Tài chính - Chứng khoán
Cổ phiếu OCB được cấp margin
T.V - 04/08/2021 14:18
Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa thông báo về việc đưa cổ phiếu OCB ra khỏi danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin).

OCB được phép cấp margin do đáp ứng được điều kiện niêm yết đủ 6 tháng trên sàn HoSE và thỏa mãn các tiêu chí về kết quả hoạt động kinh doanh trong 06 tháng đầu năm 2021.

Trước đó, HOSE đã bổ sung mã cổ phiếu OCB vào rổ chỉ số VNFIN LEAD trong kỳ cơ cấu tháng 7/2021.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng thu nhập hoạt động của OCB đạt 4.249 tỷ đồng, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, thu nhập lãi thuần của Ngân hàng tăng 21,6%, đạt 2.800 tỷ nhờ biên lãi suất NIM liên tục duy trì ở mức cao 3,86% theo định hướng bán lẻ, cho vay tiêu dùng và cơ cấu tài sản đầu tư chủ động phù hợp với diễn biến thị trường.

Thu thuần ngoài lãi tiếp tục tăng trưởng 13,3% so với cùng kỳ. Trong đó, lãi từ dịch vụ đóng góp tỷ trọng lớn 24% trên tổng thu ngoài lãi, tương đương 351 tỷ đồng nhờ tăng trưởng mạnh hoạt động bảo hiểm Bancas, thu từ phí thẻ và các hoạt động tư vấn khác.

Với những kết quả khả quan từ hoạt động đầu tư và kinh doanh chứng khoán, trong nửa đầu 2021, mảng này duy trì đóng góp 57% thu ngoài lãi, tương đương 827 tỷ đồng.

Nguồn thu của OCB được đa dạng hóa và tỷ lệ thu thuần ngoài lãi trên tổng thu thuần đạt 34,1%.

Về hiệu quả hoạt động, trong nửa đầu năm 2021, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) của OCB thuộc trong nhóm thấp nhất toàn ngành khi giảm còn 28,1% từ mức xấp xỉ 30% trong cùng kỳ năm ngoái nhờ năng suất lao động được tối ưu hóa do tăng cường đầu tư công nghệ.

Từ đó, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng tăng trưởng 42,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 2.661 tỷ đồng và tương đương 48% kế hoạch năm.

Tính đến thời điểm 30/6/2021, tổng tài sản OCB đạt 167.142 tỷ đồng, tăng 9,6% so với đầu năm. Trong đó, tập trung vào danh mục sản phẩm cho vay phù hợp với phân khúc bán lẻ, tổng dư nợ thị trường 1 (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) tiếp tục tăng trưởng hơn 6% so với đầu năm, thích ứng tốt trước tình hình diễn biến dịch bệnh hiện tại.

Tổng huy động vốn từ thị trường 1 của OCB đạt 118.395 tỷ đồng, tăng 9,2% so với đầu năm. Trong đó, huy động từ tiền gửi khách hàng đạt 96.215 tỷ đồng, tăng 10,4% so với đầu năm.

Với chất lượng tài sản tốt, OCB chủ động tận dụng nguồn vốn dài hạn chất lượng với chi phí vốn thấp hơn từ ủy thác đầu tư và phát hành giấy tờ có giá với đóng góp xấp xỉ 19% trên tổng huy động thị trường 1, hài hòa cấu trúc huy động và góp phần giảm chi phí vốn đáng kể.

Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục được kiểm soát và giảm về mức 1,53% trong 6 tháng đầu năm; Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) hợp nhất đạt 12,8% cao hơn nhiều so với quy định của NHNN; Tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 70%, tiếp tục tăng so với mức 62% đầu năm 2021.

Năm 2021, OCB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 25%, lợi nhuận trước thuế đạt 5.500 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2020.

Mới đây, nhà băng này cho biết đã phát hành gần 274 triệu cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 25%, nâng vốn điều lệ của OCB từ 10.959 tỷ đồng lên 13.698 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, dự kiến trong thời gian tới, OCB sẽ phát hành khoảng 5 triệu cổ phiếu theo chương trình ESOP với mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu và chào bán riêng lẻ 70 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.

Cổ phiếu OCB niêm yết trên sàn HoSE từ ngày 28/1/2021, đến nay cổ phiếu của nhà băng này đã liên tục có những phiên tăng liên tiếp với mức giá cao nhất lên tới 31.750 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, trong phiên giao dịch chiều ngày 4/8, giá cổ phiếu OCB đang giao dịch ở mức 24.700 đồng/cổ phiếu, giảm so với mức trên 30.000 đồng/cổ phiếu đầu tháng 7/2021.

Tin liên quan
Tin khác