Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm cho thấy, tình hình kinh doanh của các ngân hàng vẫn ổn định, lợi nhuận thậm chí đạt mức cao hơn so với kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty cổ phần Chứng khoán Maybank Kim Eng, trước bối cảnh nợ xấu chưa giảm, các ngân hàng buộc phải đẩy nhanh quá trình thoái vốn theo quy định tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN về lộ trình thoái vốn của các ngân hàng…, cổ phiếu ngân hàng bị dội cung.
Trong khi đó, sự quan tâm của nhà đầu tư đối với nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng vẫn có. Tuy nhiên, chỉ một số mã cổ phiếu thực sự được đánh giá cao như VCB (Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank), MBB (Ngân hàng TMCP Quân đội - MB), BID (Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV)…
Đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng cần có tầm nhìn dài hạn. Ảnh: Đức Thanh |
Báo cáo 6 tháng đầu năm cho thấy, hoạt động của các ông lớn ngân hàng vẫn duy trì sự ổn định. Vietcombank là ngân hàng lãi đậm nhất trong quý II/2016, với lợi nhuận trước thuế tăng 16,2%, đạt 1.971 tỷ đồng. BIDV cũng báo hơn 1.200 tỷ đồng lợi nhuận tính riêng trong quý II, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, kết quả kinh doanh của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) thu hút sự chú ý của thị trường. Trong quý II/2016, tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Eximbank đạt 372 tỷ đồng, tăng 90% so với cùng kỳ năm trước. Còn Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đạt 363 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng đầu năm, giảm 76% so với cùng kỳ năm 2015.
Đánh giá về cổ phiếu ngành ngân hàng, Giám đốc Khối Thị trường mới nổi, Công ty Korea Investment & Securities ông Yun Hang Jin cho rằng, chưa thể kỳ vọng nhà đầu tư rót vốn vào nhóm cổ phiếu này trong giai đoạn ngắn sắp tới. Bởi theo ông Jin, quá trình tái cơ cấu ngành ngân hàng thời gian qua đã bộc lộ những ngân hàng yếu kém, nợ xấu chưa giảm.
Các ngân hàng sau mua bán, sáp nhập (M&A) đã từng bước đẩy mạnh tái cơ cấu, song khó khăn còn ở phía trước khi khối lượng nợ xấu bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) “khổng lồ”. Ước tính đến cuối năm 2015, khối lượng nợ xấu VAMC “gom” lại từ các ngân hàng lên đến 250.000 tỷ đồng, nhưng lượng xử lý được lại rất khiếm tốn, chỉ chiếm vài chục phần trăm.
Chính vì vậy, không chỉ các nhà đầu tư trong nước, mà khối ngoại cũng tỏ ra dè chừng khi rót vốn vào những ngân hàng quy mô nhỏ, chưa niêm yết. Còn đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng đã niêm yết, được xem là dẫn dắt thị trường, cũng chỉ có một vài mã được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. “Lợi nhuận mà các nhà băng lớn đạt được 6 tháng đầu năm nay khả quan, song nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng là mối lo lớn. Cổ phiếu ngân hàng chỉ có thể kỳ vọng tăng sau khi kết thúc giai đoạn tái cấu trúc”, ông Jin nhấn mạnh.
TS. Alan Phạm, Kinh tế gia trưởng của Tập đoàn VinaCapital cho rằng, đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng cần có tầm nhìn dài hạn, thay vì lướt sóng ngắn hạn, bởi thực tế, không phải lúc nào nhóm cổ phiếu ngân hàng niêm yết cũng tăng giá. “Nếu mua cổ phiếu ngân hàng trong giai đoạn hiện nay, cần có tầm nhìn dài hạn khoảng 3-5 năm”, TS. Alan Phạm nhấn mạnh.
Thông tin nổi trội đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng đang niêm yết là kiến nghị nới “room” cho nhà đầu tư nước ngoài của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), BIDV…, trong đó VietinBank đề xuất xin nới room nhà đầu tư nước ngoài lên 40%. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích kinh tế, chứng khoán, điều đó sẽ không dễ như kỳ vọng. Còn với cổ phiếu của ngân hàng đang giao dịch trên sàn OTC, giá của hầu hết các mã vẫn dưới mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu và khó tìm thấy “ánh sáng” trong ngắn hạn.