồn cung cổ phiếu trở nên khan hiếm.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Việt Nam và nhóm 5 nước ASEAN và Nam Á, Ngân hàng Standard Chartered nhận định, so với một vài năm trước đây, lĩnh vực ngân hàng hiện nay đã vững mạnh hơn nhiều và đang hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế.
Các thành tựu đạt được trong lĩnh vực ngân hàng đã mang đến sự ổn định như hiện nay, tạo ra môi trường tốt hơn cho các doanh nghiệp hoạt động, đồng thời thúc đẩy tiêu dùng trong nước, cũng như khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư.
Giáo sư Hà Tôn Vinh - chuyên gia kinh tế cho biết, tỷ giá được duy trì ổn định, lạm phát thấp trong mấy năm qua khiến các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng hơn vào thị trường Việt Nam.
“Nếu hỏi nhà đầu tư nước ngoài có lạc quan hay không khi đầu tư vào Việt Nam? Tôi muốn nói rằng, sự lạc quan không phải là điều quan trọng nhất. Các nhà đầu tư nước ngoài vốn rất thực tế, ở đâu sinh lợi thì họ tìm đến. Một quốc gia ổn định, Chính phủ kiến tạo, minh bạch, môi trường đầu tư thuận lợi sẽ khiến họ yên tâm đầu tư”, Giáo sư Hà Tôn Vinh nói.